Từ 1/1/2015, tăng gấp đôi mức phạt DN không đóng bảo hiểm y tế

(ĐTCK) “Quỹ bảo hiểm y tế sẽ thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở”.

Đây là một trong những điểm mới của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung năm 2014 có hiệu lực từ 1/1/2015.

Ngoài ra, cũng theo luật này, cơ quan Bảo hiểm Xã hội sẽ chịu trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế cho người đang nghỉ thai sản. Không chỉ tăng quyền lợi cho người đang hưởng bảo hiểm y tế, luật mới cũng tăng mức phạt doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm y tế.

Cụ thể, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ, thì không những phải đóng đủ số tiền chưa đóng mà còn nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng (tăng gấp đôi so với trước đây). Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ bảo hiểm y tế.

Cũng có hiệu lực bắt đầu từ 1/1/2015 là Luật Việc làm. Những nội dung thay đổi đáng lưu ý liên quan đến người lao động và người sử dụng lao động kể từ đầu năm 2015, đó là người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoăc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, vì vậy người lao động cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 12 tháng. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiều vùng theo quy định của Luật Lao động…

Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, cùng với việc tiếp tục triển khai Luật Lao động, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu tổng kết đánh giá thực tiễn để sửa đổi sắc luật này cho phù hợp với hoạt động của DN cũng như sự phát triển của nền kinh tế. Bộ cũng đang nghiên cứu triển khai hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, xây dựng Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Tiền lương tối thiểu và Luật quan hệ lao động để hoàn thiện khung quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động.

“Chính phủ đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến doanh nghiệp và người dân. Riêng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội sẽ định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu, sẵn sàng gặp gỡ để lắng nghe cũng như tìm các biện pháp giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp liên quan đến những lĩnh vực Bộ phụ trách”, Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh tại buổi đối thoại với các doanh nghiệp do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) tổ chức mới đây tại TP. HCM. 

Lương tối thiểu tăng từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng

Kể từ ngày 1/1/2015, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng tùy theo từng vùng. Mức tăng cao nhất là vùng 1 gồm các quận huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ, thị xã Sơn Tây thuộc TP. Hà Nội. Các quận huyện Thủy Nguyên, An Dương, An Lão, Vĩnh Bảo thuộc TP. Hải Phòng; Các quận và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thuộc TP. HCM; TP. Biên Hòa và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom thuộc tỉnh Đồng Nai; TP. thủ Dầu Một, các thị xã Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên và các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên thuộc Bình Dương; TP. Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo tinnhanhchungkhoan.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.