Bộ Lao động: Hưởng lương hưu lợi gấp 4-5 lần so với trợ cấp một lần

“Không tính đến yếu tố trượt giá, nếu người lao động tích lũy đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để nhận lương hưu thì lợi ích thu được sẽ lớn gấp 4-5 lần so với việc nhận bảo hiểm xã hội một lần”, Vụ phó Bảo hiểm xã hội Nguyễn Duy Cường thông tin.

Chiều 15/5, trao đổi với báo chí xung quanh việc sửa đổi điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân thông tin, theo yêu cầu của Thường vụ Quốc hội, Bộ Lao động sẽ đánh giá lại việc thực hiện quy định cho hưởng bảo hiểm xã hội một lần và chuẩn bị văn bản báo cáo rõ ràng về căn cứ xây dựng, tác động của điều 60, nguyện vọng của người lao động để đưa lên Ủy ban Các vấn đề xã hội. Vào kỳ họp Quốc hội tới (khai mạc 20/5), Bộ sẽ trình Quốc hội xem xét việc sửa hay không điều 60.

IMG-9989-JPG-9939-1431724477.jpg
Thứ trưởng Bộ Lao động Phạm Minh Huân. Ảnh: T.H.

Thứ trưởng phân tích, việc người lao động muốn hưởng bảo hiểm xã hội một lần xuất phát từ nhu cầu thực tế, đó là lương, thưởng của họ còn thấp. Người lao động coi bảo hiểm xã hội một lần như là khoản thu nhập bổ sung để trang trải cho cuộc sống. “Việc giải quyết chế độ bảo hiểm một lần tạo điều kiện cho người lao động có ngay thu nhập để trang trải khó khăn trước mắt, nhưng khi về già không có lương hưu thì họ sẽ gặp khó khăn cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, người lao động nên tính đến an sinh lâu dài khi không còn khả năng làm việc”, ông nói.

Lấy dẫn chứng về chính sách 176 giải quyết chế độ thôi việc một lần cách đây 20 năm có nhiều bất cập, ông Huân cho biết hiện nay nhiều lao động làm đơn trả lại số tiền trợ cấp đã nhận để được hưởng lương hưu, nhưng Bộ chưa giải quyết được. 

Vụ phó Bảo hiểm xã hội Nguyễn Duy Cường cho hay khi xây dựng luật, căn cứ đề xuất điều 60 là mong muốn người lao động tích lũy thời gian đóng bảo hiểm để được hưởng lương hưu khi về già. Ví dụ một lao động nam có lương tháng bình quân 4 triệu đồng, nếu nghỉ hưu năm 2016 khi đủ 60 tuổi, tuổi thọ là 78, mức đóng đủ 20 năm theo đúng quy định của luật mới, thì tổng chi phí cho người đó hưởng lương hưu hàng tháng là hơn 500 triệu đồng. Trong khi đó, nếu lao động nhận một lần khi đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội thì chỉ hơn 120 triệu đồng. Lao động nữ sẽ được hưởng nhiều hơn con số trên so với lao động nam bởi họ nghỉ hưu sớm, thời gian hưởng lương hưu sẽ cao hơn.

“Không tính đến yếu tố trượt giá, nếu người lao động tích lũy đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để nhận lương hưu thì lợi ích mà họ thu được sẽ lớn gấp 4-5 lần so với việc nhận bảo hiểm xã hội một lần”, ông cho biết.

congnhan2-2686-1431427250-9245-143172447
Tại buổi đối thoại với liên đoàn lao động thành phố Hà Nội ngày 12/5, nhiều công nhân mong muốn sửa điều 60 theo hướng linh hoạt để có điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Ảnh: T. H.

Trước lo ngại vấn đề trượt giá và mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, Thứ trưởng Phạm Minh Huân lý giải đây là lo lắng bình thường của người lao động. Hiện nay, không quốc gia nào dám chắc chắn kiểm soát tuyệt đối vấn đề trượt giá, lạm phát. Nhưng đối với việc đóng bảo hiểm, nhà nước luôn điều chỉnh mức đóng, lương hưu theo từng thời kỳ để giải quyết vấn đề an sinh xã hội.

Có ý kiến người lao động phản đối điều 60 chủ yếu là công nhân thuộc ngành da giày, may mặc. Họ phản đối quy định mới là do thời gian tham gia vào thị trường lao động rất ngắn nên muốn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Thứ trưởng Huân thông tin, nếu không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, lao động có thể chuyển sang bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bởi hiện nay, bảo hiểm tự nguyện mở ra rất nhiều kênh, chưa kể đến việc nhà nước hỗ trợ chính sách cho người lao động sau khi nghỉ việc, như tìm kiếm việc làm, đi học nghề.

Thừa nhận việc công nhân phản ứng với điều 60 một phần do công tác tuyên truyền chưa tốt, Thứ trưởng Huân cho biết thời gian tới, Bộ sẽ có kế hoạch tuyên truyền cụ thể để giúp người lao động nhận thức đầy đủ, đúng đắn về luật này. “Về vấn đề sửa luật, Chính phủ có quan điểm rõ ràng là sẽ đề nghị Quốc hội sửa điều 60 theo hướng linh hoạt. Còn hình thức sửa như thế nào thì phải chờ Quốc hội cân nhắc và cho ý kiến”, ông Huân nói.

Trong phiên họp Thường vụ Quốc hội chiều 12/5, việc sửa hay không sửa điều 60, Luật bảo hiểm xã hội 2014 gây nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều đại biểu đề nghị Thường vụ Quốc hội cân nhắc kỹ việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội theo đề xuất của Chính phủ. Nội dung của điều luật này nhằm mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội, tạo điều kiện cho người lao động tích lũy thời gian đóng bảo hiểm để được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, luật chưa có hiệu lực thì một bộ phận lao động, chủ yếu là các tỉnh thành phía Nam kiến nghị được lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại luật cũ.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo vnexpress)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.