Ngày 31/3/1014, Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến (BHXH Việt Nam) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) năm 2013 triển khai công tác KCB BHYT năm 2014. Tham dự Hội nghị có đại diện của một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, 22 bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn Hà Nội. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo của Trung tâm giám định BHYT và thanh toán đa tuyến, địa bàn thành phố Hà Nội tập trung hầu hết các cơ quan trung ương, 05 bệnh viện đa khoa có nhận thẻ đăng ký KCB ban đầu với tổng số khoảng 221.000 thẻ. Trong năm 2013 chi phí KCB BHYT tại 22 bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn thành phố Hà Nội chiếm khoảng 10% tổng chi phí KCB BHYT toàn quốc. Điểm đáng ghi nhận là mức gia tăng chi phí KCB trung bình tại các bệnh viện này vẫn ở mức trung bình so với toàn ngành.
Năm 2013, Trung tâm Giám định và Thanh toán đa tuyến đã phối hợp với 22 bệnh viện đảm bảo quyền lợi cho hơn 1,77 triệu lượt bệnh nhân khám và điều trị theo chế độ BHYT (tăng 14,1% so với năm trước), tổng chi phí tại các cơ sở y tế này là 5.068 tỷ đồng (tăng 18,8%). Thống kê cho thấy, mặc dù đã sử dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư 04, với chi phí dịch vụ kỹ thuật gia tăng khoảng 579 tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng chi phí KCB BHYT, trong số 22 bệnh viện này, chỉ có 2 bệnh viện có chi phí vượt trần với số tiền là 2,7 tỷ đồng (giảm 92% so với năm 2012)
Việc tổ chức hợp đồng KCB năm 2013 giữa Trung tâm với các bệnh viện đã thực hiện đúng quy định, có sự phối hợp khá chặt chẽ, đảm bảo thực hiện tốt công tác KCB cũng như cơ bản được đảm bảo quyền lợi về thụ hưởng các dịch vụ y tế, thuốc cũng như đảm bảo mức hưởng BHYT theo quy định cho bệnh nhân. Chế độ hồ sơ bệnh án được thực hiện tốt hơn, đặc biệt là các bệnh mãn tính, việc ghi chép các chỉ định thuốc, thủ thuật, cận lâm sàng đã có nhiều chấn chỉnh.
Các bệnh viện đã chú trọng tăng cường kiểm soát chi phí thuốc, đảm bảo chi phí tiết kiệm, hiệu quả. Chi phí thuốc bình quân năm 2013 là hơn 1,4tr đồng/lượt KCB (giảm 7,3% so với năm 2012). Việc chỉ định thuốc bổ trợ được cân nhắc hợp lý hơn, tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Nếu như năm 2012, chi phí thuốc bổ trợ là 105 tỷ đồng, chiếm 4,4% tổng chi phí thuốc, thì năm 2013, con số này giảm còn 75,4 tỷ đồng, chiếm 2,89% tổng chi thuốc. Đặc biệt, việc kê đơn, sử dụng các loại thuốc đắt tiền cũng đã được cân nhắc, sử dụng hạn chế hơn. Tổng chi phí thuốc ung thư năm 2013 là 671,9 tỷ đồng, chiếm 26,6% tổng chi thuốc. Việc chỉ định sử dụng thuốc hội chẩn dấu (*) đã được kiểm soát tốt hơn, với số chi là 486 tỷ đồng, chiếm 19,23% tổng chi thuốc. Tính đến ngày 31/12/2013, có 20/22 bệnh viện đã và đang tổ chức đấu thầu, cơ bản thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư 01.
