Nhân ngày BHYT Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đột phá thực hiện chính sách BHYT

Tại kỳ họp thứ bảy vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (BHYT). Luật sửa đổi vẫn tiếp tục bảo đảm BHYT là chính sách an sinh xã hội do Nhà nước chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện với sự tham gia của người dân và định hướng tiến tới BHYT toàn dân.

KCB 010714.jpg
Được sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên, đến nay Bệnh viện Đa khoa Lào Cai đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao, phục vụ kịp thời nhu cầu khám và điều trị của người bệnh trên địa bàn

Nhân Ngày BHYT (1-7), phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi ý kiến với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiếnvề những điểm mới cũng như các hoạt động cần thiết để triển khai Luật. Website BHXH trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Phóng viên: Đề nghị Bộ trưởng cho biết những điểm mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều BHYT vừa được Quốc hội (QH) thông qua?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: So với Luật BHYT hiện hành (ban hành năm 2008), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT lần này có một số điểm quan trọng có tính đột phá mạnh mẽ, vừa từng bước hội nhập quốc tế và thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Một số điểm mới nổi bật là quy định bắt buộc tham gia BHYT, đây là những quy định quan trọng nhằm thúc đẩy thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Đồng thời khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình với cơ chế giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi, đến người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Việc sửa đổi bổ sung Luật lần này quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT, mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng BHYT nhằm giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh (KCB), tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng chính sách, như: bỏ quy định cùng chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; Bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo. Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT năm năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở. Bổ sung quy định quỹ BHYT thanh toán trong các trường hợp: tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

Luật mới cũng quy định mở thông tuyến KCB BHYT, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.

Theo đó, từ ngày 1-1-2016 sẽ mở thông tuyến KCB BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh. Mở thông tuyến KCB BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương trong phạm vi cả nước đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo.

Việc quản lý và sử dụng quỹ BHYT cũng được nêu rõ: Trong giai đoạn hiện nay, do chưa có sự đồng đều về tỷ lệ tham gia BHYT và dịch vụ KCB giữa các tỉnh, nên Luật cho phép các địa phương có kết dư quỹ BHYT được sử dụng 20% để hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng KCB BHYT. Từ ngày 1-1-2021, khi tỷ lệ tham gia BHYT của các địa phương đã ở mức cao, chất lượng dịch vụ y tế đã khá đồng đều sẽ thực hiện quản lý quỹ BHYT theo hướng quản lý tập trung hoàn toàn, thống nhất ở cấp quốc gia để tập trung nguồn lực, điều tiết chung trong phạm vi cả nước, bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu chia sẻ rủi ro giữa các đối tượng.

Ngoài những điểm mới quan trọng như trên, Luật bổ sung: Đối tượng thuộc lực lượng quân đội và công an tham gia BHYT; Quy định trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, quy định “Gói dịch vụ y tế cơ bản” do BHYT chi trả; Quy định trách nhiệm UBND cấp xã trong việc lập danh sách các đối tượng trên địa bàn để cấp thẻ BHYT.

Phóng viên: Luật BHYT sửa đổi nêu rõ những người thuộc đối tượng chính sách, người dân ở vùng khó khăn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, vậy các chính sách cụ thể là như thế nào thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT bổ sung quy định: Người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo được cấp thẻ BHYT miễn phí từ nguồn ngân sách nhà nước. Được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí KCB kể cả chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.

Những đối tượng này được quỹ BHYT thanh toán chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng quy định khi tự đi KCB không đúng tuyến tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến trung ương.

Phóng viên: Việc tham gia BHYT được khẳng định là hình thức bắt buộc. Vậy theo Bộ trưởng, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cần làm gì để quy định này được cụ thể hóa?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trước tiên, Bộ Y tế và các ngành liên quan, chính quyền địa phương sẽ tăng cường hoạt động tuyên truyền về: Vai trò và ý nghĩa của BHYT khi đi KCB; nêu rõ những nội dung, quy định mới của Luật (hỗ trợ các đối tượng người nghèo, cận nghèo…).

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/T.Ư ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, BHYT giai đoạn 2012-2020”; Đề án “Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020″… Đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm về BHYT theo các quy định hiện hành; xây dựng chế tài để quy định bắt buộc có tính khả thi cao để người dân có trách nhiệm tham gia BHYT.

Tăng cường sự phối hợp liên ngành (Y tế, Bảo hiểm xã hội, Tài chính, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động, Mặt trận Tổ quốc…); đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHYT.

Ngành y tế sẽ tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT; nghiên cứu, lựa chọn các phương thức thanh toán BHYT phù hợp; phối hợp các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện… góp phần thực hiện thành công mục tiêu bao phủ BHYT trên cả ba phương diện về tỷ lệ dân số tham gia BHYT; phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng và giảm chi trả từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế.

Phóng viên: Về phía các cơ sở y tế, cần làm gì để người bệnh có thẻ BHYT được thuận lợi nhất trong quá trình khám, chữa bệnh? Và liệu chính sách mới có khắc phục được tình trạng “miền núi hỗ trợ miền xuôi” trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Về phía các cơ sở KCB cần tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng KCB BHYT, như thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 10-9-2012 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế và Chương trình 527/CT-BYT ngày 18-6-2009 của Bộ Y tế về nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Các đơn vị tự đánh giá chất lượng KCB theo 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện đã ban hành.

Các cơ sở KCB tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình KCB BHYT, giảm thời gian chờ đợi, bố trí khoa khám bệnh hợp lý, mở rộng khu khám bệnh, tăng tiện nghi cho bệnh nhân ngồi chờ khi khám bệnh, từng bước giảm tải bệnh viện. Phát huy hiệu quả đường dây nóng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định. Thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế.

Việc thực hiện các quy định mới của Luật sẽ từng bước khắc phục được tình trạng miền núi hỗ trợ miền xuôi trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh. Theo đó, quyền lợi BHYT của người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn được nâng lên. Việc không phải cùng chi trả tạo cơ hội tiếp cận cơ sở y tế tốt hơn trước đây trong khi các dự án đầu tư phát triển y tế cơ sở đang được triển khai, phạm vi dịch vụ được mở rộng, kỹ thuật cao được ứng dụng… Phần kết dư được để lại 20% để sử dụng cho các mục đích nâng cao chất lượng KCB người nghèo, nhất là các địa phương khó khăn sẽ được hưởng lợi từ nguồn kinh phí này. Ngành y tế cũng đang tích cực triển khai các đề án Bệnh viện vệ tinh, 1816 để chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ tuyến dưới, người bệnh được KCB ngay từ tuyến dưới không phải chuyển lên tuyến trên.
Phóng viên: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Trung Hiếu (thực hiện)

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.