Hà Nội là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn với hơn 18 triệu con gia cầm, gần 1,6 triệu con lợn và 200.000 con trâu, bò. Do chăn nuôi của Hà Nội phát triển nhỏ lẻ nên nếu dịch bệnh xảy ra, thiệt hại sẽ rất lớn, nhất là khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Triển khai bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) là giải pháp hữu hiệu giúp nông dân yên tâm sản xuất, tránh được rủi ro.
Nhiều hộ tham gia chương trình bảo hiểm nông nghiệp để tránh rủi ro.
Thành phố Hà Nội hiện đang triển khai BHNN tại 2 huyện Ba Vì và Chương Mỹ. Tính đến nay, có 2.912 hộ tham gia chương trình, trong đó có 800 hộ nghèo, 273 hộ cận nghèo. Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Bảo Việt Đông Đô, tính đến ngày 31-12-2013, đã phối hợp với Trạm Thú y Chương Mỹ, Ba Vì và UBND các xã bồi thường cho số lợn và bò sữa bị chết thuộc phạm vi BH với số tiền lên tới 3,6 tỷ đồng.
Theo chương trình thí điểm BHNN, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí BH cho hộ nông dân, cá nhân nghèo tham gia BHNN; hỗ trợ 80% phí BH cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo; hỗ trợ 60% phí BH cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo; tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BH được hỗ trợ 20% phí BH… Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, hiện địa phương có hơn 5.000 con bò, chiếm 2/3 bò sữa của toàn thành phố và số lượng bò thịt chiếm 30%. Chăn nuôi bò sữa tại Ba Vì vẫn mang tính nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên khó kiểm soát dịch bệnh. Ban đầu, nhiều hộ tham gia BHNN chỉ mang tính thăm dò do được hỗ trợ phí BH. Thực tế tại Ba Vì cho thấy, sau hơn một năm triển khai, nông dân khá tin tưởng vào chương trình BHNN. Thế nhưng, sau khi kết thúc thí điểm, nông dân tham gia BHNN sẽ được hỗ trợ thế nào, cần sớm có chính sách cụ thể để các địa phương tiếp tục triển khai chương trình. Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, địa phương có khoảng 15 trang trại nuôi lợn quy mô 500-2.000 con/ lứa, thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng các trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang bùng phát khiến người chăn nuôi khó khăn, nên việc triển khai BHNN là hết sức cần thiết.
Không chỉ riêng Hà Nội, 20 tỉnh, thành phố cùng triển khai thí điểm chương trình BHNN đều nhận thấy, triển khai BHNN rất cần thiết trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp nhiều rủi ro như hiện nay. BHNN giúp nông dân chủ động khắc phục và bù đắp những thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra, song, để nhân rộng chương trình, Ban Chỉ đạo BHNN trung ương cần sớm ban hành chính sách cũng như thông tư hướng dẫn, điều chỉnh một số chính sách chưa phù hợp như phí BH, bổ sung danh mục các loại dịch bệnh được bồi thường… Theo Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 1-3-2011, chương trình thí điểm BHNN sẽ được triển khai trong 3 năm và tổng kết vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, do hướng dẫn triển khai chậm, thực tế 21 tỉnh, thành phố tham gia thí điểm mới triển khai được hơn một năm trong đó Hà Nội mới triển khai từ tháng 8-2012. Đáng quan tâm là, thủ tục quy định cho BHNN rất phức tạp. Để được xác nhận bò chết, nông dân cần đến 5-6 chữ ký, trong đó có cả chữ ký của chủ tịch UBND xã mà không phải chủ tịch UBND xã nào cũng có trình độ thú y, nên việc xác định thiệt hại còn khó khăn. Đối với cây lúa, việc xác định thiệt hại do đoàn kiểm tra đánh giá, tính theo năng suất trung bình của xã. Nhiều xã rất rộng nên xác định theo cách này không chính xác…
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, để triển khai BHNN hiệu quả, cần làm tốt công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn trực tiếp đến cán bộ cơ sở và người chăn nuôi. Kịp thời giải quyết rủi ro khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, bởi việc giải quyết nhanh, kịp thời giúp cho người dân yên tâm khi tham gia bảo hiểm. Muốn bồi thường đúng cần có hướng dẫn cụ thể và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy trình canh tác, sản xuất, công bố xác định dịch bệnh.
Theo (Hanoimoi)
Bảo Hiểm Bảo Việt