Vẫn còn những tồn tại, hạn chế
Tuy nhiên, báo cáo của Trung tâm Giám định và thanh toán đa tuyến cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong công tác KCB BHYT tại các bệnh viện. Vẫn còn tình trạng một số bệnh viện thu tiền viện phí, chưa giải quyết chế độ BHYT ngay tại bệnh viện hoặc thu tiền chênh lệch đối với bệnh nhân khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến. Bệnh nhân cũng phải tạm ứng chi phí VTYT sử dụng trong kỹ thuật cao. Đối với những dịch vụ y tế bệnh viện trình phê duyệt thiếu, bệnh nhân không được hưởng chế độ BHYT mà phải nộp tiền với giá thanh toán cao hơn giá phê duyệt của các bệnh viện khác. Nộp tiền chênh lệch khi sử dụng các dịch vụ kỹ thuật từ máy móc trang bị nguồn vốn xã hội hoá. Bệnh nhân phải tự túc thuốc do không có thuốc trúng thầu, đấu thầu chậm tiến độ hoặc nhà cung cấp không cung ứng khi giá thuốc có biến động lớn.
Việc thực hiện hồ sơ bệnh án điều trị ngoại trú vẫn còn sai sót, phải chấn chỉnh hàng quý. Việc ghi nhận xét khám và điều trị còn thiếu hoặc sơ sài, thiếu chỉ định, lưu thiếu kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh… Giấy chuyển viện gốc thường lưu kèm chứng từ thanh toán lần khám ngọa trú đầu tiên mà không lưu trong hồ sơ bệnh án ngoại trú cũng khiến việc giám định, kiểm ra rà soát rất khó khăn, dễ xảy ra sai sót. Một số bệnh viện thực hiện chỉ định thuốc (*) ghi chép còn sơ sài, ghi tên chưa đầy đủ, chưa ghi rõ nguyên nhân phải sử dụng, gộp chung nhiều thuốc, nhiều đợt sử dụng trên cùng một phiếu hội chẩn. Việc lựa chọn, chỉ định thuốc điều trị ung thư sử dụng nhiều thuốc đích, có giá thành cao… Việc sử dụng vật tư tiêu hao thay thế, đặc biệt còn lựa chọn chủ yếu là chỉ định vật tư y tế loại đắt tiền (ví dụ stent mạch vành bọc thuốc chiếm 95% tổng số stent mạch vành).
Việc phối hợp giữa trung tâm với các cơ sở y tế trong thực hiện thông tư 01 về đấu thầu thuốc và thông tư 27 về quản lý vật tư y tế cũng cho thấy một số hạn chế: thành lập tổ đấu thầu không có thành viên của cơ quan BHXH; một số bệnh viện lựa chọn một số loại thuốc chưa phải là thuốc có giá đánh giá thấp nhất theo quy định, nhiều loại vật tư y tế chưa được bệnh viện xây dựng danh mục thống nhất thanh toán với cơ quan BHXH, bệnh nhân chưa được hưởng theo chế độ BHYT…
Trong 5 bệnh việc có đăng ký KCB ban đầu, có 4 bệnh viện có chi phí vượt quỹ KCB với tổng trên 94 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do áp dụng giá viện phí mới tại bệnh viện, cơ cấu thẻ đăng ký chưa hợp lý. Trong số 221.0000 thẻ đăng ký KCB ban đầu tại 5 bệnh viện đa khoa, có tới 50% là nhóm hưu trí, mất sức, người có công. Chi phí đa tuyến cũng tăng do tất các cả bệnh viện tuyến trung ương đã áp dụng giá viện phí mới, các bệnh viện có thẻ đăng ký ban đầu tăng cường quản lý, điều trị mãn tính (cao huyết áp, đái tháo đường…) ngay tại bệnh viện…
Tăng cường hiệu quả KCB BHYT
Các đại biểu tham gia Hội nghị đã thảo luận rất sôi nổi về công tác KCB năm 1013 cũng như có những đề xuất để triển khai công tác này năm 2014. PGS.TS Đoàn Hữu Nghị – Giám Đốc Bệnh viện E cho biết: Khắp nơi tìm cách lạm dụng việc KCB BHYT và rất khó quản lý. Đối tượng tham gia đăng ký ban đầu tại bệnh viện là nhóm 2 nhiều nên tần suất khám bệnh cao, khiến bệnh viện vượt quỹ. Một phần nữa là do các bệnh viện phát triển nhiều kỹ thuật cao như nội soi đường mũi, cộng hưởng từ thế hệ mới… là những nguy cơ lớn gây ra việc vượt quỹ. Ông Nghị cũng đề nghị: việc phân bổ đăng ký KCB ban đầu cũng nên tương đối thỏa đáng, đồng đều theo số giường đăng ký của mỗi bệnh viện..
