Phú quý giật lùi (04/02/2015)

Những tưởng cụm từ “phú quý giật lùi” chỉ là câu nói vui ngoài đời, nhưng nay xem ra ở lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT) cũng đúng như vậy. Dù BHYT bắt buộc hay tự nguyện đều có có những bước giật lùi hết sức ngoạn mục. Nói có sách, mách có chứng, người viết xin mạo muội đưa ra vài dẫn chứng để minh họa, ngõ hầu giúp độc giả có cái nhìn toàn diện hơn về lĩnh vực BHYT hiện nay. Thời gian gần đây, Đại Đoàn Kết liên tục nhận được phản ánh của người dân là những “lão nông tri điền” ở nhiều vùng miền của Tổ quốc thắc mắc về việc bị ép mua BHYT tự nguyện cả gia đình.
 
 
Nhiều công chức, viên chức, người lao động đã không còn được chọn bệnh viện để đăng ký BHYT như trước đây
 
Hiện, đời sống của đa số người nông dân chân lấm tay bùn còn rất nghèo, rất khổ. Vậy mà thay vì được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia BHYT để giảm bớt gánh nặng kinh tế mỗi khi không may lâm bệnh, thì họ lại bị ép chi ra một mức tiền gấp 3-4 lần (thậm chí là hơn nếu gia đình càng đông người) để mua BHYT tự nguyện.
 
Nếu như trước đây, người dân chỉ cần có nhu cầu là có thể dễ dàng mua BHYT tự nguyện, thì hiện nay khi có nhu cầu họ bắt buộc phải mua BHYT tự nguyện cho cả gia đình mới được mua BHYT tự nguyện. Với những hộ chỉ có 3-4 người thì việc quy định ép mua BHYT tự nguyện cả gia đình đã là một gánh nặng không nhỏ, vậy thì với những hộ gia đình có đến 8-9, thậm chí là chục thành viên thì làm sao họ có thể kham nổi mức đóng BHYT tự nguyện cho ngần ấy nhân khẩu? Theo quy định, hiện mức đóng BHYT tự nguyện là 621.000 đồng/ năm, nếu nhân với số thành viên trong gia đình thì số tiền các lão nông tri điền phải đóng ít nhất cũng đã là vài triệu đồng.
 
Với đa số người dân thành thị, việc kiếm tiền bớt khó khăn vất vả hơn thì có vẻ vài triệu đồng để mua BHYT tự nguyện cho cả gia đình cũng không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, quan điểm của Đảng và Nhà nước là “phủ sóng” BHYT tới toàn dân, trong khi tỷ lệ nông dân chiếm đến 70% dân số thì những người vấp phải khó khăn với quy định BHYT mới sẽ là đa số. Đối với đại bộ phận người nông dân hiện nay, vài trăm nghìn VNĐ đã là rất lớn, đừng nói tới tiền triệu, hay vài chục triệu. Trồng cả ruộng rau to đùng trong vài tháng khi bán cũng chỉ thu về được vài chục, cao thì là vài trăm nghìn đồng, trong khi hàng trăm thứ phải lo như tiền điện, nước, vệ sinh, học hành của con cái… Vậy thì họ lấy đâu ra tiền để bỏ ra vài triệu mua BHYT tự nguyện cho cả gia đình?
 
Điều đáng buồn, theo giải thích của Bộ Y tế thì quy định trên là để tránh trường hợp người dân khi mắc bệnh mới mua BHYT tự nguyện, dẫn đến vỡ quỹ bảo hiểm. Ở xã hội nào, quốc gia nào và ở bất cứ thời kỳ nào cũng có người nhận thức đúng và nhận thức chưa đúng. Vậy nên xin đừng lấy một vài cá nhân có nhận thức chưa đúng đó để quy chụp cho toàn bộ người nông dân Việt Nam. Sao ta không thử nghĩ theo hướng tích cực là những người tự nguyện tham gia BHYT tự nguyện là họ đã rất tiến bộ, thấu tình đạt lý đối với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời họ cũng đã lo đến hoàn cảnh kinh tế của mình khi lâm bệnh? Nếu có cách nhìn tích cực hơn, đồng thời đừng chạy theo thành tích là phải cố “phủ sóng” “ngay và luôn” BHYT tự nguyện tới toàn dân thì chắc sẽ không có quy định theo kiểu “cấm cửa” người dân như vậy. Với quy định này, đa số nông dân sẽ chỉ còn biết ngửa cổ than Trời và đành chấp nhận “bao giờ có bệnh hãy hay” chứ không thể đủ khả năng mua BHYT cho cả gia đình!
 
Còn nữa, với quy định mới, nhiều bệnh viện đã lấy cớ “đầy” để không nhận các trường hợp đăng ký BHYT. Theo đó, nhiều công chức, viên chức, người lao động đã không còn được chọn bệnh viện để đăng ký BHYT như trước đây. Cũng từ đó phát sinh vấn đề là họ phải đi khám trái tuyến nếu không muốn phải đi xa. Nhưng cũng theo quy định mới, nếu người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh (KCB) trái tuyến ngoại trú sẽ không còn được thanh toán 30% giá trị khám chữa bệnh như trước. Vậy là quy định mới đã làm khó cho đa số người làm công ăn lương hiện nay.
 
Trả lời thắc mắc của người dân về quy định mới trong mục “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã giải thích là quy định trên để tránh việc quá tải tại một bệnh viện Trung ương tại Hà Nội, TP.HCM và một số đô thị khác. Xin hỏi, nếu cơ sở vật chất phục vụ KCB, trình độ năng lực chuyên môn của các cán bộ y tế tuyến xã, huyện, thậm chí là tỉnh đã tốt thì người dân còn lặn lội đường xá xa xôi đến những đô thị lớn để chen vai thích cánh 5 người nằm chung 1 giường làm gì? Thôi thì “sổ xít” thông thường không nói làm gì, nếu lâm bệnh trọng mà nhất nhất cứ phải KCB đúng tuyến (nếu không được chuyển), trong khi trình độ chuyên môn của y, bác sĩ, cơ sở vật chất KCB của bệnh viện tuyến dưới không đủ năng lực đảm nhiệm, thử hỏi làm sao người bệnh và thân nhân họ có thể yên tâm? Không phải trên thực tế đã xảy ra nhiều ca tử vong đáng tiếc bởi trình độ cán bộ y tế, hoặc do thiếu máy móc hỗ trợ đó sao?
 
Phải khẳng định ngay rằng triển khai BHYT toàn dân là một chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Song, việc thực hiện như thế nào thì lại là một bài toán khó đòi hỏi các bộ, ngành có liên quan cân nhắc chứ không thể làm lấy được, làm cho xong, nhận phần dễ về phía cơ quan nhà nước, đẩy phần khó về phía người dân. Có thể ví von một cách khập khiễng rằng, lộ trình BHYT toàn dân cũng như xây một ngôi nhà, phải chậm mà chắc còn hơn nhanh dẫn đến đổ nhà gây ra những tai nạn đáng tiếc. Thay vì bắt cả hộ gia đình phải mua BHYT tự nguyện, hãy tuyên truyền thuyết phục, tạo cơ chế chính sách để người dân cảm nhận được lợi ích to lớn khi tham gia BHYT tự nguyện. Thay vì cắt thanh toán BHYT đối với những trường hợp KCB không đúng tuyến ngoại trú, hãy nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại tất cả cơ sở y tế… Đó mới là kế sâu rễ, bền gốc, chậm mà chắc, đồng thời cũng thể hiện được tinh thần Hiến pháp 2013 là nâng cao quyền con người, quyền công dân.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo daidoanket.vn)

 

 

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.