Yêu cầu công khai chi phí quản lý quỹ BHXH hàng ngàn tỉ

Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Y tế công bố công khai về chi phí quản lý hệ thống Bảo hiểm xã hội.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về chi phí quản lý quỹ bảo hiểm xã hội.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, LĐ-TB&XH, Y tế công bố công khai về chi phí quản lý hệ thống Bảo hiếm xã hội.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả, đúng quy định chi phí quản lý hệ thống Bảo hiểm xã hội.

Trước đó, theo báo cáo của BHXH, dự toán chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN năm 2015 được Thủ tướng Chính phủ giao là 6.560 tỉ đồng, tăng 2.445 tỉ đồng so với dự toán năm 2014. Trong đó, chi đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN tăng gần 200 tỉ đồng.

Chi phục vụ trực tiếp đối tượng tham gia, hưởng thụ, phát triển đối tượng năm 2015 là 1.863 tỉ đồng, tăng 36% so với năm 2014. Đặc biệt, chi thường xuyên cho hoạt động bộ máy năm 2015 là 2.684 tỉ đồng (tăng 6% so với năm 2014), nguyên nhân là do nâng lương hàng năm.

Năm 2017, dự toán thu, chi của BHXH Việt Nam được Chính phủ thông qua việc chi thường xuyên cho hoạt động bộ máy các cấp lên đến 4.276,4 tỉ đồng (chiếm 36% tổng chi phí quản lý tăng 3% so với năm 2016). Nguyên nhân được BHXH đưa ra là do tăng lương định kỳ, chuyển ngạch công chức, viên chức…

Lý giải nguyên nhân tăng trên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng thực hiện quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, chi phí quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam giai đoạn 2016 – 2018 đã được ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tại Nghị quyết 1083/2015, theo đó “mức chi quản lý bảo hiểm xã hội hằng năm bằng 2,3% dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội”. Mức chi phí quản lý được giao cho cơ quan bảo hiểm xã hội nêu trên tuy có tăng so với giai đoạn 2012 – 2014, nhưng số tăng này là để thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách đặt ra đối với ngành bảo hiếm xã hội.

Cụ thể các nhiệm vụ cấp bách là tăng cường công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện giao dịch điện tử trong giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế nhằm giảm thời gian làm thủ tục kê khai nộp tiền đóng; Ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới việc liên thông hệ thống phần mềm giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám, chữa bệnh…

                 Nghiên cứu tăng tuổi nghỉ hưu

Về đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu, Phó thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục nghiên cứu để tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia. Trên cơ sở đó xây dựng các phương án về quy định tuổi nghỉ hưu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật lao động trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

theo plo.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.