Bệnh nhân BHYT quay cuồng xin giấy chuyển viện

Người bệnh luôn chật vật để xin giấy chuyển viện. Ảnh: B.B.Đ

Đã 23 năm (1992 – 2015) kể từ khi tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) chính thức ra đời đã trở thành “phao cứu sinh” cho rất nhiều người bệnh.

Trải qua nhiều lần sửa đổi các quy định, khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT đã có những thay đổi đáng kể. Song những bất cập xung quanh tấm thẻ BHYT vẫn còn không ít. Trong đó điều mà nhiều người bệnh BHYT bức xúc là những thủ tục hành chính nhiêu khê. Từ tháng 1.2015, một lần nữa Luật BHYT lại được sửa đổi. Tuy nhiên, qua hơn 2 tháng thực hiện đã cho thấy người bệnh BHYT đang tiếp tục khổ sở với những quy định, thủ tục, giấy tờ hành chính. Báo Lao Động xin phản ánh tình trạng này trong loạt bài dưới đây.

Kỳ 1: Quay cuồng xin giấy chuyển viện

Bệnh nặng, chữa dài ngày không đỡ… tâm lý của người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân là muốn chuyển lên tuyến trên để điều trị tốt hơn. Nhưng để được BHYT thanh toán, việc xin được tờ giấy chuyển viện là điều không hề dễ dàng. Hiện nay, các quy định về chuyển viện của Bộ Y tế ban hành đang “mỗi cái, mỗi kiểu” khiến cho nhiều người bệnh BHYT phải vượt tuyến nên không được hưởng các quyền lợi thanh toán của BHYT.

Thông tư của Bộ Y tế chưa được thực thi

Thông tư (TT) 14 ban hành ngày 14.4.2014 của Bộ Y tế quy định bệnh nhân (BN) được xem là điều trị đúng tuyến khi có giấy chuyển tuyến ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến thấp nhất (tức là ở trạm y tế phường, xã). Theo TT này thì người bệnh muốn được BHYT thanh toán chi phí khám – chữa bệnh (KCB) phải có giấy chuyển viện từ tuyến xã đến tuyến huyện rồi lên tỉnh và sau đó là tuyến cuối, tuyến trung ương. Quy định này đã khiến không ít người bệnh nặng đánh mất cơ hội vàng để chữa trị bệnh. Chị Cao Thị Yến ở Quảng Ninh kể: “Chồng tôi bị nhồi máu cơ tim vào BV của TX.Cẩm Phả cấp cứu. Trình độ chuyên môn không đáp ứng được, các bác sĩ (BS) cho chuyển về BV của tỉnh Quảng Ninh theo đúng tuyến. Về đến BV tỉnh Quảng Ninh lại làm đủ các thủ tục để nhập viện, vài ngày sau BV mới cho giấy chuyển về BV tuyến T.Ư. Đến khi về được BV Bạch Mai thì bệnh tình đã quá nặng, BS nói đã quá muộn để có thể can thiệp và viết giấy trả BN về địa phương… Gia đình tôi đã rất ân hận, chỉ vì theo đuổi tờ giấy chuyển viện mà bỏ lỡ cơ hội cứu sống một mạng người…”.

Trước phản hồi từ các địa phương về TT 14, Bộ Y tế đã ban hành thêm thông tư 37 vào tháng 11.2014. Theo TT này thì việc xin giấy chuyển tuyến đơn giản hơn. Có nghĩa là dù không cần giấy chuyển viện từ tuyến đầu tiên là trạm y tế mà chỉ có giấy chuyển viện từ một tuyến y tế nào đó chuyển lên tuyến trên thì vẫn được xem là chuyển đúng tuyến. Nhưng thực tế tại các địa phương, BHXH một số tỉnh vẫn thực hiện theo TT 14 đã khiến người dân quay cuồng trong vòng xoáy xin giấy chuyển tuyến.

Oái ăm cách tính BHXH

Bà Tống Thị Song Hương – Vụ trưởng Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế – cho biết: Báo cáo giám sát của Quốc hội trong 4 năm thực hiện Luật BHYT cũ (BN vượt tuyến vẫn được chi trả 30%) cho thấy số tiền chi cho khám trái tuyến là rất lớn, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây quá tải cho các BV tuyến trên. Theo đánh giá của Viện Chính sách y tế thì có đến 70% số BN không cần thiết phải vượt tuyến…

Tuy nhiên, không ít các trường hợp, dù các BV tuyến dưới không đủ điều kiện để chữa trị bệnh, BV tuyến dưới tìm đủ mọi lý do để giữ chân BN ở lại. Chỉ đến khi người bệnh nguy kịch thì BV tuyến dưới mới vội vàng cho chuyển tuyến, song đã quá muộn hoặc người bệnh phải mất thêm thời gian dài để điều trị vì bệnh quá nặng…

Mấu chốt của vấn đề ở đây là do cơ chế thanh toán chi phí KCB của BHXH hiện rất “oái ăm”. Một lãnh đạo BV cho biết, theo quy định, những BN chuyển tuyến điều trị, cơ sở KCB cho BN chuyển phải chịu mọi chi phí của người bệnh ở tuyến trên mà không thể biết chi phí đó là bao nhiêu. Chỉ đến hết năm, khi thanh quyết toán mới biết, có thể rất lớn và phải chờ nhiều tháng sau BHYT mới cấp bù. Vậy là, vì BHXH lo vỡ quỹ, cơ sở KCB thì lo không được BHYT thanh toán, còn hậu quả, người bệnh khốn đốn vì bệnh tật.

Khi bàn thảo về Luật BHYT sửa đổi, đã có nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra ý kiến cần xây dựng các quy định về BHYT trên tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho người dân đi KCB khi ốm đau. Người dân được quyền lựa chọn nơi KCB, nên phải hạn chế tối đa các quy định hành chính về “trái tuyến, vượt tuyến”, để người bệnh có thẻ BHYT có thể KCB bất cứ cơ sở nào… Tuy nhiên, đến khi Luật BHYT (sửa đổi) chính thức ban hành thì quy định chuyển tuyến vẫn giữ nguyên hiệu lực. Luật BHYT mới sửa đổi sẽ không thanh toán cho BN ngoại trú không có giấy chuyển viện. Và như vậy, với quy định này thì rõ ràng mọi khó khăn vẫn đổ dồn vào người bệnh.

Tình trạng người bệnh bị chết oan uổng, bị nguy kịch vì không được chuyển viện đã xảy ra nhưng ngành y tế vì sao chưa có một con số thống kê nào? Một lãnh đạo ngành y tế cho rằng: Để biết được người bệnh đó có thật sự chết do nguyên nhân chậm chuyển viện cần phải thanh – kiểm tra, họp hội đồng chuyên môn, thậm chí là thực hiện khám nghiệm tử thi để đánh giá, kết luận. Người bệnh hoàn toàn có thể kiện BV đó vì lý do chậm chuyển viện. Đến nay, chưa có BN nào khiếu kiện đến Bộ Y tế về vấn đề này.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo laodong.com.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.