Khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) được áp dụng rộng rãi từ nhiều năm qua. Nhưng đến nay chương trình này không có nhiều cải thiện, gây bức xúc cho người bệnh.
|
Khu khám bệnh của bệnh viện Nhi đồng 1 luôn trong tình trạng quá tải
Theo ghi nhận của phóng viên sáng 10-11, tại khu lấy số và khám bệnh của bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, nhiều người bệnh đang ngao ngán chờ đợi được gọi tên khám bệnh. Bệnh nhân Nguyễn Thị Hợp (ngụ tại quận 3) cho biết, đến bệnh viện từ lúc 7 giờ để lấy số thứ tự nhưng đến hơn 8 giờ 30 mới được bác sĩ “hỏi thăm” sức khỏe. Còn tại bệnh viện Đại học Y dược thành phố, khoảng 6 giờ đã chật cứng bệnh nhân chờ đợi. “Từ Trà Vinh lên thành phố tôi phải dật dờ ngồi đợi từ lúc 5h sáng. Gần 3 tiếng ngồi chờ khám và nhận kết quả mọi chuyện mới tạm gọi là xong”, ông Ngô Văn Kế cho hay. Ông Kế phân trần, thực ra khâu khám bệnh chỉ khoảng 5 – 7 phút, chờ đợi lâu là khâu xếp hàng. Hầu hết người bệnh than thở, cực chẳng đã mới khám BHYT, nếu có tiền thì vào phòng khám tự nguyện cho nhanh. Không riêng gì bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, ĐH Y Dược mà nhiều bệnh viện khác trên địa bàn TP. HCM như Nguyễn Tri Phương, Chợ Rẫy, Ung Bướu, Gia Định, Chấn thương chỉnh hình… người dân khám bệnh BHYT luôn phải xếp hàng dài và mỏi mòn chờ đợi.
Khám chữa bệnh BHYT là nỗi ám ảnh của người bệnh với hàng loạt sự yếu kém về quy trình thủ tục. Mặc dù, vài năm trở lại đây ngành y liên tục cải cách nhưng điệp khúc chờ lâu, khám qua loa vẫn duy trì tại các bệnh viện. Ông Lê Thanh Chiến, Giám đốc bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương cho biết, qua khảo sát thời gian chờ đợi trung bình của người bệnh khám lâm sàng đơn thuần tại bệnh viện mất 1 giờ 4 phút, khám lâm sàng có làm thêm một số kỹ thuật xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh phải mất hơn 2 giờ và thời gian chờ đợi trung bình của người bệnh khám lâm sàng có làm thêm 2 kỹ thuật phối hợp cả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh hoặc xét nghiệm và thăm dò chức năng (xét nghiệm cơ bản, chụp xquang thường quy, siêu âm) phải mất khoảng 3 giờ. Thủ tục thanh toán còn rườm rà, bệnh nhân phải ký vào giấy thu phí và đơn thuốc. Điều này gây phiền hà và tăng thời gian chờ đợi của bệnh nhân trong khi bệnh nhân khám BHYT chiếm 50%”, bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Trưởng khoa khám bệnh bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương cho biết. Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 4.000 bệnh nhân, trong khi đó bệnh viện chỉ có 55 phòng khám với 93 bàn khám nên chậm đáp ứng nhu cầu. Chính vì vậy mà trung bình mỗi bệnh nhân đến khám vẫn phải chờ hơn 3,5 giờ. Đó chỉ là riêng khâu khám bệnh ban đầu, chưa tính đến các khâu khác như siêu âm, xét nghiệm…
Trong cuộc khảo sát về quy trình khám chữa bệnh BHYT tại TP. HCM mới đây, ông Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế khẳng định, nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao nhưng cơ sở hạ tầng không đáp ứng được, vì vậy thời gian khám bệnh của người dân thường kéo dài từ 3 – 4 tiếng.
Để hiểu rõ chất lượng khám bệnh Sở Y tế TP. HCM đã khảo sát về sự hài lòng của người bệnh ở 23 bệnh viện tuyến quận – huyện trên địa bàn thành phố, kết quả cho mức độ hài lòng của bệnh nhân ngoại trú chỉ ở mức trung bình, bệnh nhân nội trú đạt ngưỡng khá. Nói về điều này, bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc BHXH TP. HCM cho biết, mấu chốt cần giải quyết hiện nay chính là cần đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực ở các bệnh viện tuyến dưới, tránh trường hợp có quá nhiều bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh BHYT ở một vài bệnh viện
|
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo daidoanket.vn)