“Cơ hội tìm việc đang rất rộng mở với một số ngành không cần bằng cấp cao”, theo thống kê của trang tuyển dụng trực tuyến timviecnhanh.com 5 tháng đầu năm 2014.
Bán hàng: Cơ hội rộng mở cho người tìm việc
Bán hàng là công việc có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất với 13.068 tin trong 5 tháng đầu năm 2014 và 20.512 tin tuyển dụng trong năm 2013. Hầu như doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực đều đặc biệt khát nhân viên bán hàng, vì đây là bộ phận chính yếu mang lại lợi nhuận cho công ty, tuy yêu cầu tuyển dụng đơn giản nhưng để đáp ứng được doanh thu cho đơn vị không hề dễ. Thế nhưng cũng giống như tư vấn bảo hiểm, vị trí bán hàng cũng được coi là không ổn định và không được người lao động “ưu ái” dù tỷ lệ thất nghiệp đang khá cao.
Trong phỏng vấn với báo Doanh nhân Sài Gòn, bà Đào Chân Phương – Tổng giám đốc Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính (BTCI) – cũng chia sẻ nỗi chật vật của các ngân hàng về mảng nhân sự này. “Ngay những vị trí yêu cầu thấp như sales cũng không dễ tuyển. Lấy ví dụ không xa, ngay 3 ngân hàng thuộc top 5 có hợp tác với BTCI để tuyển dụng cũng chưa tìm được đủ người. Có những ngân hàng còn hạ tiêu chuẩn, chỉ cần “tốt nghiệp cao đẳng, có hiểu biết về tài chính ngân hàng là một lợi thế” mà vẫn không tuyển nổi”, bà cho biết.
Tư vấn bảo hiểm: Trên 10.000 việc đang chờ người
Có tới 11.836 lượt đăng tuyển mảng tư vấn bảo hiểm, chiếm 10.3% tổng số tin tuyển dụng. Trong khi đó chỉ có 325 hồ sơ ứng tuyển trong ngành này, đứng thứ 46/56 về số lượng hồ sơ tại Timviecnhanh.
Sự lệch pha này có thể do e ngại của người lao động về sự ổn định về công việc và thu nhập. Lê Hương Mai (SN 1991) cho biết đã tốt nghiệp ĐH gần 1 năm, nhưng vẫn chưa tìm được công việc ưng ý. Mai định hướng vào công việc hành chính – văn phòng, nhưng những lời mời tuyển dụng chủ yếu là vị trí tư vấn bảo hiểm. “Mình từ chối hết, vì tư vấn bảo hiểm thì ai chẳng được nhận, nhưng hầu như ít có lương cứng mà bán bao nhiêu được bấy nhiêu. Công việc và thu nhập không ổn định, nếu nói với gia đình ở quê là con đi bán bảo hiểm thì chắc gia đình sẽ không chấp nhận…” – Mai chia sẻ.
Mảng báo chí/Biên tập viên: Khát nhân sự
Công việc mảng báo chí/biên tập viên rất đa dạng và thu hút, gồm biên tập sản phẩm truyền hình, biên tập tạp chí, website, cộng tác viên dịch và viết bài hay thậm chí kinh doanh quảng cáo… với mức lương không quá cao, phổ biến từ 5-8 triệu. Lượng tin tuyển dụng tới 6129 đưa mảng báo chí/biên tập viên lên vị trí thứ 3 về lượng tin tuyển dụng, nhưng ngành này đặc biệt “khát” nhân sự với chỉ 407 hồ sơ, xếp thứ 44 trên 56 ngành về lượng hồ sơ ứng tuyển.
Nhu cầu tìm việc của sinh viên mới ra trường rất lớn. |
“Phá băng”, Bất động sản vào top 4
Cũng không xuất hiện trong Top 10 năm 2013, việc ngành bất động sản trên đà “phá băng” trong những tháng đầu năm 2014 khiến nhu cầu nhân lực ngành này tăng cao với vị trí thứ 4. Công việc ngành BĐS hầu hết là vị trí kinh doanh, marketing online và tư vấn BĐS. nhưng có mức lương khá cao, trung bình từ 8-15 triệu kèm hoa hồng hấp dẫn. Mặc dù vậy, 5 tháng đầu năm 2014 chỉ có 803 hồ sơ ứng tuyển so với 4825 lượt đăng tuyển ngành BĐS. Có rất nhiều cơ hội ngành này nếu bạn là người năng động, tự tin và ưa thử thách.
Biên dịch/Phiên dịch, cầu tăng đột biến
Đứng thứ 5 là các công việc biên dịch/phiên dịch, trong khi năm 2013 ngành này chưa hề vào top tuyển dụng. Cơ hội nghề nghiệp đa dạng, mức lương có thể tới trên 30 triệu với các ngôn ngữ chính Anh, Nhật, Hoa, Đức… nhưng số lượng hồ sơ ứng tuyển biên/phiên dịch 5 tháng đầu năm 2014 chỉ là 716 so với 4602 tin tuyển dụng. Với việc Việt Nam chuẩn bị tham gia TPP, dự đoán nhu cầu nhân sự có ngoại ngữ sẽ còn tăng mạnh.
