Tiết kiệm bảo hiểm: Lợi ích hai trong một

Thời gian qua, các ngân hàng đua nhau mở ra dịch vụ này, khiến cùng một lúc trên thị trường xuất hiện hàng loạt những thương vụ kết hợp ngân hàng với các DN bảo hiểm. Quan trọng nhất, khách hàng là người được hưởng nhiều lợi ích từ những sản phẩm này.

Chị Thu Hằng, làm việc văn phòng tại Hà Nội, sau hơn 10 năm đi làm đã tích cóp được một khoản tiền nhàn rỗi. Tính gửi tiết kiệm tại ngân hàng, chị được các nhân viên tư vấn gửi tiết kiệm bảo hiểm. “Nhận thấy hình thức tiết kiệm này khá phù hợp tôi đã tham gia ngay”, chị Hằng hào hứng cho biết.

Hình thức tiết kiệm bảo hiểm mà chị Hằng tham gia là một trong những sản phẩm đang được các ngân hàng đẩy mạnh bán chéo hiện nay, chính là Bancassurance. Đây là hình thức tận dụng kênh phân phối của ngân hàng để bán sản phẩm bảo hiểm một cách hiệu quả, rất phổ biến rộng rãi trên thế giới.


Các dịch vụ và gói bảo hiểm đang được đa dạng để tiếp cận gần khách hàng hơn

Thời gian qua, các ngân hàng đua nhau mở ra dịch vụ này, khiến cùng một lúc trên thị trường xuất hiện hàng loạt những thương vụ kết hợp ngân hàng với các DN bảo hiểm, như VIB liên kết với PTI; ABBank hợp tác với Prudential, Maritime Bank với Bảo Việt… Các ngân hàng như BIDV, Agribank, VietinBank và Techcombank còn chủ động đưa ra nhiều gói sản phẩm bảo hiểm đặc thù từ các đơn vị trực thuộc của mình để mang lại doanh thu vài chục tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng mỗi năm.

Quan trọng nhất, khách hàng là người được hưởng nhiều lợi ích từ những sản phẩm này. Chị Hằng phân tích, tham gia gửi tiết kiệm bảo hiểm tôi vừa được hưởng lãi suất tiết kiệm cao, vừa được tặng miễn phí gói bảo hiểm tai nạn. Vì vậy, tôi yên tâm khi ốm đau phải nằm viện…

Trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm tiết kiệm bảo hiểm thiết kế phù hợp theo nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. Đơn cử, “Tiết kiệm An Lộc” của Techcombank là sản phẩm tiết kiệm kết hợp với bảo hiểm sức khỏe, vừa giúp khách hàng thực hiện tích lũy cho gia đình với lãi suất cạnh tranh, đồng thời khách hàng sẽ được tặng miễn phí gói bảo hiểm sức khỏe và tai nạn có giá trị bảo hiểm tối đa lên đến 280 triệu đồng.

Còn sản phẩm “Tiết kiệm Tích lũy – Phát lộc Bảo tín” của VietinBank thì phù hợp với đối tượng khách hàng tham gia hình thức gửi góp tiết kiệm dài hạn. Theo đó, khách hàng có thể lựa chọn mức tích lũy phù hợp với thu nhập của mình, nhưng không nhỏ hơn 2 triệu đồng mỗi tháng, với các thời hạn gửi linh hoạt 1 năm, 2 năm, 3 năm và 5 năm.

Sản phẩm này mang tới cho khách hàng một cách đầu tư thông minh, giúp khách hàng tối ưu hóa khả năng sinh lời của tiền nhàn rỗi hàng tháng. Nhờ đó, khách hàng sẽ có thể an tâm và hoàn toàn chủ động với những khoản chi cần một số tiền lớn trong tương lai, như kết hôn, mua nhà, sắm xe, trang trải chi phí học tập của con cái, phụng dưỡng cha mẹ…

Ngoài ra, sản phẩm còn cho phép khách hàng được sử dụng số dư trên tài khoản tích lũy để cầm cố vay vốn tại VietinBank và nộp tiền cho các kỳ tiếp theo; được rút tiền trước hạn để đáp ứng nhu cầu sử dụng tiền gấp (khi thời gian thực gửi lớn hơn 6 tháng của mỗi kỳ đóng phí bảo hiểm, mỗi kỳ là 1 năm). Tổng giá trị mà khách hàng nhận được khi xảy ra sự kiện bảo hiểm thậm chí có thể lớn hơn số tiền tích lũy mục tiêu, được tính bằng tổng số tiền tích lũy đến thời điểm rủi ro và quyền lợi bảo hiểm.

Hướng tới đối tượng khách hàng cá nhân từ 18 – 75 tuổi, sản phẩm tiết kiệm “Lộc Bảo Toàn” của ACB tặng thêm bảo hiểm nhân thọ lên tới 200% số tiền gửi tiết kiệm và được hỗ trợ viện phí khi gửi tiết kiệm VND với mức tối thiểu từ 20 triệu đồng và kỳ hạn gửi 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng. Đối với kỳ hạn 3, 6 tháng, mức bảo hiểm bằng 100% số tiền gửi tiết kiệm.

Với kỳ hạn 12 tháng trở lên, khách hàng được chọn một trong hai quyền lợi sau: thứ nhất, mức bảo hiểm bằng 100% số tiền gửi tiết kiệm và hỗ trợ nằm viện 70 nghìn đồng/ngày; thứ hai, mức bảo hiểm bằng 200% số tiền gửi tiết kiệm và hỗ trợ nằm viện 140 nghìn đồng/ngày. Số tiền bảo hiểm tối đa trên thẻ tiết kiệm của một khách hàng là 24 tỷ đồng. Giá trị bảo hiểm vẫn còn nguyên hiệu lực trong suốt kỳ hạn, ngay cả khi thẻ tiết kiệm được tất toán trước hạn.

Theo TS. Nguyễn Hữu Hiếu, Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực VietinBank, việc ngân hàng tham gia tích hợp bán sản phẩm bảo hiểm sẽ giúp các nhà băng được hưởng phí hoa hồng, tăng doanh thu và có cơ hội bán chéo sản phẩm. Bên cạnh đó là lợi ích từ việc mở rộng danh sách khách hàng và tăng uy tín, quảng bá thương hiệu. Tiếp đó, việc bán bảo hiểm giúp các ngân hàng có thêm lợi nhuận đều đặn bên cạnh nguồn thu từ hoạt động tín dụng.

Trong bối cảnh rất nhiều ngân hàng hiện nay đang đặt trọng tâm phát triển ngân hàng bán lẻ, điều này càng thêm ý nghĩa vì ngân hàng có thể kết hợp gia tăng giá trị sản phẩm bán lẻ cho khách hàng của mình, giữ chân khách hàng và mở rộng thị phần.

Theo một chuyên gia tài chính, bằng cách chuyển sang các thị trường ngách, chú trọng vào phát triển những sản phẩm, dịch vụ tiện ích như bảo hiểm, các ngân hàng tại Việt Nam giảm thiểu rủi ro tín dụng và đây cũng là kênh có hiệu suất lợi nhuận cao.

Năm 2013, Bảo Việt đạt kết quả cao nhất về doanh thu từ bancassurance với con số 180 tỷ đồng; các DN khác khác như Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện, Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội cũng đạt các con số ấn tượng lần lượt là 90 tỷ đồng và 55 tỷ đồng…

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo thoibaonganhang.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.