Sự thay đổi này dựa trên việc cân nhắc giữa lợi thế của hưởng lương hưu hằng tháng với hưởng trợ cấp một lần. Hưởng BHXH một lần có thể giúp NLĐ giải quyết được nhu cầu trước mắt, nhưng về lâu dài, đến tuổi nghỉ hưu thì tiền lương hưu hằng tháng mới có thể giúp họ ổn định cuộc sống, hưởng thêm nhiều lợi ích như có BHYT, ốm đau, bệnh tật… Sự thay đổi này là có lợi, nhưng nhiều NLĐ vẫn còn băn khoăn.
Trợ cấp bảo hiểm sau nghỉ việc với người lao động là rất cần thiết để ổn định cuộc sống. Ảnh: Nhật Nam |
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH (cơ quan chủ trì xây dựng Luật BHXH năm 2014) Doãn Mậu Diệp cho rằng, phương án nhận lương hưu hằng tháng tốt hơn rất nhiều so với nhận trợ cấp BHXH một lần. Việc này giúp NLĐ ổn định đời sống khi về già. Luật mới thu hẹp diện hưởng trợ cấp BHXH một lần nhằm khuyến khích NLĐ tích lũy thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu sau này. Không những thế, NLĐ nghỉ việc khi chưa tới tuổi nghỉ hưu được nhận trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm… Nếu chẳng may qua đời, họ được hưởng trợ cấp mai táng phí ít nhất bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm người đó mất (Điều 66). Nếu đóng đủ 15 năm trở lên mà chưa hưởng BHXH một lần, thân nhân NLĐ được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng (Điều 67). Nếu chưa đủ 15 năm đóng, thân nhân được nhận trợ cấp tuất một lần bằng mức trợ cấp BHXH một lần (Điều 69)…
Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các thành viên Chính phủ cho ý kiến, xem xét và nhận định rằng, kiến nghị của công nhân là có cơ sở. Chính phủ sẽ đề xuất ý kiến này với Quốc hội trong thời gian gần nhất, điều chỉnh phù hợp để NLĐ được lựa chọn, trợ cấp một lần khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tích lũy vào sổ lao động, tiếp tục đóng bảo hiểm để hưởng chính sách hưu trí theo Luật Lao động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ. |
Tuy vậy, không ít NLĐ còn băn khoăn. Anh Trần Văn Phú (Công ty TNHH Sumitomo Heavy Industry, KCN Bắc Thăng Long) từng hưởng trợ cấp BHXH một lần khi nghỉ việc. Anh hiểu rất rõ, hưởng trợ cấp một lần thì NLĐ thiệt thòi hơn rất nhiều so với tích lũy thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu. Nhưng trên thực tế, rất nhiều người không thể chờ đợi đến tuổi nghỉ hưu, họ phải mưu sinh để nuôi sống gia đình, chữa bệnh cho người thân, đầu tư cho con cái học nghề, học đại học… Những nhu cầu trước mắt này khiến họ phải lựa chọn việc hưởng trợ cấp một lần (được nhận tiền trợ cấp sau khi chấm dứt hợp đồng lao động) để giải quyết khó khăn. Vì thế, luật nên quy định linh hoạt, cho phép NLĐ được lựa chọn một trong hai phương án, hưởng lương hưu hằng tháng hoặc hưởng trợ cấp một lần. Đây cũng là cách hỗ trợ NLĐ bảo đảm cuộc sống.
Về băn khoăn này, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết, trước đó vào tháng 11-2013, Tổng Liên đoàn đã gửi văn bản đến Ban soạn thảo Luật BHXH, góp ý cần bổ sung, sửa đổi một số điều khoản, trong đó có nội dung quan trọng nhất là hưởng BHXH một lần. Nhưng ý kiến của Tổng Liên đoàn chỉ là một trong số nhiều ý kiến góp ý cho Ban soạn thảo luật. Ban soạn thảo đã lựa chọn phương án bảo lưu tiền BHXH và khuyến khích NLĐ tham gia BHXH cho đến tuổi hưu nhằm xây dựng một chính sách xã hội tốt hơn cho NLĐ, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài. Luật đã được đa số NLĐ đồng tình, nhưng Điều 60 lại chưa nhận được sự ủng hộ của đa số công nhân ngành dệt may, da giày – những người không thể tiếp tục làm nghề qua tuổi 40…
Tại Hà Nội, LĐLĐ TP Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về Luật BHXH năm 2014, giải thích, động viên, giúp công nhân trong các khu công nghiệp và khu chế xuất yên tâm làm việc. Nhờ vậy, tình hình sản xuất – kinh doanh tại các cơ sở, doanh nghiệp trên toàn thành phố được bảo đảm. Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Ngô Văn Tuyến cho rằng, nội dung Điều 60 Luật BHXH năm 2014 cần được thay đổi nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Tiền BHXH là tiền để dành của người công nhân, họ phải có quyền quyết định, lựa chọn. 80% công nhân xuất thân từ nông thôn. Trong tình hình việc làm không ổn định hiện nay, nhiều công nhân lương thấp, không bảo đảm cuộc sống của bản thân và gia đình, công nhân làm việc một vài năm rồi nghỉ là chuyện xảy ra thường xuyên; nhất là trong các ngành dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản, xây dựng dân dụng…, công nhân khó có thể trụ lâu với công việc để chờ đến tuổi về hưu. Họ rất mong được nhận khoản trợ cấp một lần khi nghỉ việc để mưu sinh cho bản thân, gia đình ở quê. Và chỉ những người có khó khăn mới cần được trợ cấp một lần. Để hỗ trợ họ, Nhà nước nên giải quyết khoản trợ cấp một lần ngay khi nghỉ việc, không nên kéo dài một năm như hiện nay…