Yêu cầu khó đáp ứng
“Trong khi đầu vào sinh viên được đào tạo chuyên ngành bảo hiểm không nhiều, đầu ra cũng vì thế mà ít ỏi, thì có không ít sinh viên mới tốt nghiệp bị DN bảo hiểm từ chối hoặc không trụ được vì những yếu tố chủ quan, khá nhạy cảm của tình trạng thị trường bảo hiểm phi kỹ thuật như hiện nay”, Ths Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng bộ môn Bảo hiểm, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM cho biết.
Theo ông Hùng, tình trạng “thị trường bảo hiểm phi kỹ thuật” là việc DN bảo hiểm chỉ tuyển nam hoặc nữ, chỉ tuyển khi nhân sự đó có mối quan hệ quen biết với chính quyền/cơ quan quản lý, biết sử dụng các tiểu xảo, lách luật… Điều này khiến các cử nhân bảo hiểm lúng túng, những người có nhu cầu học chuyên ngành bảo hiểm ngần ngại.
Về vấn đề này, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), ông Phùng Đắc Lộc nhấn mạnh: “Những thứ được gọi là cạnh tranh phi kỹ thuật sẽ bị hạn chế trong thời gian tới. Với các quy định, chính sách được sửa đổi, bổ sung, cơ quan quản lý sẽ không kiểm soát như trước nữa. Thay vào đó, đặc biệt tập trung vào việc DN bảo hiểm hoạt động có lãi hay không, giải quyết bồi thường thế nào…”.
Sẽ “siết” DN bảo hiểm
Liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh, trên thị trường cũng phổ biến tình trạng DN bảo hiểm sử dụng các “chiêu trò”, trong đó có hạ phí nhằm lôi kéo khách hàng đang mua bảo hiểm tại DN khác. Nhiều khách hàng vì lợi ích trước mắt mà chọn DN có phí bảo hiểm thấp hơn.
Mới đây, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã thống nhất một số vướng mắc để trình Bộ Tài chính tiến hành phê chuẩn quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô, dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2015.
Theo đó, nếu DN bảo hiểm không được phê chuẩn sản phẩm thì coi như không được phép triển khai và phải bổ sung hồ sơ trình phê duyệt mới. Đây cũng được xem là giải pháp phát triển bảo hiểm xe cơ giới; công khai, minh bạch quy tắc, điều khoản, biểu phí trên toàn thị trường, đảm bảo quyền lợi người được bảo hiểm, đảm bảo an toàn tài chính cho DN bảo hiểm và toàn hệ thống.
Căn cứ Điều 40, Thông tư 124/2012/TT-BTC, không chỉ với sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới, mà với mọi sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ nói chung, việc cấm bán bảo hiểm cũng được đặt ra nếu quy tắc, điều khoản, biểu phí của sản phẩm bảo hiểm không đảm bảo an toàn tài chính theo chế độ quy định đối với DN bảo hiểm phi nhân thọ và ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua bảo hiểm. Bộ Tài chính sẽ yêu cầu DN dừng việc triển khai sản phẩm đó để điều chỉnh cho phù hợp.
Với riêng bảo hiểm vật chất xe ô tô, trên thực tế, phí bảo hiểm của sản phẩm này giữa các DN hiện có sự chênh lệch đáng kể. Các DN như Bảo Việt, PJICO hay Liberty có thị phần lớn về bảo hiểm vật chất xe ô tô đang áp dụng phí tổng thể ở mức cao. Số DN bảo hiểm còn lại áp dụng mức phí thấp hơn.
Sẽ là bình thường nếu việc tính phí bảo hiểm cho một chiếc xe ô tô được dựa trên các cơ sở như đánh giá rủi ro thiên tai, tai nạn cháy nổ, đâm va…, cũng như chất lượng quản lý xe và kinh nghiệm lái xe an toàn. Chẳng hạn, 2 chiếc xe giống nhau, nhưng do hai người lái hoặc hai chủ quản lý xe hoặc có hai nơi bảo quản xe (gara) hoặc hai tầm phạm vi hoạt động khác nhau sẽ làm tăng hay giảm rủi ro được bảo hiểm. Rủi ro càng cao thì xác định phí bảo hiểm càng lớn và ngược lại. Vì vậy, ngay trong cùng một DN bảo hiểm cũng có những mức phí bảo hiểm khác nhau đối với từng khách hàng và từng lái xe.
Tuy nhiên, cảnh báo khách hàng “tham rẻ”, ông Lộc cho biết, những DN bảo hiểm áp phí bảo hiểm thấp nhất trên thị trường thường có quỹ bồi thường thu từ phí bảo hiểm không đủ bù đắp cho thiệt hại được bồi thường xảy ra, dẫn đến lỗ nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới. Do đó, DN chậm trễ, dây dưa trong giải quyết bồi thường.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo tinhnhanhchungkhoan.vn)