Tội phạm chứng khoán, bảo hiểm sẽ bị xử lý hình sự?

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nhân dân, sẽ bổ sung quy định tội phạm hóa các hành vi nguy hiểm cho xã hội phát sinh trong các lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm xã hội.

Làm giả hồ sơ, tài liệu để chào bán, niêm yết chứng khoán có thể bị xử lý hình sự. Ảnh Internet.

Xử lý hình sự nếu gian lận bảo hiểm

Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) thể hiện tinh thần Hiến pháp 2013 về bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh theo pháp luật, quyền tự do kinh doanh của cá nhân, tổ chức.

Theo đó, dự thảo Bộ Luật phi tội phạm hóa đối với một số hành vi không còn phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế mới như: Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế, tội quảng cáo gian dối. Cụ thể hóa các hành vi của tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thành các tội phạm trong các lĩnh vực quản lý kinh tế – xã hội với dấu hiệu cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế như: Quản lý đất đai, tài chính, thuế, ngân hàng, bảo hiểm…

Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) tội phạm hóa các hành vi nguy hiểm cho xã hội phát sinh trong các lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm xã hội như: làm giả hồ sơ, tài liệu để chào bán, niêm yết chứng khoán; trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm; gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, gian lận bảo hiểm y tế…

Bổ sung nhiều quy định liên quan đến tội phạm tham nhũng

Liên quan đến nội dung sửa đổi các tội phạm về tham nhũng, Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), bổ sung các quy định về tội phạm tham nhũng trên cơ sở quán triệt chủ trương khắc phục những bất cập trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, cũng như bảo đảm thực thi các nghĩa vụ cam kết theo Công ước chống tham nhũng.

Trong đó, nội dung sửa đổi sẽ mở rộng tội phạm về chức vụ bao gồm trong cả khu vực tư nhân. Bộ Luật Hình sự 1999 chỉ quy định các tội phạm tham nhũng trong khu vực công, tuy nhiên, do tính chất nghiêm rọng và mức độ ảnh hưởng ngày càng lan rộng của các hành vi tương tự tham nhũng trong khu vực tư, là hệ quả việc tư nhân hóa mạnh mẽ các hoạt động trước đây vốn thuộc chức năng công như: giáo dục, y tế, phúc lợi, xã hội, thì theo cơ quan soạn thảo, việc quy định các chế tài hình sự nghiêm khắc để xử lý các hành vi vi phạm phù hợp với bản chất, tính chất của loại vi phạm này là cần thiết.

Do đó dự thảo Bộ Luật đã điều chỉnh khái niệm tội phạm về chức vụ theo hướng điều chỉnh cả tội phạm chức vụ trong khu vực tư (ngoài Nhà nước) và khoanh vào 4 tội cụ thể là: Tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ; tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ.

Bên cạnh đó, dự thảo Bộ Luật cũng bổ sung quy định hành vi đưa hối lộ công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công. Bộ Luật Hình sự năm 1999 chưa có quy định về hành vi phạm tội hối lộ công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các quốc gia khác nhau trên thế giới, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta thông qua các hoạt động hợp tác, hỗ trợ, viện trợ, tài trợ… của các tổ chức này.

Theo cơ quan soạn thảo, việc một người vì vụ lợi mà đưa hối lộ công chức nước ngoài hay các tổ chức quốc tế công để dành những ưu thế trong các hoạt động nêu trên cũng đã xảy ra trong thực tiễn. Vì vậy, để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, sự công bằng trong xã hội và giữ gìn quan hệ với các nước việc bổ sung hành vi đưa hối lộ công chức nước ngoài hay công chức của tổ chức quốc tế công là cần thiết. Quy định này cũng nhằm đảm bảo thực thi các nghĩa vụ theo Công ước chống tham nhũng mà ta là thành viên.

Dự thảo Bộ Luật cũng quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội nhận hối lộ và đưa hối lộ. Thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy, đã xuất hiện nhiều hành vi của đại diện công ty, DN vì muốn giành được các lợi thế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đấu thầu trong công ty, DN của mình mà thực hiện một số hành vi như đưa hối lộ người có chức vụ, quyền hạn…

Tuy nhiên, theo Bộ Luật Hình sự hiện hành, không thể xử lý hình sự các loại hành vi này của công ty, DN. Vì vậy, cùng với việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Hình sự lần này cần có cơ chế xử lý đối với các pháp nhân thực hiện các hành vi liên quan đến tham nhũng.

Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) đang được lấy ý kiến của nhân dân trong thời hạn từ 17-7 đến 14-9 -2015.

Tội tham ô nhưng đã khắc phục hậu quả sẽ không bị tử hình

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định việc không áp dụng thời hiệu đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; Bổ sung quy định về không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội phạm tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ nhưng đã nỗ lực khắc phục cơ bản hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, hợp tác tích cực trong việc phát hiện tội phạm hoặc có sự lập công lớn.

Người được áp dụng quy định này vẫn phải chịu án tù chung thân. Việc bổ sung quy định này nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tăng cường tính hướng thiện trong xử lý người phạm tội, thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, nhằm tạo cho người bị kết án tử hình cơ hội cuối cùng được sống và giúp cơ quan chức năng thu hồi lại được các tài sản bị chiếm đoạt, bị thất thoát, lãng phí là vấn đề nhức nhối hiện nay.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo baohaiquan.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.