Lao động tự do “ngại” mua bảo hiểm y tế

KTĐT – Sau gần 2 tháng áp dụng các quy định mới của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi, nhiều người bệnh vẫn còn bỡ ngỡ, hoang mang về việc không chi trả trái tuyến cho người bệnh ngoại trú. Ngoài ra, quy định bắt buộc mua BHYT theo hộ gia đình cũng khiến nhiều lao động tự do khó mua bảo hiểm riêng lẻ.
Còn nhiều băn khoăn
Để giải đáp thắc mắc cho người dân khi áp dụng các quy định mới trong Luật BHYT, nhân viên y tế của các bệnh viện (BV) như Phụ sản T.Ư, Bạch Mai, K… đều phải làm việc hết công suất. Ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, do quy định mới được áp dụng nên người bệnh còn rất bỡ ngỡ, ngoài dán bảng hướng dẫn, BV còn thành lập tổ công tác kiểm tra việc thực hiện Luật BHYT sửa đổi và giải đáp những thắc mắc của người bệnh.

Khu vực thu viện phí tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư.      Ảnh: Thanh Hải

Khu vực thu viện phí tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư. Ảnh: Thanh Hải

Trước đó, BHXH Hà Nội cũng đã phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tập huấn, hướng dẫn các bác sĩ, nhân viên y tế; in các tờ hướng dẫn chi tiết về mức thanh toán và những quy định mới của Luật. Tuy nhiên, đến nay, quy định không chi trả khám bệnh trái tuyến vẫn khiến nhiều bệnh nhân hoang mang. Chị Hoàng Thu Trang (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, cơ quan chị đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cho cán bộ, nhân viên tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội. Trước đây, chị thường khám bệnh ở một BV chuyên khoa gần nhà và được BHYT thanh toán 70% tổng chi phí điều trị cho mỗi lần khám. Nhưng nay, khám trái tuyến, chị không được thanh toán BHYT. Mặc dù được nhân viên y tế giải thích rõ ràng, nhưng chị thấy chưa thỏa đáng vì luật mới đã hạn chế sự lựa chọn nơi khám bệnh của bệnh nhân.
Ngoài ra, nhiều bệnh nhân cũng lo lắng khi có 4 loại thuốc điều trị ung thư (Doxorubicin, Erlotinib, Gefitinib, Sorafenib) bị giảm mức thanh toán từ 100% xuống 50%. Đang chữa bệnh ung thư phổi cho chồng ở BV K, chị Nguyễn Hương (tỉnh Nam Định) băn khoăn: “Khi chồng tôi mắc ung thư, gia đình chỉ biết trông chờ vào BHYT vì giá thuốc điều trị rất đắt. Nhưng nay lại cắt giảm 4 loại thuốc ung thư, nếu trong liệu trình điều trị phải dùng những loại này thì gia đình tôi chưa biết lo thế nào?”.
Rối rắm thủ tục mua BHYT hộ gia đình
Theo quy định Luật BHYT mới, từ ngày 15 – 20/1, những người hành nghề tự do đã mua BHYT tự nguyện trước đây cần đến UBND phường, xã nơi đang cư ngụ để gia hạn thẻ BHYT; từ ngày 25 – 31/1, UBND các phường, xã triển khai bán BHYT hộ gia đình dành cho những người hành nghề tự do. Chị Đoàn Hải Yến (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi có 4 người, bố mẹ chồng và tôi đều là lao động tự do, còn chồng tôi đang công tác tại cơ quan Nhà nước nên đã mua BHYT theo cơ quan. Nay tôi muốn mua bảo hiểm để tiện cho việc sinh nở nên đến UBND phường hỏi thủ tục gia hạn thẻ BHYT. Nhân viên hướng dẫn tôi phải photocopy toàn bộ sổ hộ khẩu, thẻ BHYT của các thành viên trong gia đình, CMND của tôi”. Tuy nhiên, chị Yến chỉ được mua bảo hiểm khi tất cả các thành viên trong nhà cũng phải đăng ký mua. Trong khi đó, bố mẹ chồng của chị không muốn mua BHYT vì thích khám dịch vụ hơn.
Để khuyến khích người dân mua BHYT theo hộ gia đình, Luật BHYT 2015 quy định rõ mức giảm của người thứ hai, thứ ba, thứ tư trong gia đình (đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất đã có BHYT). Tuy nhiên, vấn đề thu nhập, mức tiền đóng cho thẻ BHYT không phải là lý do chính trong việc chưa “phủ sóng” được BHYT hộ gia đình. Thực tế, nhiều gia đình thường chỉ chọn mua BHYT cho những người ốm, người bị bệnh mạn tính, người sắp đến giai đoạn sinh đẻ chứ chưa có ý thức mua cho toàn bộ thành viên trong gia đình để phòng khi ốm đau và chia sẻ rủi ro cho người khác.
Phó Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho rằng, để khắc phục vấn đề này, cần tuyên truyền sâu rộng, tổ chức các cuộc đối thoại với người dân để lắng nghe và giải thích các băn khoăn của họ về BHYT. Điều cơ bản là ngành y tế cần nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh. Vì hiện nay, nhiều ý kiến vẫn còn phản ánh thủ tục khám chữa bệnh rườm rà, chất lượng chưa như mong đợi.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo ktdt.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.