Bưu chính viễn thông “nóng”
Ngành Bưu chính viễn thông với các công việc đa dạng từ đánh máy văn bản tại nhà đến kỹ sư, trưởng phòng hệ thống mạng, hạ tầng viễn thông… đứng ở vị trí thứ 6, nguồn cung nhân sự chỉ đáp ứng được 26.32%. Mức lương trải rộng từ 3-4 triệu tới trên 30 triệu, từ nhiều doanh nghiệp nổi tiếng như Vietel, FPT… hay các doanh nghiệp tại nước ngoài.
Cơ khí/Kĩ thuật ứng dụng tăng nhẹ cầu, giảm mạnh cung
Cơ khí/ kỹ thuật ứng dụng đã thăng hạng từ thứ 9 năm 2013 lên thứ 7 về số tin tuyển dụng. Nếu năm 2013 có đến 6.008 hồ sơ ứng tuyển trên 5.543 tin đăng tuyển, thì 5 tháng đầu năm 2014 mới chỉ có 2.530 hồ sơ trên 4.145 tin tuyển dụng. Phải nhấn mạnh rằng đây là ngành nghề kĩ thuật nhưng không yêu cầu đào tạo chuyên sâu, chủ yếu chỉ yêu cầu trình độ trung cấp. Có rất nhiều vị trí dành cho công nhân kỹ thuật như thợ điều hòa, thợ điện nước, thi công, nhân viên bảo trì tòa nhà, điện công nghiệp… với mức lương phổ biến từ 5-8 triệu.
Công nghệ thông tin sắp bão hòa nhân lực
Dù không còn là một ngành quá hot như vài năm trước nhưng CNTT vẫn đang thuộc hàng top với 3.5% số tin tuyển dụng đầu năm 2014, so với 4.1% của năm 2013 thì CNTT đã sụt từ thứ 5 xuống vị trí thứ 8. Tỉ lệ cung/cầu đang ở mức 69.6%. Riêng mobile app developer vẫn đang ngày càng được săn đón nhờ sự phát triển các dòng sản phẩm smartphone của hầu hết các hãng điện thoại. Không chỉ các doanh nghiệp chuyên về công nghệ, mà hầu như mọi lĩnh vực đều cần đến nhân sự CNTT với cơ hội ngành nghề rất đa dạng.
Dầu khí/ Địa chất: thiếu 90% nhân lực
Gần tương đương với Dệt may về số tin tuyển dụng là ngành Dầu khí/ Địa chất với vị trí thứ 9. Ngành này thậm chí “khát” nhân sự hơn nhiều với chỉ 330 hồ sơ trong 5 tháng đầu năm 2014, đáp ứng dược 10.06% nhu cầu nhân lực. Các công việc trong ngành Dầu khí/ Địa chất gồm thợ khoan, trắc địa, kỹ sư, giám sát… với mức lương phổ biến từ 5-8 triệu cho trình độ Trung cấp, Cao đẳng và từ 8-15 triệu cho trình độ Đại học, thậm chí nhiều cơ hội tuyển dụng không yêu cầu kinh nghiệm hoặc bằng cấp với mức lương từ 3-4 triệu tới 8 triệu.
Dệt may: Tuyển nhiều, ứng viên ít
Chỉ trong 5 tháng, đã có 3.276 tin tuyển dụng ngành dệt may, chiếm 2.8% trong tổng số 115.256 tin đăng tuyển. Trong khi đó, chỉ có 680 hồ sơ ứng tuyển, đứng thứ 37/56 ngành về số lượng hồ sơ. Các cơ hội công việc trong ngành này khá đa dạng, từ công nhân may, rập đến thiết kế quy trình công nghệ, quản đốc, thiết kế thời trang và chuyên viên kế hoạch.
Theo dự báo của ManpowerGroup (Tập đoàn Đào tạo và cung cấp lực lượng lao động), trong khoảng 2 hoặc 3 năm tới, đầu tư của các doanh nghiệp FDI sản xuất sẽ chuyển đổi từ Trung Quốc sang VN, khiến nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh đối với tất cả các nhóm kỹ năng lao động tại các nhà máy sản xuất, từ công nhân có tay nghề thấp tới quản lý cấp trung. “Điều này có nghĩa là nhu cầu tuyển dụng lao động lành nghề, bao gồm kỹ thuật viên và kỹ sư, trong khu vực FDI sẽ tăng đều trong những năm tới”, Giám đốc điều hành ManpowerGroup tại Thái Lan, Việt Nam và Trung Đông, Simon Matthews, nhận xét.
Bảo Hiểm Bảo Việt