Bảo hiểm xã hội trước nhiệm vụ thu gần 234.000 tỷ đồng

So với năm ngoái, nhiệm vụ thu, chi năm nay của BHXH Việt Nam tăng hơn. Cơ quan bảo hiểm xã hội phải rất nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ này.

Cơ quan bảo hiểm xã hội phải rất nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao (Ảnh minh họa)

Trong đó, thu BHXH bắt buộc 136.028 tỷ đồng; thu BHXH tự nguyện 897 tỷ đồng; thu bảo hiểm y tế 58.028 tỷ đồng; thu bảo hiểm thất nghiệp 8.712 tỷ đồng; tiền sinh lời của hoạt động đầu tư tài chính 30.000 tỷ đồng.

Tổng số dự toán chi được giao là 171.587 tỷ đồng; trong đó chi BHXH từ quỹ BHXH bắt buộc là 101.552 tỷ đồng; chi BHXH tự nguyện là 190 tỷ đồng; chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế 58.690 tỷ đồng; chi bảo hiểm thất nghiệp 4.408 tỷ đồng; chi quản lý bộ máy 5.397 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển 1.350 tỷ đồng.

Như vậy, so với năm ngoái, dự toán thu, chi năm nay của BHXH Việt Nam tăng hơn. Cụ thể, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ giao BHXH Việt Nam tổng số dự toán thu là 218.819 tỷ đồng; tổng số dự toán chi là 153.760 tỷ đồng.

Đây là nhiệm vụ khá khó khăn với cơ quan BHXH, đòi hỏi phải rất nỗ lực mới có thể hoàn thành. Được biết, trong năm 2014 vừa qua, số nợ BHXH là gần 11.115 tỷ đồng, chiếm 6,24% so với tổng số phải thu.

Để thực hiện được định mức thu BHXH mà Thủ tướng giao, ngành BHXH cho biết, sẽ thực hiện các biện pháp mạnh như: tính lãi chậm đóng theo quy định của Luật BHXH, BHYT.

Tích cực đôn đốc, thu nợ: Hàng tháng, cơ quan BHXH gửi thông báo kết quả đóng đến chủ sử dụng lao động về số tiền đã đóng, số tiền nợ… để thực hiện đôn đốc việc đóng, nộp BHXH, BHYT.

Trường hợp đơn vị không đóng cử cán bộ chuyên quản đến đơn vị hoặc mời đơn vị lên làm việc, lập biên bản xác nhận nợ và yêu cầu đơn vị cam kết lộ trình trả số tiền nợ BHXH, BHYT. Nếu đơn vị tiếp tục nợ thì cơ quan BHXH thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trường hợp đơn vị nợ có dấu hiệu chây ỳ, cố tình chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, thành lập tổ công tác liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra và yêu cầu thanh toán dứt điểm số tiền nợ hoặc xử lý vi phạm hành chính, sau đó lập hồ sơ khởi kiện ra tòa.

Đối với những đơn vị bị rút giấy phép kinh doanh hoặc đang làm thủ tục giải thể, phá sản hoặc bị phong tỏa, phát mãi tài sản thực hiện việc báo cáo cấp ủy, UBND các cấp và gửi các cơ quan cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, tòa án, ngân hàng… đề nghị phong tỏa tài khoản, tài sản, phối hợp trong việc thu hồi nợ BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật và gửi hồ sơ khởi kiện đơn vị.

Đối với những đơn vị mất tích không còn giao dịch, cơ quan BHXH tiếp tục theo dõi và phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để thu hồi nợ BHXH, BHYT. Đồng thời, báo cáo với các ngành công an, tòa án… để xác minh tồn tại của đơn vị nợ; thông tin danh sách đơn vị nợ lên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc gửi sang Sở Kế hoạch & Đầu tư và cơ quan Thuế để phối hợp giải quyết…

Đặc biệt, cơ quan BHXH  sẽ thực hiện khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra toà.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo baodautu.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.