Lắng nghe và cầu thị

Giữa tuần qua, QH đã chính thức bước vào kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII. Ngay trong những ngày đầu tiên của kỳ họp, vấn đề sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 đã làm “nóng” nghị trường; vì nó trở thành điều luật được đưa ra bàn bạc để sửa đổi ngay trước khi Luật có hiệu lực. Chuyện sửa luật âu cũng không phải cái gì đặc biệt. Đơn giản là bởi, cuộc sống luôn vận động và phát triển và vì thế sửa đổi luật để phù hợp với điều kiện thực tế, với một bộ phận nào đó của người lao động cũng là lẽ thường.
 
Đưa việc sửa đổi Điều 60 của Luật BHXH sắp có hiệu lực ra bàn bạc, xin ý kiến QH và ĐBQH cho thấy nhiều góc nhìn đa chiều và phần lớn là góc nhìn mang tính tích cực. Tích cực bởi nhiều lẽ, cho thấy Chính phủ và QH cầu thị trước yêu cầu, đòi hỏi của người lao động, từ chính thực tiễn tham gia BHXH của họ. Thứ nữa, nó cho thấy một hy vọng là công tác xây dựng luật của chúng ta rồi đây sẽ hoàn thiện hơn, chuyên nghiệp hơn kể từ sau câu chuyện của người lao động tại một công ty ở phía Nam.
 
Ai cũng có cái lý của mình. Và xét kỹ, lý của ai cũng có cái đúng vì đứng ở khía cạnh của họ đều là  nghĩ về hoặc nghĩ cho quyền lợi của người lao động. Có thể đó là một cách nghĩ, một biện pháp ứng xử với một bộ phận nhỏ cho cái trước mắt. Có thể đó là một cách nghĩ, một biện pháp ứng xử với số đông và cho tương lai xa hơn. Rõ ràng, ở hướng tiếp cận nào cũng có lý của nó. 
 
Hôm 20-5, trả lời báo chí về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội giải thích lý do vì sao Ủy ban này đồng ý với đề xuất của Chính phủ: “Vì người lao động khó khăn mong muốn như thế thì mình xử lý theo nguyện vọng của người lao động. Luật pháp là làm cho người lao động chứ không phải làm cho người làm luật. Người lao động chưa hoàn toàn thỏa mãn, thấy chưa được thì phải có một thời gian để người ta suy nghĩ lựa chọn.” Ông Lợi cũng không quên khẳng định: Quy trình làm luật của chúng ta là đúng và sự chưa nhất trí của người lao động là do thị trường lao động của chúng ta chưa hoàn thiện, việc làm chưa bền vững, đời sống khó khăn, lương tối thiểu mới đáp ứng được 70% nên người ta mong muốn lấy tiền này để trước mắt làm việc kiếm sống nuôi bản thân và gia đình. Và ông không quên nhắn nhủ, người lao động nên nghiên cứu kỹ, cân nhắc kỹ, quả thực khó khăn trước mắt không có biện pháp nào xử lý được thì hãy nhận một lần còn nếu không thì nên cố gắng tiếp tục đóng góp, tích lũy thời gian, tham gia BHXH để khi hết tuổi lao động có lương hưu bảo đảm cuộc sống, tránh rủi ro khi về già.
 
Cũng về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải (ĐBQH TP.Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) khi phân tích về vấn đề này đã nói về sự khắc nghiệt của chủ tuyển dụng lao động trong một số khu công nghiệp, khu chế xuất như, sau 3 năm không tái ký hợp đồng lao động; mỗi người lao động ở một số đơn vị lại không được ký quá hai lần hợp đồng lao động. Điều này dẫn đến sự dịch chuyển việc làm; thậm chí thất nghiệp ở một bộ phận người lao động. Có những người sau một thời gian làm việc, không kiếm được việc làm mới phải ra khỏi thị trường lao động, tìm cách kiếm sống mới. Đó chính là lý do họ muốn được nhận BHXH một lần. 
 
Thế là đã rõ những lý do của việc sửa đổi Điều 60 và hướng sửa đổi cũng là hướng mở, để cho người lao động được quyền lựa chọn những gì mà họ cho là phù hợp. Tuy nhiên, từ câu chuyện sửa đổi Điều luật lần này, thấy rõ, bản thân đơn vị xây dựng luật và cả những người thông qua luật; thậm chí cả đối tượng thụ hưởng của luật đều thấy được trách nhiệm của mình và có thêm một kinh nghiệm cho những lần khác.
 
Trong phiên thảo luận tổ hôm 22-5, một số ĐBQH Đoàn TP. Hồ Chí Minh như ông Trần Hoàng Ngân, bà Võ Thị Dung; rồi một ĐB khác của Hà Nội- bà Bùi Thị An- cũng đã bày tỏ cảm giác chưa làm tròn trách nhiệm với cử tri là người lao động. “Khi công nhân phản ứng về điều luật này, bản thân tôi là một ĐBQH bấm nút thông qua điều luật cũng cảm thấy có lỗi và xấu hổ. Bên cạnh việc sửa đổi điều này thì QH cũng cần nhận lỗi với người lao động, chứ không phải chỉ sửa đổi không”- bà nói. Nói như thế đủ thấy, nỗi buồn chưa làm tròn vai với cử tri và nhân dân đã khiến họ day dứt. Và với những người xây dựng luật cùng cơ quan thẩm tra có lẽ cũng vậy. Chưa hoàn chỉnh thì chỉnh sửa cho hoàn chỉnh. Nhưng cũng từ câu chuyện này mới thấy: Phản ứng của người lao động chứng tỏ việc đo lường thực tiễn chưa sát; rồi quy trình làm luật của chúng ta cũng có chút vấn đề- theo như cách nói của một số ĐBQH.
 
Bài học rút ra từ việc sửa đổi Điều 60 Luật BHXH có lẽ sẽ có nhiều, với nhiều góc độ nhưng với những người làm luật, rồi đây họ có lẽ sẽ phải xem lại cách làm luật.
 
Thực tiễn đã có những điều luật QH thông qua chưa có hiệu lực thi hành liền gặp sự phản ánh của đối tượng chịu sự tác động.  Mổ xẻ sự chưa hoàn thiện trong cách xây dựng luật để thấy một loạt vấn đề: Không chỉ đơn giản là tạo không gian tranh luận tại các buổi hội thảo, đánh giá tác động với số đối tượng chịu tác động được mở rộng hơn và một không gian tranh luận xây dựng mà còn là sự cởi mở ngay trên nghị trường là rất quan trọng. Về phía các ĐBQH có lẽ cũng nên cân nhắc kỹ hơn trước khi bấm nút thông qua một dự luật, không nên vì sức ép tâm lý mà tặc lưỡi cho qua. Điều ấy là rất cần thiết; nhưng quan trọng hơn chính là có nên nhất thiết để ra một thời gian mang tính cơ học nào đó cho việc thảo luận, thông qua một dự án luật hay không!? Nhất là dự án luật ấy lại tác động đến phần đông người dân. Ấy cũng là một phần của sự lắng nghe và cầu thị chăng.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo daidoanket.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.