“Chúng tôi đã đặt ra mục tiêu sẽ lọt vào Top 3 thị phần khai thác mới vào năm 2020, một mục tiêu khá thách thức, song hoàn toàn có thể thực hiện được nếu quyết tâm”, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán. Để hoàn thành được kế hoạch, doanh nghiệp bảo hiểm hiện đang ở Top 6 về thị phần phí bảo hiểm khai thác mới này sẽ phải thay đổi và tạo ra những cơ chế mới khác biệt.
“Chúng tôi đã đưa ra nhiều cơ chế ‘mở’ nhằm thúc đẩy công việc nhanh hơn. Chẳng hạn, việc giải quyết yêu cầu bồi thường tiền viện phí của khách hàng thay vì phải gửi hóa đơn, chứng từ cho đơn vị thanh toán, khách hàng chỉ cần chụp hình bằng điện thoại và gửi email trực tiếp cho Công ty. Chỉ những hồ sơ có vấn đề cần kiểm tra chúng tôi mới yêu cầu khách hàng gửi hóa đơn gốc. Số tiền thanh toán được duyệt qua quy trình ban đầu là 5 triệu đồng, sau đó được nâng lên 10 triệu đồng. Quy trình này chỉ là một trong các mục tiêu đột phá bằng công nghệ của chúng tôi”, vị lãnh đạo trên chia sẻ.
Có nhiều cơ sở để các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam tin tưởng và đưa ra những mục tiêu đầy tham vọng. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng doanh thu khai thác mới của ngành này trong năm 2015 và quý I/2016 luôn ở mức hơn 40%, mức tăng trưởng đáng mơ ước và khó có thể đạt được đối với nhiều ngành kinh tế khác trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh tốc độ tăng trưởng, dư địa khách hàng rộng lớn cũng là yếu tố tích cực, là động lực để các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ dồn sức đầu tư khai thác. Top 3 về thị phần khai thác mới và Top 5 công ty có thị tổng doanh thu lớn nhất thị trường là mục tiêu phấn đấu hàng đầu của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần còn nhỏ.
Đứng trước quyết tâm tăng tốc của các doanh nghiệp nhóm dưới, những doanh nghiệp thuộc nhóm đầu cũng không thể “bình chân như vại”. Mạng lưới dịch vụ chăm sóc khách hàng liên tục được mở rộng, những mô hình văn phòng dịch vụ cũ, ít hiệu quả cũng đều được các doanh nghiệp nhóm đầu thay đổi và cơ cấu lại…
“Chúng tôi hiện có hệ thống kinh doanh rộng khắp với 8 ngân hàng đối tác, hơn 300 trung tâm dịch vụ khách hàng và văn phòng chi nhánh trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Năm 2016, với mục tiêu và chiến lược phát triển mới, chúng tôi sẽ tiến hành nâng cấp và khai trương 200 mô hình mới, nhằm mang đến chất lượng dịch vụ hoàn hảo, khác biệt cho khách hàng”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm thuộc nhóm dẫn đầu thị trường cho biết.
Dù không phải bằng mọi giá, nhưng dường như các doanh nghiệp bảo hiểm đều đang tập trung phát triển những điểm khác biệt, nhằm tạo ra dấu ấn và bản sắc riêng của mình. Mở rộng thị trường để có thêm thị phần là một chiến lược, song không phải doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng đủ “lực” để áp dụng chiến lược này.
“Chúng tôi không mở rộng thị phần ra những tỉnh, thành phố ở xa trung tâm, mà chỉ tập trung vào khoảng 30 tỉnh, thành phố lớn trên toàn quốc. Việc phát triển hệ thống đại lý cũng như vậy, chúng tôi không tuyển thật nhiều đại lý/tư vấn bảo hiểm, mà sẽ tạo ra những cơ chế tốt để có thể khai thác hết công suất của các đại lý/tư vấn bảo hiểm”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm thuộc nhóm dưới chia sẻ.
Cùng với hệ thống đại lý/tư vấn bảo hiểm, kênh bancassurance cũng là một trong những kênh chiến lược khác của các doanh nghiệp bảo hiểm. “Bancassurance sẽ chiếm 50% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm của chúng tôi”, CEO một công ty bảo hiểm nói.
Dù hiện nay, khoảng 80% thị phần doanh thu phí bảo hiểm của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang nằm trong tay những doanh nghiệp lớn, nhưng tỷ lệ này được dự báo sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới.
“Sự thay đổi của nền kinh tế, thói quen tiêu dùng, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ, thành đạt được coi là rất tiềm năng và sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Vì vậy, các công ty bảo hiểm có thị phần và quy mô còn nhỏ có nhiều cơ hội để ‘xoay chuyển tình thế’, nếu có những thay đổi và chiến lược hợp lý, nhất là những thay đổi trong ứng dụng công nghệ một cách toàn diện”, một chuyên gia trong ngành nhìn nhận.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo tinnhanhchungkhoan.vn)