Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Chính sách hữu hiệu thu hút nhân tài

Thực tiễn đã chứng minh rằng, khi có được hành lang pháp lý đầy đủ và minh bạch, bảo hiểm hưu trí tự nguyện (HTTN) có nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và người lao động.

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện có lợi cho cả DN và người lao động

CôngThương – Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bổ sung bảo hiểm hưu trí vào danh mục bảo hiểm nhân thọ: “Bảo hiểm hưu trí là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm đạt đến độ tuổi xác định được doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm”. Ngày 20/8/2013, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 115/2013/TT-BTC hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện, trong đó Điều 2 quy định: Bảo hiểm hưu trí là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ do doanh nghiệp (DN) bảo hiểm thực hiện nhằm cung cấp thu nhập bổ sung cho người được bảo hiểm khi hết tuổi lao động. Bảo hiểm hưu trí bao gồm bảo hiểm hưu trí cho từng cá nhân và bảo hiểm hưu trí nhóm người lao động (bảo hiểm hưu trí nhóm). Trường hợp bảo hiểm hưu trí nhóm, bên mua bảo hiểm là chủ sử dụng lao động, người lao động sẽ được nhận toàn bộ quyền lợi của hợp đồng bảo hiểm sau một thời hạn nhất định theo thỏa thuận và được ghi nhận tại hợp đồng bảo hiểm. Đồng thời, Thông tư 115 cũng quy định những điều kiện chặt chẽ đối với DN bảo hiểm triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí, nhằm bảo đảm an toàn đến mức cao nhất cho người lao động tham gia bảo hiểm HTTN.

Theo Thông tư 115, khi triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí, doanh nghiệp bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện: Vốn chủ sở hữu không thấp hơn 1.000 tỷ đồng; biên khả năng thanh toán cao hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu 300 tỷ đồng…

Chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố có ý nghĩa quyết định để DN phát triển bền vững. Vì vậy, làm thế nào để thu hút được nhân lực có chất lượng cao và làm gì để có sự gắn bó lâu dài giữa người lao động và DN? Đó là những câu hỏi làm “đau đầu” các chủ DN trong điều kiện cung về lao động chất lượng cao hiện đang thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu, cuộc cạnh tranh trên thị trường lao động dù âm thầm nhưng rất quyết liệt.

Nhiều chủ DN đã đưa ra các chính sách hấp dẫn nhằm giữ người lao động, có tác dụng nhất định nhưng không bền vững. Chẳng hạn, DN chi tiền để đào tạo người lao động ở nước ngoài nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, song quy định của pháp luật hiện nay chưa đủ để bảo đảm rằng, sau khi được đào tạo, người lao động sẽ gắn bó lâu dài cùng DN. Việc ưu tiên trở thành thành viên góp vốn hoặc cổ đông gặp khó khăn ngay từ đầu vì rất ít người lao động có ngay một khoản tiền đủ để tham gia góp vốn. Hơn nữa, việc góp vốn vào DN vẫn phải chấp nhận nguyên tắc “lời cùng ăn, lỗ cùng chịu”, do đó, sức hấp dẫn không cao…

Bảo hiểm HTTN sẽ trở thành chính sách hữu hiệu để các DN thu hút và giữ chân nhân tài. Bởi lẽ, khi chủ DN chấp nhận chi một số tiền hàng tháng để cùng người lao động tham gia bảo hiểm HTTN là một sự cam kết bằng hành động thực tế về việc bảo đảm cuộc sống của người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu. Số tiền chủ DN tham gia bảo hiểm HTTN hàng tháng cho người lao động càng lớn thì quyền lợi người lao động được hưởng khi nghỉ hưu càng cao và khả năng giữ người lao động càng lớn. Về mặt pháp lý, với tính chất tự nguyện, người sử dụng lao động và người lao động hoàn toàn được quyền thỏa thuận những điều kiện ràng buộc chặt chẽ để tránh tình trạng người lao động đơn phương phá vỡ hợp đồng.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo baocongthuong.com.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.