Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 21/5 đã công bố Chương trình Tài chính khẩn cấp cho đại dịch (PEF), trị giá ban đầu 500 triệu USD, nhằm đối phó nhanh chóng với sự lây lan của các dịch bệnh nguy hiểm.
Đây là quỹ bảo hiểm đầu tiên được lập ra trên thế giới nhằm đối phó với nguy cơ dịch bệnh sau khi thế giới hứng chịu dịch bệnh Ebola ở Tây Phi năm 2014.
Chủ tịch WB Jim Yong Kim công bố việc thành lập PEF tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) đang diễn ra tại Sendai, Nhật Bản, với mong muốn nhận được nhiều sự đóng góp từ G7 và các nhà tài trợ khác.
Nhật Bản là quốc gia đầu tiên cam kết hỗ trợ PEF với việc đóng góp 50 triệu USD.
Theo ông Jim Yong Kim, PEF (gồm nguồn tài trợ từ các thị trường tái bảo hiểm và trái phiếu “thảm họa” dịch bệnh) sẽ thúc đẩy khả năng đối phó của các quốc gia và thế giới với sự lây lan của dịch bệnh đe dọa đến số đông người dân và các nền kinh tế yếu kém.
Không giống các loại bảo hiểm thông thường chỉ chi trả thiệt hại sau thảm họa, chương trình này sẽ nhanh chóng cung cấp các quỹ hỗ trợ cho các nước nghèo bị ảnh hưởng và các cơ quan đủ điều kiện ứng phó của quốc tế ngay khi dịch bệnh bùng phát đến một mức độ xác định.
PEF đượcđưa ra với sự phối hợp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhà cung cấp bảo hiểm Swiss Re và Munich Re. Theo chương trình này, 77 nước kém phát triển sẽ nhận được hỗ trợ khi xảy ra đại dịch.
Tuy nhiên, cơ chế bảo hiểm sẽ chỉ được áp dụng với một số bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát thành dịch lớn, trong đó có một số chủng cúm, các bệnh về hô hấp như SARS và MERS cũng như các virus gây chết người như Ebola và Marburg.
Trong danh sách chi trả bảo hiểm không bao gồm virus Zika đang lây lan nhanh ở Mỹ Latinh. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Jim Yong Kim, WB đang lập một quỹ hỗ trợ khác nhằm đối phó với sự lây lan của Zika và một số bệnh khác có thể dẫn đến đại dịch./.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo vietnamplus.vn)