Nhà ở vẫn thờ ơ với bảo hiểm cháy nổ

Bảo hiểm cháy nổ là loại hình bảo hiểm bắt buộc đối với nhiều loại hình nhà ở và cũng có thể mua tự nguyện, thế nhưng không phải cơ sở nào cũng thực hiện nghiêm túc.

Bắt buộc đã khó, tự nguyện còn khó hơn

Nghị định số 67/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng mới được Chính phủ ban hành có 18 trường hợp phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, trong đó có nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 10.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích của các khối nhà phục vụ lưu trú từ 10.000 m3 trở lên…

Ngoài những loại hình bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ khi đi vào sử dụng theo quy định mới, các loại hình nhà ở khác có nguy cơ cháy nổ cao cũng có thể mua bảo hiểm cháy nổ tự nguyện. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp bảo hiểm, ngay cả bảo hiểm cháy nổ bắt buộc không phải cơ sở nào cũng thực hiện nghiêm túc, nên với bảo hiểm cháy nổ tự nguyện lại càng khó hơn.

Được biết, mức phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc áp dụng cho một số loại hình bảo hiểm không lớn. Cụ thể, đối với chung cư, tỷ lệ phí bảo hiểm cháy nổ được quy định là 0,05%/năm đối với chung cư có hệ thống chữa cháy tự động và 0,1%/năm đối với chung cư không có hệ thống chữa cháy tự động. Mức phí bảo hiểm cháy nổ thực tế phải đóng bằng tỷ lệ phí bảo hiểm nhân với giá trị tài sản, tức là nếu một căn hộ chung cư có giá khoảng 1 tỷ đồng thì phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc hàng năm là 550.000 đồng (đã bao gồm thuế VAT).

Bên cạnh bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, khách hàng có thể tham gia bảo hiểm nhà tự nguyện do các công ty bảo hiểm cung cấp. Với bảo hiểm nhà tư nhân, phạm vi bảo hiểm được mở rộng, áp dụng bồi thường với các tổn thất do sét đánh, cháy, nổ, giông bão, lũ lụt, vỡ hoặc tràn nước từ bể chứa, thiết bị chứa nước, va chạm với ngôi nhà… Tuy nhiên, theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm, gần như toàn bộ hộ gia đình ở nhà đất, nhà ống không mua bảo hiểm cháy nổ, trong khi đây là loại hình nhà ở có nhiều rủi ro thiệt hại nhất.

Đối tượng mua bảo hiểm cháy nổ chủ yếu là căn hộ chung cư hoặc các hộ kinh doanh cá thể. Đối tượng này mua bảo hiểm do quy định bắt buộc của pháp luật, nhưng trong nhiều trường hợp là nhằm “đối phó” khi bị cơ quan chức năng kiểm tra.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một công ty bảo hiểm cho biết, sau vụ cháy thương tâm chung cư mini tại Khương Đình, Hà Nội, thông tin về bảo hiểm dường như “nóng” lên khi được các cơ quan truyền thông, báo chí đề cập tới cùng sự vào cuộc nhanh chóng của các hãng bảo hiểm để giải quyết bồi thường cho khách hàng, các loại hình bảo hiểm bao gồm cả bảo hiểm cháy nổ cũng được quan tâm hơn.

“Thế nhưng, sau khi sự việc lắng xuống thì bảo hiểm cháy nổ cũng ‘nguội’ theo, có công ty bảo hiểm nhanh nhạy tung ra chương trình tặng bảo hiểm nhà tư nhân (bảo hiểm tự nguyện) tại một số chung cư nhưng chưa biết sự quan tâm của khách hàng tới đâu”, vị đại diện trên nói.

Theo một số doanh nghiệp bảo hiểm, đối tượng mua bảo hiểm cháy nổ chủ yếu là căn hộ chung cư hoặc các hộ kinh doanh cá thể. Đối tượng này mua bảo hiểm do quy định bắt buộc của pháp luật, nhưng trong nhiều trường hợp là nhằm “đối phó” khi bị cơ quan chức năng kiểm tra.

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu phí bảo hiểm cháy nổ hiện chiếm khoảng 7-10% trên tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm nhà tư nhân chỉ chiếm 1-2% tổng doanh thu phí bảo hiểm cháy nổ nói chung.

Thực tế, vì doanh thu quá nhỏ nên các công ty bảo hiểm không tách riêng phí bảo hiểm nhà tư nhân (doanh thu phí bảo hiểm tư nhân của một doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần khá lớn trên thị trường trong 1 năm chỉ đạt khoảng 10 tỷ đồng).

Trên thị trường bảo hiểm cháy nổ nói chung và bảo hiểm cháy nổ nhà tư nhân nói riêng hiện nay, các sản phẩm rất đa dạng với mức phí khá cạnh tranh. Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây là ý thức của người dân trong việc chủ động mua các sản phẩm bảo hiểm cần thiết để bảo vệ gia đình trước các rủi ro trong cuộc sống chưa cao nên doanh thu phí mảng này còn thấp.

Những “khoảng trống”

Theo các chuyên gia, ở nhiều nước, loại hình bảo hiểm rủi ro như bảo hiểm cháy nổ công trình, tòa nhà ở đô thị đều thuộc diện bắt buộc, tức coi đây như là một biện pháp quản lý an toàn của chính quyền. Tại Việt Nam, đối với bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, Nghị định 67/202 đã quy định cụ thể các trường hợp phải mua, nhưng vẫn còn “khoảng trống” đối với một số đối tượng có nguy cơ cháy nổ cao, chẳng hạn như các loại hình chung cư mini.

Thực tế, hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về khái niệm chung cư mini. Loại hình nhà ở này chưa hoàn thiện khung pháp lý, chưa có quy định về điều kiện phòng cháy chữa cháy cũng như phải mua bảo hiểm bắt buộc về cháy nổ. Hay với loại hình nhà ở riêng lẻ xây dựng trên 7 tầng, cũng chưa có quy định cụ thể về thiết kế phòng cháy chữa cháy hay điều kiện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, trong khi đây là loại hình nhà ở khá phổ biến, nhất là tại những đô thị lớn. Bởi vậy, hành lang pháp lý cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời và phù hợp để quản lý loại hình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng này.

Ngoài bảo hiểm cháy nổ bắt buộc phải mua theo quy định, để chủ động bảo hiểm tài sản của mình, người dân cũng có thể tham gia loại hình bảo hiểm cháy nổ tự nguyện. Để có thể mua được bảo hiểm cháy nổ, người mua cần cung cấp thông tin về đối tượng bảo hiểm (căn hộ, đồ đạc trong nhà…) cho công ty bảo hiểm. Sau khi khảo sát các rủi ro liên quan, công ty bảo hiểm sẽ đưa ra quyết định.

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, mức phí bảo hiểm cháy nổ tự nguyện dành cho chung cư, liền kề, biệt thự có chi phí khoảng từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng mỗi năm (tùy gói bảo hiểm và nhu cầu được bảo hiểm của người mua). Bảo hiểm cháy nổ sẽ bảo vệ tài sản, thậm chí cả giá trị khung nhà khi xảy ra cháy, nổ tùy thuộc vào nhu cầu và gói bảo hiểm mà khách hàng lựa chọn. Tuy nhiên, những tài sản có giá trị cao như đồ trang sức, vàng… sẽ không được bảo hiểm trong sản phẩm bảo hiểm cháy nổ.

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đạt 3.934 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11,3% và tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước; giá trị bồi thường 373 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 9,5%. Doanh thu bảo hiểm cháy nổ tự nguyện đạt 1.077 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,1% và giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước; giá trị bồi thường 286 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 26,6%.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.