Ý tưởng mua bảo hiểm cây xanh của Đà Nẵng khó khả thi

Trong khi Đà Nẵng đang lúng túng trong việc xác định số lượng và chủng loại cây xanh cần mua bảo hiểm thì các công ty bán bảo hiểm cũng không mặn mà vì mức độ rủi ro cao.

Theo lãnh đạo TP Đà Nẵng, việc mua bảo hiểm là để giảm thiệt hại khi có sự cố đối với cây xanh do Nhà nước quản lý. Những năm qua, vào mùa mưa bão, hàng trăm cây xanh ở các tuyến đường Đà Nẵng bị bật gốc, gãy đôi nên rất tốn kém trong việc trồng mới, thay thế.

Vì sao mua bảo hiểm cho cây xanh?

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính rà soát, tổng hợp cụ thể chủng loại và số lượng cây xanh để làm cơ sở bố trí kinh phí mua bảo hiểm an toàn cây xanh đô thị.

Theo lãnh đạo Sở, việc mua bảo hiểm cho cây xanh là cần thiết. Thực tế những năm qua, cứ đến mùa mưa bão thì Đà Nẵng phải đầu tư khoản tiền tương đối lớn để khắc phục, trồng thay thế cho các cây xanh bị gãy cành, trốc gốc…

Như năm 2013, khi cơn bão đổ bộ vào Đà Nẵng khiến hơn 1.300 cây bị gãy ngang thân, 5.700 trốc gốc và gần 11.000 cây ngã đổ… “Năm đó, Đà Nẵng phải cho khoảng 3 tỷ đồng để khắc phục sự cố. Nếu có bảo hiểm, khi xảy ra sự cố thì Đà Nẵng sẽ giảm bớt được một phần ngân sách”, ông Đặng Đức Thứ – Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng, cho hay.

Y tuong mua bao hiem cay xanh cua Da Nang kho kha thi hinh anh 1
Đà Nẵng dự kiến mua bảo hiểm cho hàng nghìn cây xanh. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Đà Nẵng, sau khi nhận được chỉ đạo của UBND TP, đã tổ chức họp với các đơn vị liên quan để tìm giải pháp triển khai. Sở đã giao Công ty Cây xanh rà soát, tổng hợp cụ thể chủng loại và số lượng cây cần mua bảo hiểm. 

Ông Thứ cho biết, hiện trên địa bàn có hơn 100.000 cây xanh các loại. Trong đó, có khoảng gần 40% cây xanh được trồng ở những tuyến đường xung yếu, có nguy cơ bị tác động của gió bão nên cần thiết phải mua bảo hiểm.

Gặp khó khăn khi triển khai ý tưởng

Trao đổi với Zing.vn, một lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết đơn vị đã xúc tiến việc tìm các đối tác nhưng đến nay vẫn chưa có công ty nào nhận lời. Ông Thứ thừa nhận, việc mua bảo hiểm cho cây xanh còn khá mới ở Việt Nam nên khi bắt tay vào triển khai gặp rất nhiều khó khăn.

“Cái khó lớn nhất là ‘khám sức khỏe’ cho cây xanh để xác định nội dung trong hợp đồng mua bảo hiểm. Cây xanh có tuổi thọ vài chục cho đến hàng trăm năm nên mua bảo hiểm bao nhiêu năm. Với lại, liệu có công ty nào bán bảo hiểm cho cây xanh hay không?”, ông Thứ bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia trong ngành bảo hiểm cho rằng, việc triển khai kế hoạch này không hề đơn giản, đặc biệt là khâu thẩm định giá trị bảo hiểm. Vì cây xanh trồng trong đô thị gồm nhiều chủng loại cũng như độ tuổi và giá trị khác nhau. Hơn nữa, đánh giá những loại tổn thất như vậy cũng không phải dễ dàng.

Bà Nguyễn Thị Huệ – Phó giám đốc Công ty Techcomadvisors tại Đà Nẵng, cho biết ở Việt Nam đã từng có công ty bán bảo hiểm cho một số rừng cây công nghiệp như cao su, tràm…  Tuy nhiên, các chủ rừng thường chỉ mua bảo hiểm khi họ đi vay vốn của ngân hàng (vì các ngân hàng thường yêu cầu chủ rừng phải mua bảo hiểm mới được vay vốn – PV). Việc xác định giá trị bảo hiểm cho cây trồng căn cứ theo giá trị thương mại của loại cây đó.

“Tuổi thọ của cao su thường từ 20 đến 30 năm nên việc bán bảo hiểm dễ thực hiện hơn. Còn đối với cây xanh đô thị có tuổi thọ lên đến hàng trăm năm nên rất khó định lượng giá trị”, bà Huệ phân tích.

Theo bà, đối với cây xanh, bình thường nhìn xanh tốt nhưng bên trong thì bị sâu, mục như thế nào không ai biết được. Do vậy, khi cây chết rất khó tìm được nguyên nhân để xác định có nằm trong danh mục được chi trả bảo hiểm hay không.

Một lý do khác khiến các công ty bảo hiểm chưa mặn mà bán bảo hiểm cho cây xanh vì Đà Nẵng thường xuyên bị tác động của mưa bão nên mức độ rủi ro rất cao.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo zing.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.