Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) đang xúc tiến xây dựng đề án triển khai chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung (BHHTBS), để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ra quyết định thực hiện thí điểm từ tháng 1/2014.
Đòi hỏi bức thiết
Theo nghiên cứu của Bộ LĐTB&XH và Tổ chức Lao động quốc tế, do mất cân đối nghiêm trọng giữa thu và chi của hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, nên quỹ lương hưu BHXH dự kiến thâm hụt vào năm 2020 và đến năm 2033 sẽ hết nguồn chi trả cho người hưởng lương hưu. Do vậy, nếu không định hình giải pháp khắc phục tình trạng này, thì không chỉ tăng áp lực cho ngân sách Nhà nước, bởi ngân sách phải tăng chi liên tục từ năm 2008 tới nay (năm 2011 phải chi thêm xấp xỉ 3.900 tỷ đồng) do tăng lương hưu khi tiến hành tăng lương cơ bản, mà còn tác động tiêu cực đến hệ thống an sinh xã hội.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hệ thống BHXH Việt Nam là trụ cột thứ nhất trong các loại hình hưu trí. Trụ cột này là chế độ hưu trí bắt buộc, do Nhà nước quản lý, nhằm đảm bảo mức thu nhập tối thiểu cho người lao động (NLĐ) sau khi nghỉ hưu. Trong bối cảnh trụ cột thứ nhất này đang mất cân đối thu – chi, việc triển khai các trụ cột khác, nhất là trụ cột thứ ba (theo phân loại của WB) là chính sách BHHTBS là lựa chọn tất yếu để giảm tải cho trụ cột thứ nhất, tạo tiền đề cho cải thiện hệ thống an sinh xã hội. Kinh nghiệm này được áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…
Nghiên cứu của CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) cho thấy, xu hướng tại hầu hết các nước là thu nhập của người nghỉ hưu từ chính sách hưu trí cơ bản giảm dần, trong khi thu nhập từ BHHTBS tăng lên. Lương từ chính sách hưu trí cơ bản chiếm 60% tổng thu nhập của người nghỉ hưu ở Thái Lan, chiếm 20 – 25% ở Pháp và 58% ở Mỹ, còn thu nhập từ BHHTBS chiếm 20% tổng thu nhập của người nghỉ hưu ở Thái Lan, chiếm 55 – 60% ở Pháp và 30% ở Mỹ. Theo Bộ LĐTB&XH, có 80 nước đã triển khai chính sách BHHTBS. Trong khối APEC, chỉ còn Việt Nam là chưa triển khai chính sách này, nên đang ngày một gia tăng áp lực cho hệ thống hưu trí đơn tầng hiện tại.
Vì sự bức thiết trên, nên trong Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020, Bộ Chính trị có chủ trương triển khai thí điểm chính sách BHHTBS. Để cụ thể hóa chủ trương này và các quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012, Bộ LĐTB&XH đang chủ trì đề xuất khung pháp lý cho triển khai thí điểm BHHTBS.
Định hướng triển khai
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân, Bộ đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thí điểm BHHTBS, theo kế hoạch, cuối năm nay trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai từ tháng 1/2014.
Đối tượng tham gia BHHTBS là NLĐ và người sử dụng lao động đang thuộc diện tham gia chính sách hưu trí bắt buộc theo quy định của Luật BHXH. Trong đó, cho phép DN tự nguyện đóng góp thêm (ngoài phần BHXH bắt buộc) cho NLĐ nhằm đảm bảo cho họ khi hết tuổi lao động có một khoản thu nhập bổ sung (ngoài lương hưu do cơ quan BHXH chi trả).
Theo đề xuất của Bộ LĐTB&XH, mức đóng góp vào quỹ BHHTBS từ 5 – 22% tiền lương hàng tháng của NLĐ, do NLĐ và DN thỏa thuận, nhưng tổng mức đóng góp được tính vào chi phí kinh doanh của DN và không chịu thuế thu nhập cá nhân đối với NLĐ, tối đa không quá 5,06 triệu đồng/người/tháng (60,72 triệu đồng/người/năm). Trường hợp NLĐ từ 45 tuổi trở lên có thể đóng ở mức cao hơn, nhưng không quá 15% mức thu nhập thực tế hàng tháng. Mức đóng tối đa được điều chỉnh theo mức tiền lương cơ sở. NLĐ và DN có thể lựa chọn một trong các phương thức đóng theo tháng, quý hay năm. NLĐ được sở hữu số dư tài khoản hưu trí và được nhận chi trả từ tài khoản khi nghỉ hưu.
Bộ LĐTB&XH đề xuất triển khai BHHTBS theo mô hình mức đóng xác định trước. Nghĩa là, phần thu nhập mà người nghỉ hưu nhận từ BHHTBS cao hay thấp tùy thuộc vào mức họ đã đóng vào chương trình này trong thời gian làm việc. Đây là điểm khác biệt so với mô hình mức hưởng xác định trước của hệ thống hưu trí cơ bản hiện hành.
Khi tham gia BHHTBS, DN và NLĐ cùng đóng góp theo tỷ lệ thỏa thuận tại hợp đồng lao động. Tuy là chính sách hưu trí tự nguyện, nhưng khi thực hiện, DN, NLĐ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về mức đóng góp, thời gian tối thiểu để được hưởng quyền lợi, mức hưởng khi nghỉ việc giữa chừng…
Với mô hình hoạt động của chính sách BHHTBS đang được Bộ LĐTBXH đề xuất, việc triển khai chính sách này là khả thi, bởi các tổ chức cung cấp dịch vụ đã sẵn sàng. Qua khảo sát, Bộ LĐTBXH cũng nhận thấy sự quan tâm lớn từ các DN đối với chính sách BHHTBS, nhiều DN đang nóng lòng muốn sớm được thực hiện chính sách này.
Còn nữa…