Ông Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Giám đốc bệnh viện mắt trung ương cho biết, năm 2013, bệnh viện có số thanh toàn là 60 tỷ, thuộc nhóm bệnh viện có số chi thấp. Những năm gần đây giữa BHXH Việt Nam mà đại diện là Trung tâm Giám định và Thanh toán đa tuyến đã có sự phối hợp chặt chẽ, công việc có nhiều thuận lợi. Ông Hiệp phản ánh đối với một số dịch vụ trước đây là cao và phổ biến như phaco, giờ đưa vào hạng dịch vụ kỹ thuật cao, có những vật tư tiêu hao cũng có thể coi là thuốc, vướng mắc trong thanh toán, điều này làm bệnh viện khó giải thích với bệnh nhân. Ông Hiệp cũng đề xuất: xây dựng cơ chế trần KCB, khi bệnh viện tránh lạm dụng thuốc, thì trần hạ xuống, nhưng năm sau thì BHXH lại dựa vào trần năm trước để tính trần cho năm sau thì không phải là cách khuyến khích các bệnh viện sử dụng quỹ tiết kiệm, hiệu quả. Trên thực tế, điều trị nội trú vẫn vướng mắc, có những kỹ thuật tính theo giá mới nhưng vẫn bị “lỗ”, hiện mới thanh toán 3/7 yếu tố cấu thành giá.
Ông Quân – Phó giám đốc bệnh viện K: Đặc thù của bệnh viện K là mô hình khác với các bv khác. Bệnh nhân nội trú nhưng lại có các đợt ngoại trú xen kẽ do có các đợt truyền hóa chất, tiêm xạ nên thống kê chi phí KCB là rất khó. Ông Quân đề nghị, bệnh viện có 3 cơ sở, BHXH Việt Nam tăng cường giám định viên tại bệnh viện.
Một số ý kiến cho rằng đấu thầu thuốc theo thông tư 01 chủ yếu lựa chọn theo giá, chưa thể khẳng định được giữa chi phí và hiệu quả có tiết kiệm được hay không? Hai bên cần có đánh giá về nội dung này để có lựa chọn hợp lý. Hỗ trợ kinh phí để thống nhất phần mềm thanh toán chi phí BHYT, giảm phiền hà cho người bệnh. Việc lạm dụng Quỹ BHYT có từ nhiều phía, để hạn chế tình trạng này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh viện và BHYT…
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, cách tính trần, năm 2014, BHXH Việt Nam sẽ xây dựng trần ko thấp hơn 2013 để khuyến khích các bệnh viện. Sự phối hợp giữa BHXH Việt Nam và các bệnh viện trong những năm qua đã rất chặt chẽ và ngày càng tốt hơn. Phó Tổng Giám đốc mong rằng, trong thời gian tới, các bệnh viện tiếp tục nâng cao chất lượng KCB, thái độ phục vụ bệnh nhân và chia sẻ với ngành BHXH trong việc chống lạm dụng Quỹ BHYT, trong việc quản lý và chăm sóc sức khỏe nhân dân đồng thời không để xảy ra vượt trần chi phí KCB BHYT. Các bệnh viện chú trọng trong việc đề cao hiệu quả trong quản lý chi phí thuốc và quản lý cho phí dịch vụ kỹ thuật. Giảm chi phí thuốc nhưng không được giảm hiệu quả, chất lượng KCB nhằm nâng cao hiệu quả của Quỹ KCB BHYT, phục vụ nhân dân được tốt hơn.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phó Tổng Giám đốc bày tỏ: Luật BHYT sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 5 tới, mong các bệnh viện cùng tham gia vào quá trình sửa Luật, tuyên truyền, giải thích để nhân dân hiểu và cùng thực hiện tốt hơn./.
Đặng Huế
Bảo Hiểm Bảo Việt