Tự chủ bệnh viện: Chất lượng nâng lên nhưng lo ngại vấn đề lạm thu

Ngày 03/10, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập. Tham dự phiên giải trình có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành: Tài chính, Nội vụ, Kiểm toán Nhà nước, BHXH Việt Nam… và một số bệnh viện đang thực hiện cơ chế tự chủ.

Phát biểu tại Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, qua giám sát trực tiếp tại 10 tỉnh, thành phố; nghiên cứu báo cáo của 8 địa phương, báo cáo kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh; làm việc với một số bộ ngành Trung ương cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập đã ghi nhận một số kết quả tích cực như: 100% các bệnh viện công đã được giao tự chủ với mức tự chủ ngày càng cao; chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tiến bộ; người dân có cơ hội được tiếp cận với những dịch vụ kỹ thuật cao; nhiều bệnh viện khang trang, sạch sẽ. Các bệnh viện công lập cũng đã quản lý chặt chẽ nguồn thu – chi để có kinh phí hoạt động, tăng thu nhập cho cán bộ và trích lập các quỹ. Tuy nhiên, cơ chế tự chủ cũng nổi lên một số vấn đề như: Văn bản hướng dẫn liên quan chưa hoàn thiện; việc thực hiện cơ chế tự chủ còn khó khăn đối với tuyến cơ sở và bệnh viện chuyên khoa; các bệnh viện được giao tự chủ nhưng còn nhiều ràng buộc liên quan nên chưa được tự chủ thực chất; còn thiếu các cơ chế kiểm soát dẫn đến hiện tượng lạm dụng các dịch vụ y tế không cần thiết, làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, tăng gánh nặng cho người bệnh và dẫn đến bội chi quỹ BHYT…

Báo cáo giải trình về các nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: đến nay, 100% số bệnh viện, trung tâm y tế huyện đã được giao quyền tự chủ. Tính đến năm 2018, cả nước có 215 bệnh viện đã tự đảm bảo chi thường xuyên, 3 bệnh viện đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, chủ yếu là các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có điều kiện xã hội hóa như tim mạch, sản nhi, mắt, tai mũi họng, da liễu… Đối với các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý, đến năm 2018 đã có 26/45 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên.

Kết quả lớn nhất, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, các bệnh viện đã nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) rõ rệt. Cơ chế tự chủ đã giúp các cơ sở chủ động thuê các chuyên gia, bác sĩ nước ngoài đến từ Mỹ, Pháp, Nga… “Khảo sát cho thấy mức độ hài lòng người bệnh nội trú hơn là 80% đối với các bệnh viện tự chủ, đây là con số vượt cả mong đợi” – bà Tiến nói.

Giải trình nguyên nhân của tình trạng một số bệnh viện tự chủ lạm dụng chỉ định sử dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật cao để “móc túi” bệnh nhân của Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Cơ chế thị trường có hai mặt, trước hết là nó buộc các đơn vị tự chủ phải đầu tư trang thiết bị, giường bệnh, trả lương cao cho bác sĩ giỏi, nâng cao chất lượng các dịch vụ để thu hút người bệnh. Vì mục đích tăng thu nên có xảy ra tình trạng lạm thu, như chỉ định sử dụng thuốc, kỹ thuật ngoài danh mục BHYT chi trả, kéo dài thời gian nội trú… Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các bệnh viện, đồng thời hoàn thiện các tiêu chuẩn, danh mục trong KCB.

Trả lời vấn đề đảm bảo kinh phí BHYT cho cơ sở KCB cũng như vấn đề kiểm soát, phòng chống trục lợi quỹ KCB BHYT của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết: Cơ quan BHXH có trách nhiệm thực thi chính sách BHYT, quan điểm của BHXH Việt Nam ủng hộ vấn đề tự chủ không chỉ đối với bệnh viện tư nhân mà còn bệnh viện công lập. Cơ chế tự chủ tài chính của các bệnh viện mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, mặt trái của nó là khiến các bệnh viện gia tăng chỉ định sử dụng các dịch vụ KCB BHYT để tăng nguồn thu như: các chỉ định kéo dài ngày điều trị nội trú, tăng chỉ định các dịch vụ cận lâm sàng không phù hợp với tình trạng bệnh, chỉ định vào điều trị nội trú đối với các bệnh, nhóm bệnh không cần thiết… Bên cạnh đó, theo báo cáo của Bộ Y tế, tự chủ đã giảm được 11.000 tỉ chi lương cán bộ y tế từ nguồn Ngân sách nhà nước nhưng toàn bộ nguồn chi này chuyển sang giá dịch vụ y tế và phần lớn do quỹ BHYT chi trả – tạo nên sức ép không nhỏ cho quỹ BHYT trong khi nhiều năm qua, tổng thu về quỹ hằng năm thấp hơn số chi hằng năm. Để đảm bảo nguồn kinh phí KCB BHYT, BHXH Việt Nam đã chủ động lập dự toán, kế hoạch thu chi hằng năm và kế hoạch trung hạn 3 năm. Đồng thời, BHXH Việt Nam đề nghị các tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương để phân bổ kinh phí cho các cơ sở KCB.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn thông tin: “Hiện có hiện tượng thu gom bệnh nhân ở một số bệnh viện tư và bệnh viện công, đặc biệt khối y học cổ truyền, phục hồi chức năng; cũng có hiện tượng chia tách dịch vụ y tế. Trên Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam cũng phát hiện trường hợp cắt tử cung vẫn đẻ, mổ Phaco 3 mắt cho 1 bệnh nhân… Tuy nhiên, khi BHXH Việt Nam làm việc có yêu cầu giải trình thì bệnh viện chỉ nói nhầm (trường hợp cắt tử cung vẫn đẻ thì chị cho em mượn thẻ BHYT)… “

Trước thực trạng này, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn đề nghị, cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp BHXH có thêm chế tài hợp lý, giải quyết các vụ việc cụ thể. Bộ Y tế cần quy định định mức kinh tế kỹ thuật vật tư y tế bắt buộc thực hiện, vật tư có thể tiết kiệm, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, tránh gây thất thoát, lãng phí quỹ BHYT.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng được đề nghị chỉ đạo các cơ sở KCB cung ứng dịch vụ y tế hợp lý và có trách nhiệm giải trình khi để xảy ra vượt mức kinh phí được giao. Các bệnh viện cũng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH để gửi dữ liệu KCB lên Hệ thống thông tin giám định BHYT đúng thời gian và hồ sơ chính xác theo quy định./.

Theo baohiemxahoi.gov.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.