(Chinhphu.vn) – Bố đẻ của bà Mai Thị Thanh công tác tại xã, đóng BHXH từ năm 1993 đến tháng 6/2013, giữ các chức danh: Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, nghỉ hưu tháng 6/2013, hưởng chế độ BHXH với thời gian 21 năm.
Bố của bà Thanh có thời gian công tác chưa được tính hưởng BHXH như sau: Từ tháng 4/1980 đến tháng 11/1981 làm Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp toàn xã; từ tháng 12/1981 đến tháng 6/1984 làm Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Hợp tác xã (không toàn xã); từ tháng 7/1984 đến tháng 9/1986 làm Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp toàn xã.
Bà Thanh hỏi, thời gian công tác nêu trên của bố bà được tính cộng nối với thời gian tham gia BHXH theo Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 29/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ như thế nào? Nếu được bố bà phải liên hệ với cơ quan nào để được giải quyết?
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời bà Thanh như sau:
Khoản 2, Điều 2 Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 29/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với Chủ nhiệm hợp tác xã có quy mô toàn xã trong thời kỳ bao cấp chưa được hưởng chế độ của Nhà nước quy định: “Những người có thời gian làm Chủ nhiệm hợp tác xã bị gián đoạn từ 12 tháng trở lên thì thời gian trước gián đoạn không được tính để hưởng chế độ, chính sách quy định tại Quyết định này”.
Theo nội dung bà Thanh trình bày, bố bà có thời gian làm Chủ nhiệm hợp tác xã từ tháng 4/1980 đến tháng 9/1986, từ năm 1993 mới tiếp tục công tác tại xã đến tháng 6/2013 thì nghỉ hưu. Căn cứ quy định nêu trên, do bố bà có thời gian gián đoạn công tác quá 12 tháng (từ tháng 10/1986 đến trước năm 1993) nên thời gian trước gián đoạn (từ tháng 4/1980 đến tháng 9/1986) không được tính để hưởng chế độ, chính sách quy định tại Quyết định số 250/QĐ-TTg.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo chinhphu.vn)