BHXH Việt Nam trần tình về mức lương 5,5 triệu đồng/tháng

(HQ Online)- Tại Hội nghị đại biểu chuyên trách tổ chức mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội khi góp ý về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cho rằng, mức lương hiện nay của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) là quá cao, không xứng đáng. Nhưng dưới góc độ người trong cuộc, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh đặt câu hỏi: Với mức lương trung bình 5,5 triệu như hiện nay thì liệu lương của cán bộ BHXH có được xếp vào thu nhập cao?

Phó Tổng giám đốc BHXH Đỗ Văn Sinh. Ảnh: T.Hằng.

Trao đổi với báo chí chiều 12-9, ông Đỗ Văn Sinh cho biết, thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 7-9-2012, cơ chế thí điểm tiền lương cho cán bộ viên chức ngành BHXH đã được phê duyệt, triển khai đến năm 2015.

Theo đó, cán bộ nhân viên ngành này được hưởng mức chi tiền lương gấp 1,8 lần so với chế độ tiền lương cán bộ công chức, viên chức hiện nay. Nguồn chi lấy từ lợi nhuận đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội. Như vậy, với mức tăng 1,8 lần thì lương bình quân của cán bộ BHXH cũng chưa thể tới con số 6 triệu đồng/tháng.

“Trong suốt quãng thời gian từ năm 2007 (thời điểm thực hiện Luật BHXH có hiệu lực thi hành) đến năm 2010, mức chi tăng thêm bình quân cho toàn Ngành cũng chỉ ở mức 0,7 lần so với mức tiền lương do Nhà nước quy định (trong khi đó, mức tối đa BHXH được Chính phủ cho phép áp dụng là 1 lần). Như vậy, mức lương bình quân và mức tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống khoảng 3,96 triệu đồng/tháng; năm 2011 là khoảng 4,8 triệu đồng/tháng”- ông Đỗ Văn Sinh cho hay.

Cũng vì thu nhập thấp nên đã có thời kỳ BHXH rơi vào tình trạng “cháy máu” chất xám đến báo động. Tính trong giai đoạn từ 2007 đến 2011, số cán bộ, viên chức xin ra khỏi ngành BHXH là 1.353 người; trong đó phần lớn là chuyên gia công nghệ thông tin, cán bộ nghiệp vụ.

Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện yêu cầu phủ sóng đối tượng tham gia BHXH thì áp lực càng đè nặng lên vai đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống. Theo Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Vì vậy, theo ông Đỗ Văn Sinh, nhiệm vụ tăng nhưng lực lượng cán bộ BHXH quá mỏng. Tính đến năm 2014, toàn ngành BHXH có 20.500 cán bộ công chức, viên chức;  trong đó, có 1.864 người hợp đồng 68, còn lại là cán bộ nghiệp vụ. Tính bình quân 1 cán bộ nghiệp vụ BHXH Việt Nam quản lý 3.380 người lao động và mỗi một cán bộ bảo hiểm thực hiện quản lý thu chi khoảng 20,5 tỷ đồng/năm.

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.