Nếu chỉ thuần túy xem xét số liệu thì dường như các doanh nghiệp bảo hiểm đã kiếm soát tốt hơn các rủi ro trong nghiệp vụ này khi mà doanh thu tăng và tỷ lệ bồi thường giảm, nhưng thực tế, số tiền phải bồi thường tiềm tàng còn rất lớn.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2012, nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ đạt doanh thu 2.185 tỷ đồng, số tiền đã giải quyết bồi thường 809 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 37%. Năm trước đó, nghiệp vụ này có doanh thu 1.723 tỷ đồng, số tiền đã giải quyết bồi thường 940 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 54%. Như vậy, nếu chỉ thuần túy xem xét số liệu thì dường như các doanh nghiệp bảo hiểm đã kiếm soát tốt hơn các rủi ro trong nghiệp vụ này khi mà doanh thu tăng và tỷ lệ bồi thường giảm, có vẻ như các doanh nghiệp bảo hiểm có lãi nếu chỉ nhìn vào số thực thu, thực chi.
Tuy nhiên, lãnh đạo một công ty bảo hiểm cho rằng, con số bồi thường và tỷ lệ bồi thường này chưa phản ánh hết rủi ro tiềm ẩn, kết quả kinh doanh xác thực của nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ. Lý do là, tại không ít doanh nghiệp bảo hiểm còn tồn đọng nhiều vụ tổn thất chưa được giải quyết với số tiền đòi bồi thường khá lớn. Không chỉ thế, nguy cơ bị trục lợi trong nghiệp vụ này là cao khi mà việc điều tra, xác minh nguyên nhân các vụ cháy nổ, mức độ thiệt hại trong vụ cháy đó, trong nhiều trường hợp, rất khó khăn.
Việc xác định nguyên nhân và tính chất chủ quan của các vụ cháy là rất khó khăn
Vụ cháy xảy ra tại kho chứa hàng của một công ty dệt may vào năm 2012 tại Nam Định là một ví dụ. Khách hàng cho rằng, thiệt hại mà họ phải chịu lên đến gần 60 tỷ đồng, trong khi nhà bảo hiểm tính toán rằng, ngay cả khi chất đầy kho hàng thì thiệt hại cũng không thể lên đến 20 tỷ đồng. Trong suốt quá trình thương lượng kéo dài gần 1 năm, hai bên đã không thể thống nhất về bồi thường. Được biết, nhà bảo hiểm đã từ chối bồi thường vì cho rằng, có dấu hiệu trục lợi, còn khách hàng đệ đơn khởi kiện. Khi đã đưa ra tòa án, nếu các bên vẫn không thể hòa giải, vụ tranh chấp này có thể kéo dài hàng năm.
Theo đánh giá của Luật sư Thái Văn Cách, pháp luật phòng cháy chữa cháy đã có quy định tương đối đầy đủ và chặt chẽ về việc phòng cháy, chữa cháy cũng như giám định xác định nguyên nhân cháy. Về cơ bản, ngay khi nhận được tin báo có vụ cháy, cơ quan phòng cháy chữa cháy có trách nhiệm thực hiện chữa cháy và sau đó phối hợp với công an phong tỏa hiện trường, điều tra, xác định nguyên nhân cháy. Các quy định pháp luật cũng buộc người dân xung quanh có trách nhiệm phối hợp bảo vệ hiện trường. Những quy định này dường như tạo thuận lợi cho nhà bảo hiểm khi giám định tổn thất, xác định nguyên nhân cháy, xác định mức độ tổn thất. Tuy nhiên, trên thực tế, nhà bảo hiểm hay công ty giám định được nhà bảo hiểm chỉ định giám định tổn thất chỉ cố gắng xác định mức độ tổn thất, còn nguyên nhân gây cháy được nhờ cậy hoàn toàn vào kết luận của cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng đôi khi cũng không thể xác định được cụ thể nguyên nhân gây cháy, không ít trường hợp kết luận “cháy không rõ nguyên nhân”. Hoặc ngay cả khi cơ quan chức năng có kết luận nguyên nhân gây cháy và chỉ ra nguyên nhân là do con người nhưng cũng không thể kết luận cháy do lỗi vô tình hay cố ý.
Chẳng hạn như một trường hợp, trong quá trình giải quyết bồi thường, nhà bảo hiểm trưng cầu giám định của cơ quan khoa học kỹ thuật hình sự, kết luận của khoa học kỹ thuật hình sự cho thấy, việc cháy thiết bị của cơ sở sản xuất do tác động của con người gây nên. Tuy nhiên, nhà bảo hiểm không có cách nào chỉ ra tác động của con người đó là cố tình gây cháy để được hưởng bảo hiểm hay chỉ là vô tình dẫn đến hỏa hoạn. Tương tự như vậy, ngay cả khi xác định rằng vụ cháy do có người hút thuốc lá, làm rơi tàn thuốc, đầu mẩu dẫn đến cháy thì nhà bảo hiểm không có cách nào điều tra, xác định người hút thuốc đó là ai. Hoặc trong trường hợp xác định được cụ thể cháy quạt điện dẫn đến chập điện gây cháy nhà xưởng cũng khó có thể xác định ai là người có hành vi bất cẩn dẫn đến hậu quả trên và cũng không thể xác định người đó có cố tình hay không.
Trong trường hợp này, duy nhất cơ quan điều tra, có tư cách và khả năng đấu tranh làm rõ. Nếu có thể điều tra làm rõ có người cố tình đốt để gây hỏa hoạn thì sự việc không chỉ đơn giản là trục lợi bảo hiểm mà còn có yếu tố trách nhiệm hình sự. Nhưng cơ quan điều tra sẽ chỉ tiến hành điều tra khi thấy có dấu hiệu phạm tội nhất định. Vậy nên, trong nhiều trường hợp, dù nhà bảo hiểm nghi vấn có dấu hiệu trục lợi song không có cách nào chứng minh. Chính bởi những lý do này, trục lợi trong bảo hiểm cháy nổ luôn là câu hỏi chưa có lời giải đáp . Để kinh doanh có lãi, nhà bảo hiểm không còn cách nào khác phải tự cảnh giác với nhóm tài sản có nguy cơ cháy nổ cao mà chính họ đã phân loại (thường là nhóm 3 và 4). Trong trường hợp vẫn muốn nhận bảo hiểm thì việc đánh giá, xem xét kỹ cơ sở có đảm bảo các quy định PCCC hay không và định phí bảo hiểm đúng mức độ rủi ro được đặt lên hàng đầu.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo ĐTCK)