Ba gọng kìm của bảo hiểm phi nhân thọ Philippines

Ngành bảo hiểm phi nhân thọ của Philippines đang phải đối mặt với ba thách thức lớn đe dọa tới sự phát triển của phân khúc này trong thời gian tới, đặc biệt khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào năm 2015.

 

 

Chủ tịch PIRA Emmanuel R. Que. Ảnh: Phil Star

Hiệp hội bảo hiểm và tái bảo hiểm Philippines (PIRA), tổ chức thương mại duy nhất của công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước này cho hay: thuế cao, chi phí kinh doanh tăng vọt và môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt là ba thách thức lớn mà ngành bảo hiểm phi nhân thọ ở Philippines đang phải đối mặt.

Để hiểu rõ hơn những khó khăn này, tờ PhilStar dẫn lời Chủ tịch PIRA Emmanuel R. Que cho biết, 26% phí của các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ ở Philippines được dùng để chi trả cho loại thuế của chính phủ, bao gồm thuế khấu trừ, thuế giá trị gia tăng, thuế tem (DST), lệ phí của chính quyền địa phương và nhiều chi phí khác.

Để khắc phục tình trạng thuế cao như vậy, các công ty bảo hiểm Philippines đã đề xuất với chính phủ giảm thuế phí bảo hiểm xuống còn 12% và DST ở mức 2%.

Ông Que cho rằng, đây là đề xuất hết sức phù hợp vì bảo hiểm là một công cụ tài chính quan trọng đối với người Philippines, do vậy chính phủ nên giữ giá bảo hiểm ở mức phải chăng bằng cách giảm thuế.

“Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, trên thực tế, nguồn thu từ thuế của chính phủ sẽ cao hơn nếu ngày càng nhiều người Philippines có khả năng mua bảo hiểm. Hiện nay chỉ có một số ít người dân có thể mua bảo hiểm vì thuế cao khiến giá bảo hiểm trở nên đắt đỏ”, Chủ tịch PIRA cho hay.

Cách đây không lâu, sau khi thuế phí bảo hiểm nhân thọ ở Philippines được cắt giảm từ mức 5% xuống còn 2%, thị trường bảo hiểm này lại tiếp tục sôi động và chứng kiến những bước phát triển nhảy vọt. Một trong những đối tượng được hưởng lợi từ điều nay chính là ngân sách chính phủ.

Tuy nhiên, không chỉ đối mặt với thuế cao, ngành bảo hiểm phi nhân thọ của Philippines cũng đang lao đao vì chi phí kinh doanh có nguy cơ tăng vọt. Hồi tháng trước,  Ủy ban Bảo hiểm (IC)đề xuất chính phủ tăng các loại phí và lệ phí hợp nhất. Theo đó, chi phí kinh doanh với IC có thể tăng gần gấp đôi.

Theo thống kê, đây là đợt tăng phí tái bảo hiểm mạnh nhất kể từ sau siêu bão Yolanda. Hiện nay, chỉ có một công ty tái bảo hiểm địa phương hoạt động trong Tổng công ty Tái hiểm Quốc gia Philippines. Do vậy, trong bối cảnh tần suất thảm họa thiên nhiên ngày càng gia tăng, các công ty tái bảo hiểm nước ngoài sẽ đồng loạt tăng phí bảo hiểm.

Trong khi đó, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm 2015 dự kiến sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn cho ngành bảo hiểm ở Phlippines. Chắc chắn mức phí bảo hiểm của các đối thủ khác trong khu vực sẽ thấp hơn so với Philippines vì họ không phải chi trả quá nhiều loại thuế.

Hơn nữa, cuộc đối đầu giữa các công ty bảo hiểm lớn trong khu vực được dự báo sẽ tăng nhiệt khi AEC ra đời. Mới đây, Tập đoàn bảo hiểm của Mỹ AIG và Công ty bảo hiểm STARR International Insurance(Asia) đã chính thức quay lại Philippines.

STARR International Insurance (Asia) thuộc công ty Starr International Co Inc, một trong những công ty bảo hiểm hàng đầu thế giới.

“Thách thức chính hiện nay là làm thế nào để phát triển kinh doanh trong nước. Chúng tôi chỉ có thể cạnh tranh với quốc tế nếu chúng tôi là những doanh nghiệp vững mạnh trong nước”, người đứng đầu PIRA kết luận.

Theo (Seatimes)

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.