15 năm xây đắp niềm tin cho người gửi tiền

Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam sẽ đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các chuẩn mực quốc tế vào hoạt động.

15 năm ấy…

Nhớ lại bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính khu vực châu Á năm 1997 -1998, với sự đổ vỡ dây chuyền của hàng loạt quỹ tín dụng nhân dân, sự ra đời của BHTG Việt Nam (được thành lập theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg ngày 9/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ) đã đánh dấu bước đi quan trọng trong quá trình hoàn thiện mạng lưới bảo đảm an toàn tài chính – ngân hàng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.


BHTG Việt Nam “bảo hiểm” cho người gửi tiền

Từ cột mốc ngày 9/11/1999 vô cùng đặc biệt ấy, đến nay, ngoảnh lại 15 năm, có thể nói, BHTG Việt Nam đã đi được một hành trình dài trên những tầng nấc của sự thành công, dù vấp không ít những “chướng ngại”. Nhưng vượt lên trên tất thảy là sự nỗ lực không cùng của toàn thể cán bộ công nhân viên, từ Ban lãnh đạo qua các thế hệ – những người đầu sóng ngọn gió tới những thành viên làm những công việc bình thường nhất. Tất cả hướng tới mục tiêu chung là tạo dựng niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng thông qua những chính sách BHTG hiệu quả, từ quản trị điều hành, tổ chức bộ máy đến những hoạt động nghiệp vụ của BHTG Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thạnh – Chủ tịch Hội đồng quản trị BHTG Việt Nam cho biết: so với một số nước trong khu vực châu Á như Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc thì ở Việt Nam, BHTG ra đời mặc dù muộn hơn nhưng đã sớm khẳng định được vai trò của mình trong hệ thống tài chính – ngân hàng suốt 15 năm qua. BHTG cũng là thành viên chính thức của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI), luôn tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác nghiên cứu của hiệp hội, khẳng định vị thế của Việt Nam trong cộng đồng BHTG quốc tế.

Suốt quá trình hoạt động, BHTG đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc tạo hành lang pháp lý. Đặc biệt, kể từ khi Luật BHTG có hiệu lực (ngày 18/6/2012) và đi vào cuộc sống, BHTG càng có thêm giá trị pháp lý để khắc phục những bất cập của quy định pháp luật trước đó và giúp cho hoạt động BHTG hoạt động hiệu quả hơn, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

Và những điểm nhấn…

Tính đến cuối năm 2013, số dư tiền gửi được bảo hiểm là 2.026 nghìn tỷ đồng, gấp gần 12 lần so với năm 2005. Số lượng tổ chức tham gia BHTG và tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm cũng tăng dần theo thời gian, cho thấy tốc độ phát triển mạnh mẽ của hệ thống tài chính Việt Nam. Tổ chức tham gia BHTG bao gồm các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật TCTD (năm 2010) được nhận tiền gửi của cá nhân đã tăng lên con số là 1.235.

Công tác hoạt động giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ – một trong những nghiệp vụ đặc biệt quan trọng của BHTG trong những năm qua cũng đạt được những kết quả đáng kể. Tính từ năm 2001 đến tháng 6/2014, BHTG đã thực hiện kiểm tra 3.858 lượt đơn vị đối với các tổ chức tham gia BHTG (trong đó, có 385 lượt kiểm tra đối với NHTM). Nhờ đó những rủi ro sớm được cảnh báo, hạn chế tối đa những hệ luỵ không mong muốn đối với các TCTD.

Đến nay, số lượng NHTM tham gia BHTG tăng 41,5% so với năm 2002 và số lượng tổ chức phi ngân hàng và QTDND tăng gần 29% so với năm 2002. Hầu hết các tổ chức có nhận tiền gửi đều tham gia BHTG và nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia BHTG.

Bên cạnh đó, nghiệp vụ hỗ trợ tài chính cũng được xem là một trong những hoạt động hiệu quả không thể không nhắc đến. Tính đến năm 2013, BHTG Việt Nam đã cho vay hỗ trợ đối với 5 QTDND với tổng số tiền xấp xỉ 7 tỷ đồng (6.932 triệu đồng). Số tiền giải ngân tuy không nhiều nhưng lại có ý nghĩa rất lớn. Đó là nguồn tiền quan trọng giúp đơn vị đảm bảo khả năng thanh toán, ổn định hoạt động, giữ được lòng tin của khách hàng, tránh được nguy cơ đổ vỡ không đáng có, ổn định an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Và chỉ sau một thời gian ngắn, phần lớn các đơn vị đã trả hết nợ và hoạt động phát triển ổn định.

Đặc biệt, thông qua hoạt động chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền, uy tín và hình ảnh của BHTG đối với công chúng ngày càng được chú trọng, nâng cao. Tình trạng rút tiền hàng loạt đã ngăn chặn được; sự đổ vỡ dây chuyền của các tổ chức tham gia BHTG đã được phòng tránh. Tính đến hết năm 2013, BHTG Việt Nam đã thực hiện chi trả cho 39 tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ với tổng số tiền 26,8 tỷ đồng và tổng số người được chi trả bảo hiểm là 1.793 người. 

Không chỉ tạo dựng được niềm tin với công chúng, mà trong mắt các tổ chức quốc tế và cộng đồng các tổ chức BHTG trên thế giới, BHTG cũng khẳng định được vị thế của mình bằng các hoạt động quan hệ quốc tế năng động và tích cực.

Từ điểm nhấn đầu tiên đánh dấu trong công tác hội nhập của BHTG Việt Nam là việc trở thành thành viên chính thức của IADI vào tháng 2/2003, những mối quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các tổ chức BHTG trong khu vực như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Lào… cũng như các Tổ chức quốc tế như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa BHTG trở thành những tên tuổi không thể thiếu trong hệ thống các tổ chức tài chính trong khu vực và thế giới.

Hướng đến chuẩn mực quốc tế

Đến nay, BHTG đã xây dựng được một mạng lưới hoạt động gồm trụ sở chính với 20 phòng, ban và 6 chi nhánh khu vực với số cán bộ khoảng 600 người trong toàn hệ thống. Theo các chuyên gia ngân hàng, sự phát triển và lớn mạnh của BHTG trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận, song để nâng cao vị thế, tạo niềm tin hơn nữa với người dân đòi hỏi BHTG rất nhiều nỗ lực, bắt đầu bằng việc khắc phục những bất cập còn tồn tại. Ví như vấn đề hạn mức chi trả BHTG, cách tính phí đối với các TCTD…

Cụ thể, đến nay BHTG Việt Nam đã đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan, xem xét điều chỉnh hạn mức BHTG lên mức 200 triệu đồng. Hạn mức này được xác định bằng 6,8 lần GDP bình quân tính theo đầu người và theo đó có 97% người gửi tiền/tổng số người gửi tiền và 34% số tiền gửi/tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ. Điều này cũng phù hợp với khuyến nghị về việc xác định hạn mức của IADI.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo thoibaonganhang.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.