Qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, ngành BHXH đã từng bước hoàn thiện bộ máy, cơ cấu tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn đã có cuộc trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử về nội dung này.
BHXH Việt Nam là cơ quan Nhà nước thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; tổ chức thu, chi chế độ BH thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT theo quy định của pháp luật.
Qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, ngành BHXH đã từng bước hoàn thiện bộ máy, cơ cấu tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn đã có cuộc trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử về nội dung này.
PV: Thưa Phó Tổng Giám đốc, nhìn lại 25 năm xây dựng và phát triển, ngành BHXH ngày càng thể hiện rõ vai trò của mình trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Là người gắn bó với công tác xây dựng bộ máy, tổ chức cán bộ đã nhiều năm, xin ông cho biết một số nét cơ bản về quá trình thành lập và phát triển của BHXH Việt Nam?
Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn:
Với mục tiêu của chính sách BHXH là chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần, chăm lo sức khoẻ cho người lao động thông qua huy động sự đóng góp của nhiều người để trợ giúp cho ít người.
Ở nước ta, xuất phát từ tầm quan trọng và ý nghĩa nhân văn cao đẹp của BHXH nên ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Chính phủ đã ban hành các Sắc lệnh số 27/SL ngày 12/3/1947; số 76/SL ngày 20/5/1950 và số 77/SL ngày 22/5/1950 về việc thực hiện một số chính sách BHXH. Việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH giai đoạn từ trước năm 1995 do Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện.
Cùng với sự phát triển của đất nước, bước vào thời kỳ đẩy nhanh tiến trình đổi mới, các phương thức quản lý về BHXH theo cơ chế tập trung bao cấp đã trở nên bất cập, bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội. Việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH cùng một lúc được giao cho một số Bộ, ngành dẫn đến tình trạng phân tán, chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, chưa tách được chức năng quản lý Nhà nước về BHXH ra khỏi chức năng tổ chức thực hiện sự nghiệp BHXH.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực hiện chính sách BHXH theo cơ chế tập trung bao cấp, trên cơ sở chế định về BHXH của Hiến pháp năm 1992 và Chương XII Bộ luật Lao động được Quốc hội khoá IX thông qua ngày 23/6/1994, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12-CP ngày 26/01/1995 và Nghị định số 45/CP ngày 15/7/1995 ban hành Điều lệ BHXH áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, người lao động ở các thành phần kinh tế và lực lượng vũ trang. Những định hướng đổi mới về chính sách BHXH nêu trên cũng chính là cơ sở, căn cứ để tháng 02/1995 Chính phủ ban hành Nghị định số 19-CP ngày 16/02/1995 thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH thuộc hệ thống Lao động, Thương binh & Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác quản lý quỹ BHXH và thực hiện các chế độ, chính sách BHXH theo pháp luật của Nhà nước.
Việc thành lập ngành BHXH, đã đánh dấu sự đổi mới và cải cách cơ bản trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH của Đảng và Nhà nước ta. Lần đầu tiên công tác thu, chi, quản lý quỹ và giải quyết chế độ chính sách BHXH… đã được giao tập trung cho một cơ quan tổ chức thực hiện; tách chức năng quản lý Nhà nước về BHXH ra khỏi chức năng tổ chức thực hiện công tác BHXH; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
PV: Thưa ông, như vậy, việc thành lập ngành BHXH đã đánh dấu sự đổi mới và cải cách cơ bản trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH của Đảng và Nhà nước ta. Từ đó đến nay, ngành BHXH đã có những bước phát triển thế nào thưa ông?
Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn:
Về quá trình phát triển của hệ thống BHXH Việt Nam có thể chia thành một số mốc cụ thể.
Từ năm 1995 đến năm 2002: Là giai đoạn thành lập, hoàn thiện tổ chức và bước đầu phát triển ngành BHXH theo Nghị định số 19-CP ngày 16/02/1995 của Chính phủ về việc thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH hiện có ở Trung ương và địa phương từ 2 hệ thống Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội và Liên đoàn lao động Việt Nam.
