BHXH Việt Nam: Tập huấn công tác tham gia đấu thầu mua thuốc

Trong 2 ngày 19- 20/03/2014, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tham gia đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở KCB BHYT theo các Thông tư mới được ban hành: Thông tư liên tịch số 36/2013/TTLT-BYT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01; Thông tư số 37/2013/TT-BYT hướng dẫn lập Hồ sơ mời thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế thay thế cho Thông tư số 11/2012/TT-BYT.

TGD 210314.jpg
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng phát biểu khai mạc Hội nghị

Tới dự và chủ trị Hội nghị có Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Minh Thảo và đại diện BHXH các tỉnh, thành phố phía khu vực phía Bắc…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng đánh giá: cùng với sự phát triển của ngành BHXH, số người tham gia BHXH, BHYT tăng nhanh. Số lượt KCB cũng như tần suất KCB BHYT tăng lên hàng năm. Đóng góp vào con số ngày càng tăng cao từ quỹ BHYT, chi phí thuốc và vật tư y tế (VTYT) chiếm một phần đáng kể. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng thất thoát, sử dụng nguồn kinh phí chưa hiệu quả trong quả lý thuốc, VTYT trong các cơ sở y tế đang là điểm “nóng” của cả hai ngành BHXH và Y tế… Tổng giám đốc Lê Bạch Hồng nhấn mạnh: với chi phí thuốc chiếm phần lớn trong cơ cấu viện phí, quỹ BHYT chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nguồn thu sự nghiệp của các cơ sở KCB, cơ quan BHXH cần phải trực tiếp tham gia cùng hội đồng đấu thầu thuốc, thực hiện vai trò giám sát của người thanh toán chi phí thuốc BHYT nhằm tăng cường sự minh bạch trong hoạt động này…

Đánh giá kết quả hơn một năm triển khai thực hiện Thông tư 01, ông Vũ Xuân Hiển- Trưởng Ban Dược và VTYT (BHXH Việt Nam) cho biết: về mặt hiệu quả, Thông tư 01 đã phần nào đảm bảo các nguyên tắc cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả kinh tế của Luật Đấu thầu. Những tồn tại trong Thông tư 10 trước đây trong việc hướng dẫn xây dựng hồ sơ mời thầu, đánh giá nhà thầu và chất lượng thuốc… đã được khắc phục trong Thông tư 01 và Thông tư số 11 với những tiêu chí rõ ràng về phân nhóm thuốc; tiêu chí xét thầu, chấm điểm rõ ràng, minh bạch, thống nhất trong toàn quốc… Ông Hiển khẳng định: “Hiệu quả kinh tế đạt được trong đấu thầu thuốc theo Thông tư 01 đã tác động tích cực đến chi phí KCB BHYT”. Giá thuốc đấu thầu giảm đã làm giảm giá trị tiền mua thuốc tại các cơ sở y tế, đồng thời giảm chi phí thuốc BHYT. 

Tuy nhiên, thực tế triển khai Thông tư 01 cũng bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với điều kiện hiện tại. Việc phân chia nhóm đối với gói thầu thuốc generic chưa thật phù hợp, chất lượng thuốc chưa thật đồng đều trong nhóm. Thiếu các tiêu chí đánh giá về chất lượng, nguồn gốc nguyên liệu sản xuất thuốc, dẫn tới khó chọn được thuốc có chất lượng tốt nhất khi chỉ căn cứ theo tiêu chí giá. Thông tư 01 cũng chưa phân tách thành nhóm riêng cho các gói thầu thuốc đông y, thuốc từ dược liệu. Bên cạnh đó, việc quy định hạn mức trong trường hợp mua thuốc vượt kế hoạch đấu thầu trong năm theo phân hạng BV (600 triệu, 1 tỷ, 2 tỷ) cũng đang là gây khó cho các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, theo ông Hiển: “Quy định cơ quan BHXH chỉ tham gia vào thẩm định kế hoạch đấu thầu, xét thầu và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu dẫn tới việc tham gia của cơ quan BHXH không có tính hệ thống, không toàn diện, hạn chế rất nhiều vai trò giám sát của cơ quan BHXH”. Những “kẽ hở” trong Thông tư 01 đã được nhiều nhà thầu, cơ sở tổ chức đấu thầu lợi dụng đưa vào nhiều loại thuốc có giá không hợp lý như: đưa thuốc có hàm lượng không phổ biến, thuốc phối hợp có giá cao hơn rất nhiều so với thuốc có hàm lượng phổ biến và thuốc đơn chất (do không có cạnh tranh)…

