Bảo hiểm y tế gia đình: Nhiều ưu đãi, cũng không ít băn khoăn

Gần hai tháng sau khi Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, việc mua BHYT đang gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là với những hộ gia đình kinh tế không dư dả. Nguyên nhân là do, theo quy định cũ, người dân chỉ cần có nhu cầu, dễ dàng được mua BHYT tự nguyện. Còn nay, muốn mua, bắt buộc cả hộ gia đình phải cùng tham gia (trừ người đã mua hoặc được cấp thẻ BHYT).

Vẫn còn băn khoăn
Luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 có nhiều ưu đãi dành cho hộ gia đình có nhu cầu mua bảo hiểm cho toàn bộ thành viên, chẳng hạn như: Khi mua BHYT theo hộ gia đình, mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi. Cụ thể, người thứ nhất trong hộ gia đình khi mua BHYT sẽ đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư lần lượt có mức đóng là 70%, 60% và 50% mức đóng của người thứ nhất. Kể từ người thứ năm trong hộ gia đình trở đi mức đóng chỉ bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Quy định như vậy, song nhiều người dân vẫn còn băn khoăn. Bà Nguyễn Thị Tý, ở Nam Định, hiện đang làm giúp việc nhà cho một hộ gia đình ở khu tập thể Ngõ Gạch, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm không khỏi lo lắng: “Với hộ gia đình khó khăn có đến 5 thành viên như nhà tôi, lo ăn còn chưa đủ, chắc chắn sẽ không thể tham gia vì tổng chi phí quá lớn”.

Mua bảo hiểm y tế, người dân sẽ có điều kiện khám chữa bệnh tốt hơn. Ảnh: Hồ Như
Mua bảo hiểm y tế, người dân sẽ có điều kiện khám chữa bệnh tốt hơn. Ảnh: Hồ Như
Cùng bày tỏ sự băn khoăn, ông Đoàn Chí Kiên, ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình cho rằng, thay vì quy định bắt cả hộ gia đình phải mua BHYT tự nguyện nên tuyên truyền, thuyết phục, tạo cơ chế để người dân thấy rõ được lợi ích to lớn khi tham gia BHYT tự nguyện. Mặt khác, với trường hợp hai vợ chồng đã ly thân hay có đơn ly hôn, đang được tòa xem xét hòa giải, trong sổ hộ khẩu vẫn có tên của cả vợ và chồng, khi mua BHYT chỉ có vợ cùng các con đồng thuận, còn chồng không tham gia, không lẽ các thành viên trong gia đình đều phải chịu “nhịn”?.

San sẻ vì cộng đồng

Về phía Bộ Y tế, cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng luật trình Quốc hội xem xét thông qua lại cho rằng, theo quy định của Luật BHYT đã sửa đổi, bổ sung thì “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng”. Do đó, hiện nay không còn BHYT tự nguyện mà mọi người dân có trách nhiệm tham gia BHYT vì lợi ích của chính mình và cộng đồng, phấn đấu năm 2015 phải đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt 70% và đến 2020 đạt trên 80%. Căn cứ quy định của luật này, một hộ gia đình có 7 người trong hộ khẩu (kể cả người có tên tạm trú dài hạn cũng được tính), nhưng trong đó có phần đông nhân khẩu thuộc đối tượng hưu trí, công nhân viên đang đi làm, học sinh – sinh viên, trẻ em dưới 6 tuổi, người trên 80 tuổi thì không được tính vào danh sách phải tham gia BHYT theo hộ gia đình bởi đây đều là những thành phần đã được ngân sách nhà nước, Quỹ BHXH hoặc chủ doanh nghiệp đóng BHYT một phần hoặc toàn phần. Chỉ những người còn lại mới được tính vào số người trong hộ gia đình để được hưởng ưu đãi khi mua BHYT.

Thực tế sau gần hai tháng triển khai Luật BHYT mới cũng cho thấy, nhiều hộ gia đình đang có người mắc các bệnh mạn tính như suy thận mãn, ung thư… khi đăng ký thẻ BHYT mới cho bệnh nhân, biết phải mua theo hộ gia đình cũng sẵn sàng đăng ký sớm nhất để những người thân của họ có thẻ phòng thân khi gặp những rủi ro về sức khỏe. Như vậy, có thể hiểu đây là loại hình bảo hiểm rất nhân văn, lúc khỏe mua thẻ BHYT để tích lũy cho lúc ốm, “lá lành đùm lá rách”. Cái lý của các nhà làm luật là: Bảo đảm sự chia sẻ ngay từ những người thân với người bệnh đau ốm trong nhà. Còn người dân dường như có sự lựa chọn ngược lại: Đến khi có bệnh nặng mới mua thẻ BHYT, dẫn đến tâm tư, không đồng thuận.

Song xem xét kỹ lưỡng, phản ứng của một bộ phận người dân không phải không có cơ sở. Khi triển khai Luật BHYT, người nghèo đã được Nhà nước mua thẻ BHYT, viên chức thì đã có BHXH, còn nhóm người lao động tự do, không phải nghèo, cận nghèo, nông dân, diêm dân… là đối tượng khó khăn nhất. Vì vậy, chủ chương khuyến khích toàn dân tham gia BHYT cần triển khai chậm mà chắc, căn cứ trên tình hình thực tế nước ta hiện nay, dân số sống ở nông thôn chiếm gần 70% và có gần 60% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, đời sống còn khó khăn. Việc xác minh tạm vắng đối với người đang công tác, du học, làm việc ở nước ngoài, người đang phải thi hành án, có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú tại nơi này nhưng chuyển đến nơi khác làm việc, sinh sống…; trường hợp vợ chồng ly thân nhưng chưa ly hôn mà bạn đọc Hànộimới phản ánh cũng cần sớm được hướng dẫn chi tiết, nhất là thủ tục, các bước chứng minh để cấp cơ sở dễ dàng thực hiện, không gây ra nhiều cách hiểu khác nhau trong dư luận. Còn người bệnh không vì thế mà bị ảnh hưởng, gián đoạn quá trình điều trị.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo hanoimoi.com.vn)
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.