Theo Nghị định số 58/1998/NĐ-CP ngày 13/8/1998 của Chính phủ, BHYT Việt Nam chính thức được tổ chức và quản lý theo hệ thống tập trung, thống nhất theo 3 cấp: Ở Trung ương, BHYT Việt Nam trực thuộc Bộ Y tế; ở cấp tỉnh, BHYT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và BHYT ngành trực thuộc BHYT Việt Nam; ở cấp huyện, quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh tổ chức thành chi nhánh BHYT trực thuộc BHYT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Từ năm 2003 đến năm 2015: Là giai đoạn phát triển, hoàn thiện về hệ thống tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo 04 Nghị định của Chính phủ: Nghị định số 100/2002/NĐ-CP ngày 06/12/2002; Nghị định số 94/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008; Nghị định số 116/2011/NĐ-CP ngày 14/12/2011; Nghị định số 05/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam. Đây cũng là giai đoạn chuyển giao BHYT Việt Nam vào BHXH Việt Nam.
Từ năm 2016 đến nay: BHXH Việt Nam tổ chức hoạt động theo Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ. Hệ thống tổ chức bộ máy ngành dọc tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương với 24 đơn vị trực thuộc ở cấp Trung ương; 63 BHXH tỉnh; 710 BHXH quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc.
Mô hình tổ chức ngành BHXH theo hệ thống dọc, tập trung, thống nhất theo 03 cấp từ Trung ương đến cấp huyện đảm bảo nâng cao được tính hiệu quả trong việc kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tình trạng thất thoát, lạm dụng các quỹ bảo hiểm, nhất là đối với quỹ BHYT và quỹ BH thất nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi ngành BHXH đang triển khai ứng dụng CNTT trong việc quản lý tập trung, thống nhất dữ liệu đối tượng tham gia đóng và hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
PV: Trước giai đoạn phát triển mới, ngành BHXH Việt Nam đang hướng tới xây dựng bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Ông có thể cho biết về định hướng hoàn thiện hệ thống BHXH Việt Nam trong thời gian tới?
Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn:
Ngành BHXH đang xây dựng hệ thống quản lý dựa trên nền tảng quy trình nghiệp vụ hiện đại, ứng dụng CNTT với nguồn nhân lực tinh gọn, chuyên nghiệp, chất lượng cao. Đồng thời, xây dựng hệ thống BHXH tin cậy và minh bạch, phát triển bền vững, đảm bảo năng lực và điều kiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Để đạt được các mục tiêu đó, ngành BHXH đã xây dựng định hướng theo từng giai đoạn và quyết liệt đẩy mạnh tổ chức thực hiện.
Đến năm 2025, khi các phần mềm nghiệp vụ đã liên thông hoàn toàn, hệ thống Data Warehous hoàn thiện, bên cạnh việc thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình thì Ngành BHXH cũng tiếp tục sắp xếp lại hệ thống tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với quy trình nghiệp vụ sau khi ứng dụng CNTT thành công.
Đến năm 2030 định hướng hoàn thiện hệ thống BHXH Việt Nam sẽ tập trung vào tái cơ cấu và xây dựng Kế hoạch đào tạo tổng thể nguồn nhân lực; Tổ chức đào tạo, đào tạo lại chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ kiến thức và kỹ năng đáp ứng tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ; Tăng cường đào tạo trình độ CNTT; trong đó chú trọng đào tạo nhân lực quản trị và vận hành hệ thống; xây dựng cơ chế giữ và thu hút nhân tài, các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao đáp ứng trình độ quản lý hiện đại của ngành BHXH; nhân lực làm công tác giám định BHYT chuyên ngành bác sỹ, dược sỹ… Có cơ chế khuyến khích trong quản lý, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.
BHXH Việt Nam cũng hoàn thiện Danh mục vị trí việc làm của ngành BHXH làm cơ sở thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với công chức, viên chức ngành BHXH theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương. Xây dựng cơ chế trả lương theo hướng dùng tiền lương và các khâu thu nhập chính đáng để làm đòn bẩy kinh tế, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc.
Đồng thời nâng cao đạo đức công vụ, thực hiện quy tắc ứng xử, cải cách hành chính gắn với việc phục vụ người dân, người lao động với thời gian, chi phí thấp nhất nhưng hiệu quả phục vụ cao nhất./.
PV: Trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!
Theo baohiemxahoi.gov.vn