DTT 210314.jpg

Nhằm khắc phục những hạn chế bộc lộ trong quá trình thực hiện Thông tư 01, ngày 11/11/2013, liên Bộ Y tế- Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 36/2013/TTLT-BYT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01. Đồng thời Bộ Y tế cũng ban hành Thông tư số 37/2013/TT-BYT hướng dẫn lập Hồ sơ mời thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế thay thế cho Thông tư số 11/2012/TT-BYT, nhằm thống nhất thực hiện các nội dung đã được điều chỉnh.

Bổ sung quy định về nguồn gốc thuốc, Thông tư 36 đã tách riêng thuốc sản xuất tại các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc PIC/s-GMP thuộc nước tham gia ICH (bao gồm các nước thuộc EU, Nhật, Mỹ và các nước là quan sát viên của ICH và thành viên liên kết của các thành viên ICH) với các thuốc đạt tiêu chuẩn này nhưng không thuộc nước tham gia ICH. Một trong những nội dung chính trong Thông tư sửa đổi này là phân chia lại các gói thầu, phân định rõ 3 gói cơ bản: thuốc generic (thuốc đã hết bản quyền bảo hộ); thuốc biệt dược và thuốc đông y. Trong đó, thuốc generic được phân chia thành 5 nhóm; thuốc đông y phân chia thành 2 nhóm dựa trên tiêu chí kỹ thuật và tiêu chuẩn công nghệ được cấp phép. Điểm mới đáng ghi nhận là Thông tư 36 đã thể hiện cơ hội cho thuốc sản xuất trong nước khi cho phép tham gia đấu thầu vào các nhóm thuốc nhập khẩu cùng đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc PIC/s-GMP. Thuốc sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn WHO-GMP được cấp phép lưu hành tại các nước tham gia ICH cũng được dự thầu vào nhóm thuốc sản xuất tại các cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc PIC/s-GMP thuộc nước tham gia ICH… Bên cạnh đó, tiêu chí về giá thuốc thấp nhất của Thông tư 01 vẫn được bảo lưu với quy định bổ sung: các gói thầu thuốc theo tên generic, gói thầu thuốc đông y, thuốc từ dược liệu hay gói thầu thuốc theo tên biệt dược thì mỗi thuốc chỉ được xét trúng thầu một mặt hàng thuốc đạt yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng quy định trong hồ sơ mời thầu và có giá đánh giá thấp nhất trong nhóm thuốc cũng như gói thầu. Việc lựa chọn thuốc được dựa trên nguyên tắc ưu tiên sử dụng thuốc đơn chất, ưu tiên xét chọn thuốc trúng thầu mặt hàng thuốc sản xuất trong nước có chất lượng tương đương và giá không cao hơn thuốc nhập khẩu tại thời điểm đấu thầu… Thông tư 36 cũng thể hiện sự linh hoạt hơn về hạn mức mua thuốc, cho phép các BV được mua vượt kế hoạch đấu thầu trong năm các loại thuốc có nhu cầu sử dụng tăng cao với mức tối đa 20%, tổng giá trị không vượt quá 2 tỷ đồng/năm không căn cứ vào phân hạng BV. Đặc biệt, Thông tư 36 đã tăng cường sự tham gia của cơ quan BHXH vào khâu xây dựng hồ sơ mời thầu, đảm bảo tham gia có tính hệ thống của cơ quan BHXH vào toàn bộ 4 khâu của quá trình đấu thầu mua thuốc từ nguồn quỹ BHYT (hội đồng thẩm định kế hoạch đấu thầu, tổ xây dựng hồ sơ mời thầu, tổ xét thầu và tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu) thay vì 3 khâu trong Thông tư 01. Để cơ quan BHXH tham gia vào việc tổ chức thực hiện đấu thầu mua thuốc đúng quy định, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng: khẩn trương nghiên cứu, tham gia cùng Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BV, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế tổ chức và triển khai đấu thầu mua thuốc theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 36. Đồng thời thành lập Tổ tham gia đấu thầu mua thuốc của BHXH tỉnh, phân cấp đấu thầu mua thuốc… theo đúng quy định của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.

AK

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.