Cơ sở pháp lý: Luật BHXH, Nghị định 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ và Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2010 của Bộ Lao động Thương binh&Xã hội; Công văn số 1615/BHXH-CSXH ngày 02/6/2009, công văn số 691/BHXH-CSXH ngày 01/3/2011 của BHXH Việt Nam)
Số lao động được người sử dụng lao động sử dụng từ mười người lao động trở lên, bao gồm: số lao động là người Việt Nam đang thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng, hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên. Đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị, đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị – xã hội và tổ chức xã hội khác sử dụng từ mười người lao động trở lên bao gồm cả số cán bộ, công chức đang làm việc tại cơ quan.
Thời điểm tính số lao động hằng năm của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức để thực hiện chính sách BHTN là ngày 01/01 theo dương lịch.
Trường hợp thời điểm khác trong năm người sử dụng lao động sử dụng đủ số lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN theo quy định thì thời điểm tính số lao động của năm đó để thực hiện chính sách BHTN của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được tính vào ngày 01 của tháng tiếp theo, tính theo dương lịch.
Trường hợp người sử dụng lao động đã sử dụng từ mười người lao động trở lên thuộc đối tượng tham gia BHTN, nếu các tháng trong năm có sử dụng ít hơn mười người lao động thì vẫn thực hiện đóng BHTN cho những người lao động đang đóng BHTN.
* Thời hạn tham gia BHTN:
Trong thời hạn ba mươi ngày tính theo ngày làm việc, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người sử dụng lao động phải nộp hồ sơ tham gia BHTN cho tổ chức BHXH.
* Hồ sơ tham gia BHTN:
a. Đối với người lao động tham gia lần đầu hoặc từ đơn vị khác chuyển đến:
– 03 bản Tờ khai tham gia BHXH, BHYT và BHTN (Mẫu số 01-TBH), có xác nhận của đơn vị;
– Hợp đồng lao động (Hợp đồng làm việc) hoặc các quyết định về tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, nghỉ việc…;
– Trường hợp từ đơn vị khác chuyển đến thì nộp Bản ghi quá trình đóng BHXH, BHTN (Mẫu số 07/SBH ban hành kèm theo Quyết định số 555/QĐ-BHXH ngày 13/5/2009 của BHXH Việt Nam) và Sổ BHXH (nếu có) do cơ quan BHXH nơi người lao động chuyển đi cấp, không phải kê khai Tờ khai (Mẫu số 01-TBH).
b. Đối với người lao động đang tham gia:
– Trường hợp điều chỉnh tiền lương, phụ cấp lương làm căn cứ đóng BHTN hồ sơ gồm có: Hợp đồng lao động (Hợp đồng làm việc) và các quyết định bổ nhiệm, nâng bậc hoặc chuyển ngạch lương…;
– Trường hợp người lao động có điều chỉnh về nhân thân (họ, tên, ngày, tháng, năm sinh…) thì người lao động phải có Đơn đề nghị, nêu rõ lý do điều chỉnh kèm theo các hồ sơ hợp pháp có liên quan.
c. Đối với đơn vị sử dụng lao động đăng ký tham gia BHTN lần đầu:
– 03 bản Danh sách lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN (Mẫu số 02a-TBH);
– Bản sao Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép hoạt động;
– Thời hạn nộp hồ sơ: Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc với người lao động.
d. Đơn vị đang tham gia BHTN mà có thay đổi về người lao động, tiền lương của người lao động, hồ sơ như sau:
– Trường hợp tăng lao động: Lập 03 bản Danh sách lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN (Mẫu số 02a-TBH);
– Trường hợp giảm lao động hoặc điều chỉnh tiền lương của người lao động: Lập 03 bản Danh sách lao động điều chỉnh đóng BHXH, BHYT, BHTN (Mẫu số 03a-TBH);
– Trường hợp đơn vị đề nghị điều chỉnh nhân thân người lao động: Lập 03 bản Danh sách điều chỉnh hồ sơ đóng BHXH, BHYT, BHTN (Mẫu số 03b – TBH);
– Các trường hợp kể trên phải kèm theo Sổ BHXH và hồ sơ có liên quan của người lao động, nếu đảm bảo đầy đủ, hợp lệ mà lập từ ngày 15 trở về trước và nộp cho cơ quan BHXH trước ngày 20 thì thực hiện điều chỉnh trong tháng; trường hợp lập từ ngày 16 trở đi thì thực hiện điều chỉnh từ ngày 01 của tháng kế tiếp.
2. Phương thức đóng BHTN được quy định như thế nào?
* Hàng tháng, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng, đơn vị đóng số tiền bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công của những người tham gia BHTN và trích 1% tiền lương, tiền công của từng người lao động để đóng cùng với BHXH và BHYT vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại Ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị đóng trụ sở.
* Đơn vị là doanh nghiệp sản xuất (nuôi, cấy, trồng trọt…) thuộc ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thực hiện trả tiền lương, tiền công cho người lao động theo mùa vụ hoặc theo chu kỳ sản xuất mà đang đóng BHXH bắt buộc theo định kỳ (quý hoặc 6 tháng một lần) thì đóng BHTN theo định kỳ đó.
* Đơn vị đang đóng BHXH bắt buộc ở địa bàn nào thì đóng BHTN tại địa bàn đó. Riêng người lao động thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban cơ yếu Chính phủ quản lý thì đóng BHTN tại BHXH Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Cơ yếu Chính phủ. BHXH Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban cơ yếu của Chính phủ chuyển tiền đóng BHTN hàng tháng cùng với tiền đóng BHXH và BHYT bắt buộc vào tài khoản chuyên thu của BHXH Việt Nam mở tại Kho bạc nhà nước Trung ương.
* Việc đóng BHTN thực hiện bằng hình thức chuyển khoản. Trường hợp đơn vị đóng bằng tiền mặt, cơ quan BHXH hướng dẫn thủ tục để đơn vị nộp tiền vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH. Nếu trực tiếp nộp tiền mặt cho cơ quan BHXH thì chậm nhất sau 3 ngày làm việc, cơ quan BHXH phải nộp tiền vào tài khoản chuyên thu mở tại Ngân hàng hoặc Kho bạc nhà nước.
* Hàng năm, Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí đóng BHTN cho người lao động trên cơ sở báo cáo quyết toán thu BHTN năm trước của cơ quan BHXH đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
* Một số trường hợp khác:
– Người lao động có nhiều hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ 12 tháng trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHTN cùng với nơi đang đóng BHXH và BHYT bắt buộc. Trường hợp được cử đi học, thực tập, công tác, nghiên cứu, điều dưỡng ở trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương, tiền công tại đơn vị thì người lao động và đơn vị vẫn phải đóng BHTN theo mức tiền lương, tiền công trước khi đi.
– Người lao động có thời gian ngừng việc trên 14 ngày trong tháng hoặc nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định mà không hưởng tiền lương, tiền công tại đơn vị thì cả người lao động và đơn vị không phải đóng BHTN. Thời gian không đóng BHTN này không được tính để hưởng trợ cấp BHTN khi mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
– Công ty mẹ thuộc đối tượng đóng BHTN mà có người lao động làm việc tại các chi nhánh (gồm cả các trường hợp luân chuyển lao động) hoặc văn phòng đại diện có dưới mười lao động thì những người lao động của chi nhánh hoặc văn phòng đại diện vẫn phải đóng BHTN, nơi chi nhánh hoặc văn phòng đại diện đang đóng BHXH, BHYT./.