Bài 1: Khắc phục những bất cập của thực tiễn

QĐND – LTS: Sự phát triển của thị trường lao động đã đặt ra yêu cầu cần phải có những quy định mới về bảo hiểm xã hội (BHXH) để tạo mạng lưới an sinh xã hội rộng hơn, bền vững hơn. Ngày 20-11-2014, Quốc hội đã thông qua Luật BHXH (sửa đổi) và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn nhiều bất cập khiến chính sách chậm đi vào cuộc sống… Báo Quân đội nhân dân khởi đăng vệt bài này để làm rõ một số vấn đề mà bạn đọc đang quan tâm.

Những bất cập trước khi có Luật BHXH (sửa đổi)

Cần khẳng định rằng, Luật BHXH năm 2006 đã phát huy tính tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, góp phần thực hiện mục tiêu, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các chính sách, chế độ BHXH cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Trong việc mở rộng đối tượng tham gia, tốc độ mở rộng còn chậm, đặc biệt là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Số người tham gia còn thấp (chiếm khoảng 20% lực lượng lao động). Đối với BHXH tự nguyện, mặc dù có đối tượng thuộc diện tham gia rộng nhưng số người tham gia mới chỉ chiếm khoảng 0,3% số đối tượng thuộc diện tham gia. Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do một số quy định chính sách chưa thật sự hấp dẫn, chưa có cơ chế để khuyến khích người lao động tham gia.

 
Với việc hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng, Luật BHXH năm 2014 đã mở rộng thêm nhiều đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. (Trong ảnh: Thợ thủ công sản xuất gốm ở Phù Lãng, Bắc Ninh). Ảnh: Quang Thái

Bên cạnh đó, một số quy định trong chế độ BHXH trước thời điểm tháng 11-2014, khi Luật BHXH (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, không còn phù hợp với thực tế. Đối với BHXH bắt buộc, quy định cho phép người lao động có dưới 20 năm đóng BHXH nhận trợ cấp một lần, chưa phù hợp với mục tiêu nhằm bảo đảm cuộc sống cho người lao động khi hết tuổi lao động. Theo bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 500.000 người nhận trợ cấp BHXH một lần. Như vậy, họ đã ra khỏi lưới an sinh xã hội và khi về già sẽ không có lương hưu, dồn trách nhiệm cho gia đình và xã hội.

Đối tượng mà BHXH tự nguyện hướng đến là người lao động ở khu vực phi chính thức. Tuy nhiên, những lao động này chủ yếu là làm nông nghiệp, lao động tự do có thu nhập thấp và không ổn định. Với mức đóng còn khá cao như hiện hành (quy định mức sàn thu nhập là mức lương tối thiểu vùng) đã không thu hút được nhiều người tham gia. Từ thực tiễn cho thấy, nếu không mở rộng diện bao phủ BHXH thì trong tương lai, đất nước sẽ phải đối mặt với hàng triệu người hết tuổi lao động không có thu nhập từ lương hưu, gánh nặng này sẽ thuộc về Nhà nước khi phải trợ cấp xã hội cho hàng triệu người để hỗ trợ cuộc sống của họ.

Hướng tới lợi ích lâu dài của người lao động

Luật BHXH năm 2014 có nhiều điểm mới như: Mở rộng thêm ba nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được mở rộng theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia; hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng (mức sàn thu nhập được tính là mức chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn); hạn chế chi trả trợ cấp BHXH một lần…

So với Luật BHXH hiện hành, Luật BHXH 2014 đã có sự chuyển biến tích cực đối với quyền lợi người lao động, khuyến khích họ tích lũy thời gian tham gia BHXH để có đủ điều kiện, được hưởng lương hưu… ổn định đời sống khi về già. Khác với trước đây, khi nghỉ việc gián đoạn và nhận bảo hiểm một lần, đến khi người lao động đi làm muốn đóng lại để tính cho đủ năm thì không được phép. Quy định mới cho phép người lao động được cộng dồn thời gian tham gia BHXH. Trong trường hợp người lao động không tham gia BHXH bắt buộc thì có thể tham gia BHXH tự nguyện với chính sách hiện đã “mở” hơn rất nhiều. Mặt khác, trong luật mới, người lao động khi chấm dứt hợp đồng với doanh nghiệp sẽ được hưởng chế độ thất nghiệp, được tư vấn, giới thiệu việc làm mới để sớm trở lại khu vực lao động chính thức, tiếp tục tham gia đóng BHXH và được cộng dồn thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện nhận lương hưu. Điều 87 của luật cũng quy định, trường hợp người lao động muốn tích lũy thời gian đóng bảo hiểm theo hướng tự nguyện mà quá khó khăn thì Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ một phần mức đóng, về thời gian đóng để bảo đảm họ được hưởng lương hưu.

Thực tế cho thấy, một bộ phận người lao động chưa đồng tình với quan điểm hạn chế nhận BHXH một lần. Ngày 21-5, tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII đã nghe tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội liên quan đến Điều 60 của luật này. Báo cáo thẩm tra cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, việc thu hẹp điều kiện cho phép hưởng BHXH một lần như Luật BHXH 2014 là phù hợp với xu hướng chung trên thế giới. Các quốc gia có hệ thống bảo hiểm hưu trí giống như Việt Nam đều hạn chế cho hưởng BHXH một lần trước tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, thị trường lao động ở nước ta chưa hoàn thiện, việc làm chưa bền vững đã dẫn đến tình trạng một bộ phận người lao động chỉ tham gia khu vực lao động chính thức trong một thời gian ngắn (từ 1-3 năm). Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã kiến nghị trước mắt, cho phép người lao động nếu có nguyện vọng thì được nhận lại số tiền đã tham gia BHXH. Đồng thời, cần xây dựng lộ trình nâng dần điều kiện hưởng BHXH một lần phù hợp với tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức và sự phát triển của thị trường lao động, giảm dần số người không có lương hưu khi về già.

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam (không bao gồm LLVT), tuổi nghỉ hưu bình quân hiện nay là khoảng 54 tuổi, trong đó nam là 55,4 tuổi, nữ là 52,8 tuổi; trong khi tuổi thọ bình quân ở nước ta hiện nay khoảng 73 tuổi. Như vậy, thời gian đóng BHXH của người lao động ngắn nhưng thời gian hưởng lương hưu dài (thời gian đóng BHXH bình quân xấp xỉ 31,3 năm và thời gian hưởng bình quân 19 năm); tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu là 70%, trong khi tỷ lệ đóng góp vào quỹ hưu trí, tử tuất theo quy định là 22%. Tính riêng về mức độ chênh lệch giữa tỷ lệ đóng và hưởng thì một năm hưởng bằng hơn ba năm đóng BHXH.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo qdnd.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.