VNR có thể đạt tới cận trên của vùng định giá

Là doanh nghiệp số 1 và có tài chính tốt nhất trong lĩnh vực tái bảo hiểm tại Việt nam. Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt nam (có mã chứng khoán VNR) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được tổ chức xếp hạng tín nhiệm A.M. Best đánh giá tại thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Vị thế so với các doanh nghiệp cùng ngành

Công ty đứng ở vị trí số 1 trong số các doanh nghiệp tái bảo hiểm tại Việt Nam nhờ bề dày hoạt động lâu năm, chiến lược đầu tư an toàn và sự hỗ trợ mạnh của các cổ đông chiến lược. Công ty xây dựng chiến lược tăng trưởng an toàn với việc công ty có tỷ lệ giữ lại tái bảo hiểm thấp, chiến lược đầu tư cũng được đánh giá cao về độ hiệu quả cũng như an toàn.

Mức cạnh tranh trong ngành là khá thấp. Bên cạnh đó, công ty phải cạnh tranh với các công ty tái báo hiểm nước ngoài, tuy vậy, với lợi thế là công ty Việt Nam và mối quan hệ chặt chẽ với công ty bảo hiểm gốc, VNR có lợi thế cạnh tranh mạnh trong thị trường tái bảo hiểm tại Việt Nam.

Kết quả kinh doanh quý I/2016

Trong quý I/ 2016, VNR đạt 293 tỷ từ doanh thu bảo hiểm (tăng 1,4% so với cùng kỳ), chi phí cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 263 tỷ (giảm 6,1%). Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh từ 4 tỷ lên 17,9 tỷ nên lợi nhuận đạt 60 tỷ, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bảo hiểm của công ty tăng khả quan 10% tuy nhiên công ty vẫn tăng cường tái bảo hiểm sang các công ty khác với phí nhượng tái bảo hiểm đạt 160 tỷ, tăng 12% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 29,8 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 8 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Điều này do doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (293 tỷ so với 189 tỷ) nhưng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm mạnh (263 tỷ so với 280 tỷ năm ngoái).

Tiềm năng tăng trưởng

VNR đạt tăng trưởng doanh thu tái bảo hiểm là 7%, phí giữ lại là 10% trong năm 2015. Việc các công ty bảo hiểm hoạt động tốt hơn cũng giúp VNR giảm bớt các khoản dự phòng tài chính, phải thu khó đòi qua đó giúp cải thiện hoạt động của công ty.

Trong năm 2016, VNR tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng phí tái bảo hiểm là 7% và phí giữ lại là 9%. Tuy vậy, mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2020 được đặt ra là tăng trưởng phí bảo hiểm 12% năm, phí giữ lại 16%/năm cho thấy VNR đang có định hướng tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong 4 năm tới thay vì chính sách an toàn trong thời gian trước.

Phụ thuộc vào mặt bằng lãi suất

Một nhân tố tích cực khác đóng góp vào tăng trưởng của VNR là việc lãi suất đã chạm đáy do CPI đang trong xu hướng đi lên. Mặc dù VNR được phép đầu tư đến 20% dự phòng (2.800 tỷ ở cuối quý I/2016) nhưng tỷ lệ đầu tư cổ phiếu của VNR vẫn ở mức thấp và thu nhập đầu tư phụ thuộc vào mặt bằng lãi suất.

Trong nhiều năm, CPI ở mức thấp khiến cho mặt bằng lãi suất tiền gửi và lãi suất trái phiếu liên tục bị kéo xuống và hoạt động đầu tư của VNR bị ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, với sự đi lên của CPI và lạm phát trong năm 2016 với kỳ vọng ở mức 4% – 5%, lãi suất khả năng sẽ đi lên kể từ nửa sau năm 2016 và điều này sẽ đóng góp tích cực vào hoạt động đầu tư của VNR.

VNR hiện đang giao dịch ở mức giá 20.900đ/cổ phiếu vào phiên giao dịch sáng 4/7/2016. Mức P/B trung bình của các công ty đang kinh doanh trong ngành bảo hiểm tại Việt nam 1.385, mức P/B của các doanh nghiệp tái bảo hiểm trong khu vực là 1.11, trên cơ sở đó, định giá phù hợp theo phương pháp so sánh cho VNR là từ 22.600đ/cổ phiếu đến 28.000đ/cổ phiếu.

Với tiềm năng tăng trưởng mạnh của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cũng như sự chú ý của dòng vốn nước ngoài đối với ngành này, các doanh nghiệp bảo hiểm cỡ vừa như: PTI, PGI, BIC đều đang giao dịch ở mức P/b là 1.4x so với mức 1.18 của các doanh nghiệp khác trong khu vực, VNR xứng đáng được định giá ở mức cao của biên định giá trên và VNR trong trung hạn có thể đạt tới cận trên của vùng định giá là 27.000đ/cổ phiếu (sau khi đã trừ 1.000đ/cổ tức chưa chiết khấu vào giá trị sổ sách quý I/2016).

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo tamnhin.net)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.