BHXH cho lao động mùa vụ: Thiếu tính khả thi

(DĐDN) –  Việc đưa nhóm lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là cần thiết nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội nhưng theo các đại biểu Quốc hội, quy định này thiếu tính khả thi.

Theo dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) “Đối với đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tham gia BHXH bắt buộc (Điểm b khoản 1 Điều 2)”. Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc đưa nhóm lao động trên tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động khi không còn khả năng lao động. Nhóm lao động này chủ yếu làm việc trong khu vực có quan hệ lao động nhưng trên thực tế thường bị người sử dụng lao động vận dụng hình thức ký hợp đồng lao động dưới ba tháng để không phải thực hiện nghĩa vụ BHXH.

Phải khẳng định rằng, nếu đơn thuần xét về yếu tố an sinh xã hội, việc mở rộng đối tượng BHXH bắt buộc cho lao động “mùa vụ” là một bước tiến lớn. Thực tế, nhóm lao động này chủ yếu làm việc trong khu vực có quan hệ lao động, nhưng trên thực tế thường bị người sử dụng lao động vận dụng hình thức ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng để không phải thực hiện nghĩa vụ BHXH. Hiện nay nhóm này chiếm khoảng từ 30% đến 40% trong tổng số lao động thuộc khu vực có quan hệ lao động.

Tuy nhiên, còn có một số ý kiến đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn về tính khả thi của điều khoản này. Theo đại biểu Cao Thị Xuân (Đoàn ĐB Thanh Hoá), Luật hiện hành quy định đối tượng làm việc có hợp đồng lao động quy định bắt buộc, nhưng mới có gần 70% tham gia. Vậy đối tượng lao động từ 1 đến 3 tháng thì biện pháp nào quản lý được và bắt buộc họ tham gia trong khi đời sống của số lao động này đang rất khó khăn. Họ chỉ làm việc theo mùa vụ, công việc chưa ổn định, còn nhiều biến động, bản thân DN cũng chưa đủ điều kiện để quản lý lao động một cách chắc chắn để thực hiện theo yêu cầu của BHXH.

Đồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Đoàn ĐB Hậu Giang) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta thấy rất nhiều DN luật không đóng bảo hiểm cho người lao động. Nếu chúng ta quy định như thế này nữa thì có thực thi được hay không. Các DN đang phải gồng mình để gánh chịu những khó khăn để vượt lên, từ đó bảo đảm duy trì hoạt động cho DN và bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Như vậy chúng ta áp dụng thời điểm này thì có phù hợp không và có khả thi không?

Điều luật nghe thì tiên tiến, bảo đảm an sinh xã hội nhưng nếu chỉ viết ra và chưa tính đến tác động hay tính khả thi thì luật sẽ chỉ nằm trên giấy. Hiệu lực của pháp luật hạn chế ảnh hưởng đến thượng tôn pháp luật.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo dddn.com.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.