NDĐT- Đối tượng điều chỉnh của dự án Luật An toàn, vệ sinh lao động là người lao động đang có việc làm, gồm cả đối tượng có quan hệ lao động và không có hợp đồng lao động.
Gần 700 người tử vong mỗi năm do tai nạn lao động
Theo Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, tai nạn lao động bước đầu đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực có nguy cơ cao. Trong giai đoạn 2006 – 2013, chỉ riêng khu vực tham gia bảo hiểm xã hội, số người tử vong do tai nạn lao động là hơn 5.300 người, tương đương gần 700 người chết mỗi năm. Hơn 40 nghìn người bị thương tật với mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên. Tính đến cuối năm 2013, số người hưởng trợ cấp hằng tháng từ cơ quan bảo hiểm xã hội do bị tai nạn lao động là hơn 37 nghìn người.
Sau gần 20 năm thi hành, các quy định an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại Bộ luật Lao động cơ bản đã đi vào thực tiễn cuộc sống và mang lại một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, những yêu cầu về bảo đảm ATVSLĐ và phúc lợi xã hội cũng đặt ra những thách thức mới, đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập trong công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Khoản 2 Điều 35 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi”.
Ngày 18-9-2013, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, yêu cầu tiếp tục “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với các quy định, Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia”.
Với những căn cứ trên, việc xây dựng dự án Luật là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Dự án Luật An toàn, vệ sinh lao động có bảy chương, 94 điều.
Đối tượng điều chỉnh của dự án Luật là người lao động đang có việc làm, bao gồm cả người lao động có quan hệ lao động được quy định tại Bộ luật Lao động (thể hiện qua hợp đồng lao động), cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người lao động không có hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác ATVSLĐ (như tổ chức kiểm định, huấn luyện, tư vấn; cung cấp phương tiện bảo vệ cá nhân; đo, kiểm tra môi trường lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp…).
Mở rộng đối tượng là cần thiết
Báo cáo Thẩm tra dự án Luật An toàn, vệ sinh lao động của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề an toàn và sức khỏe người lao động là một trong những yếu tố quan trọng đối với mục tiêu việc làm bền vững, bảo đảm quyền được làm việc trong môi trường an toàn của công dân tại Điều 35. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động tại Điều 57 của Hiến pháp cũng như thực hiện các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên.
Cũng theo cơ quan này, chính sách sách, pháp luật về ATVSLĐ phải bảo đảm mục tiêu quan trọng là phòng ngừa tai nạn lao động và khắc phục tổn thương về sức khoẻ do lao động thông qua những biện pháp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các nguyên nhân rủi ro trong môi trường làm việc.
Việc mở rộng đối tượng áp dụng đối với cả khu vực không có quan hệ lao động là cần thiết vì có hơn 60% người lao động đang làm việc trong khu vực này, để bảo đảm tính khả thi cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích người lao động ở khu vực này áp dụng các tiêu chuẩn ATVSLĐ, đặc biệt là người lao động làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc những lĩnh vực có ảnh hưởng tới sức khỏe, an toàn của cộng đồng.
Dự thảo Luật đề cập chính sách bảo hiểm ngắn hạn nhằm hỗ trợ và bảo vệ người lao động khi gặp rủi ro. Tuy nhiên, hiện nay chế độ bảo hiểm này mới chỉ thực hiện mục tiêu khắc phục rủi ro, chưa hướng mạnh đến phòng ngừa cho người lao động, chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Kinh nghiệm từ một số nước cho thấy, chế độ bảo hiểm này luôn gắn với chính sách an toàn lao động thông qua việc hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Hiện nay, tổ chức chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hình thức tự nguyện đối với người lao động không có quan hệ lao động khó có tính khả thi cao. Nhóm lao động này sẽ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc theo Luật BHYT để được chăm sóc sức khỏe. Do vậy, cần cân nhắc quy định này trong dự án Luật.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo nhandan.org.vn)