Bệnh nhân lo lắng, bệnh viện lúng túng

(BVPL) – Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Đến nay, chỉ qua thời gian đầu áp dụng quy định mới về bảo hiểm y tế, nhưng cả người bệnh và bệnh viện đã gặp nhiều lúng túng. Trong đó, nội dung quy định về việc một số nhóm thuốc được hỗ trợ từ 100% xuống còn 30% đến 50%, quy định về nguồn chi trả cho người bệnh khám vượt tuyến tỉnh và Trung ương bị thắt chặt, người dân đặt ra câu hỏi là liệu lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) có bị giảm hay không?

Theo quy định của Luật Bảo hiểm cũ, khi đi khám, chữa bệnh trái tuyến, người bệnh sẽ được chi trả ở các mức 30%, 50% và 70% chi phí tùy theo loại bệnh viện. Theo Luật mới, BHYT sẽ không thanh toán cho người bệnh khám vượt tuyến liên tỉnh và Trung ương, ngừng chi trả cho bệnh nhân khám trái tuyến, vượt tuyến tại phòng khám tư nhân, ngừng chi trả cho bệnh nhân khám ngoại trú vượt tuyến tại tuyến tỉnh và Trung ương. Theo đó, khi vượt tuyến Trung ương, người bệnh chỉ được thanh toán 40%, tuyến tỉnh mức chi là 60% khi nằm viện điều trị nội trú; còn người đi khám, kê đơn, điều trị ngoại trú sẽ không được thanh toán khiến nhiều người dân cho rằng, quy định này không hợp lý vì dù thế nào thì họ cũng đã mua BHYT.

Một bệnh nhân đến từ Hà Nam cho biết: Khám chữa bệnh ở tuyến dưới, khi bị bệnh nặng, chúng tôi không tin tưởng vào năng lực của bác sỹ tuyến dưới, vì vậy chúng tôi có nhu cầu được nhập viện và khám chữa bệnh trên tuyến Trung ương. Chúng tôi có tham gia bảo hiểm nên vẫn hy vọng được thanh toán ít nhất là 30% cho đỡ tốn về kinh phí của gia đình. Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện tuyến dưới gây khó khăn cho bệnh nhân nặng, không cho chuyển tuyến đã gây bức xúc cho bệnh nhân. Có trường hợp người bệnh đi khám và điều trị ở tuyến trên, phát hiện ra bệnh nặng, yêu cầu nhập viện luôn. Như vậy, nếu theo quy định mới, bệnh nhân đang điều trị phải đưa từ Hà Nội về xã, huyện, tỉnh để xin giấy chuyển tuyến, như vậy rất bất lợi.

 

Theo Luật mới, BHYT sẽ không thanh toán cho người bệnh khám vượt tuyến liên tỉnh và Trung ương.
Theo Luật mới, BHYT sẽ không thanh toán cho người bệnh khám vượt tuyến liên tỉnh và Trung ương.

Việc quy định chi trả vượt tuyến của quỹ BHYT nhằm mục đích hướng tới không có sự quá tải ở các bệnh viện một cách vô lý. Vấn đề nữa là làm sao để đảm bảo thực hiện phân tuyến chuyên môn kỹ thuật theo đúng quy định của ngành Y tế. Có những bệnh viện tuyến dưới điều trị tốt, hiệu quả nhưng người dân cứ đổ xô lên tuyến trên sẽ gây quá tải. Vì thế, trong khu vực khám chữa bệnh ngoại trú, không khuyến khích khám, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến ở tuyến Trung ương.

Theo quy định mới cho phép có 47 loại bệnh như: hen, tiểu đường, tim mạch… được sử dụng giấy chuyển tuyến có giá trị một năm, người bệnh chỉ cần chuyển tuyến một lần và sau đó được khám định kỳ theo lịch của bác sĩ suốt năm không cần xin giấy chuyển tuyến mới. So với quy định cũ, số lượng bệnh được áp dụng giấy chuyển tuyến có giá trị một năm đã mở rộng nhiều lần.

Một số bệnh nhân ung thư phổi, gan và tuyến thượng thận lo lắng là theo quy định mới, họ chỉ được thanh toán 50% cho 4 loại thuốc mà các bác sĩ thường gọi là “thuốc điều trị vip”. Bác sĩ Phùng Thị Thanh Huyền (Bệnh viện K) cho biết: Việc kê đơn thuốc vào nhóm thuốc không được chi trả bảo hiểm, bác sĩ sẽ cân nhắc, đó có phải là thuốc điều trị tốt nhất cho bệnh nhân hay không, vì có những thuốc mà nó phù hợp nhất đối với bệnh nhân ở giai đoạn đấy, chứ không hẳn thuốc tốt nhất cho mỗi một bệnh nhân. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã có văn bản tiếp tục thanh toán 100% cho các bệnh nhân đang điều trị cho phác đồ có sử dụng 4 loại thuốc điều trị ung thư trên.

Đại diện BHXH Việt Nam cũng cho biết, quá trình thực hiện Luật sẽ còn có nhiều vướng mắc phát sinh. Tuy nhiên, cơ quan bảo hiểm sẵn sàng tiếp nhận vướng mắc và điều chỉnh theo hướng có lợi cho người tham gia bảo hiểm và cân bằng nguồn quỹ. Bệnh nhân Bảo hiểm y tế gặp trục trặc, hãy gọi giám định viên tại bệnh viện để được tư vấn, hỗ trợ.

Ngày 6-1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu BHXH Việt Nam và Bộ Y tế sớm có hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc để người bệnh được thuận lợi hơn trong khám, chữa bệnh.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baobaovephapluat.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.