Đóng BHXH: Doanh nghiệp FDI nghiêm túc hơn doanh nghiệp Việt

BizLIVE – “Doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp có sức khỏe tốt quan tâm đến vấn đề đóng bảo hiểm xã hội nghiêm túc hơn doanh nghiệp trong nước”, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực VCCI nói.

Liên quan đến con số 50% doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) với khoảng 100.000 tỷ đồng, ông Hoàng Văn Dũng cho biết, so sánh giữa doanh nghiệp nước ngoài FDI và doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp FDI thực hiện việc đóng BHXH nghiêm túc hơn. 

Theo đó, ông Hoàng Văn Dũng lý giải, Việt Nam hiện đang có 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa vì vậy nhận thức về pháp luật và vai trò của BHXH ở các doanh nghiệp này còn hạn chế. 

Ngoài ra, cũng theo ông Dũng, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam thời gian vừa qua đều trải qua giai đoạn khó khăn, 9 tháng đầu năm 2014 có 53.000 doanh nghiệp mới được thành lập nhưng có 48.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. 

“Doanh nghiệp có tồn tại mới có tiền trả lương cho người lao động và mới có tiền để đóng BHXH. Sức khỏe, sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển chung của kinh tế liên quan mật thiết đến vấn đề BHXH”, ông Dũng nói. 

Đồng quan điểm, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ bảo hiểm Y tế – Bộ Y tế cũng cho biết, khu vực doanh nghiệp chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tư nhân thường xảy ra tình trạng không đóng, trốn đóng hoặc đóng BHYT không đầy đủ cho người lao động.

Nguyên nhân chính là do nhận thức của chủ sử dụng lao động về chính sách BHYT chưa đầy đủ, trách nhiệm với người lao động chưa cao, tổ chức công đoàn, người lao động chưa dám đấu tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. 

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động không có khả năng đóng BHYT làm lao động tham gia tăng chậm lại, nợ BHYT tăng nhanh.

Ngoài ra, trao đổi với BizLIVE, ông Hoàng Văn Dũng còn cho biết, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc doanh nghiệp nợ đọng BHXH còn nằm ở chế tài chưa hợp lý. 

“Trong khi vay vốn ngân hàng với lãi suất cao nên doanh nghiệp chiếm dụng quỹ BHXH sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Dũng nói. 

Ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam, cơ quan BHXH cũng cho biết, lỗ hổng trong chính sách, cơ chế như quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất liên ngân hàng đã vô tình khuyến khích doanh nghiệp cố tình nợ BHXH. 

Ngoài ra, nhận thức và trách nhiệm của người sử dụng lao động còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài Nhà nước, do vậy việc chậm đóng, đóng thiếu và nợ BHXH thường xuyên xảy ra. 

“Bên cạnh đó, việc cơ quan BHXH không được quyền xử phạt cũng làm giảm hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát thu, chi BHXH”, ông Trần Đình Liệu nói.

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.