Tội cho tội… trốn đóng bảo hiểm

Đúng vào dịp Chính phủ đang thể hiện quyết tâm đề cao quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp và chống việc hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, thì một loạt quy định đi ngược lại những điều này của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tội “phạt” kinh doanh

Bộ luật Hình sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 (song đã được Quốc hội ra nghị quyết lùi thời hạn áp dụng) đã bỏ được một số tội về kinh doanh như “Tội kinh doanh trái phép”; “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế”;… nhưng đồng thời vẫn duy trì và lại còn quy định thêm nhiều tội tương tự khác.

Bộ luật đã giữ lại một số tội cũ không thật sự cần thiết, không phù hợp với quyền tự do kinh doanh đã được hiến định, như tội “sa thải người lao động trái pháp luật” (điều 162); “Tội đầu cơ” (điều 196); “Tội lập quỹ trái phép” (điều 205)…

Đặc biệt, bộ luật đã quy định về trách nhiệm hình sự trong 31 tội đối với công ty, đồng thời đã thêm một số tội mới, trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với đa số doanh nghiệp, doanh nhân nói chung và người khởi nghiệp nói riêng. Điển hình là ba tội sau: “Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động” (điều 216); “Tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” (điều 221); “Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông” (điều 292).

Có thể coi đó là ba nhóm tội điển hình về kinh doanh. Thứ nhất, kinh doanh mà kẹt tiền, thua lỗ, nợ nần bảo hiểm. Tội này có thể bị phạt đến bảy năm tù. Thứ hai, kinh doanh mà chưa thành thạo hoặc buộc phải đối phó bằng cách ghi chép, hạch toán sai (như để ngoài sổ kế toán tài sản liên quan đến doanh nghiệp; hủy bỏ tài liệu kế toán trước thời hạn lưu trữ; lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên nhằm bỏ ngoài sổ kế toán tài sản, nguồn vốn, kinh phí của doanh nghiệp…). Tội này có thể bị phạt đến 20 năm tù và tịch thu toàn bộ gia sản. Thứ ba, kinh doanh mà chưa có giấy phép. Tội này có thể bị phạt đến năm năm tù và tịch thu toàn bộ gia sản.

Trốn đóng bảo hiểm bị gì?

Từ ngày 1-7-2016 doanh nghiệp phải đóng 22% trên tổng quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, gồm bốn loại bảo hiểm theo quy định của bốn đạo luật dưới đây:

Trước ngày 1-7-2016, nếu doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm; đóng không đúng mức quy định; đóng không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm bắt buộc thì chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22-8-2013 (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7-10-2015). Đồng thời, doanh nghiệp phải đóng đủ số tiền còn thiếu và bị phạt tiền, cộng với phạt lãi suất chậm đóng.

Nhưng từ tháng 7-2016 trở đi, nếu “Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên”, với số tiền không đóng từ 50 triệu đồng hoặc không đóng cho từ 10 người trở lên, thì sẽ bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến bảy năm. Đồng thời, pháp nhân công ty trốn đóng bảo hiểm cũng bị phạt từ 200 triệu đến 3 tỉ đồng. Đó là nội dung chính trong điều 216 về “Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động” của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tình ngay, lý gian của doanh nghiệp

Việc đóng các loại bảo hiểm là một yêu cầu đặc biệt quan trọng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động cũng như bảo đảm cho hệ thống an sinh xã hội. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận công bằng, hợp lý, thực tế và nhân văn hơn đối với người sử dụng lao động là doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, có đủ tiền nhưng cố tình trốn đóng bảo hiểm, thì bị xử lý hình sự là không oan. Nhưng, sẽ là một nguy cơ quá lớn đối với khá nhiều doanh nghiệp, khi mà họ gặp khó khăn đến mức thường xuyên buộc phải nợ tiền lương, một trong những khoản tưởng chừng như không thể nợ, luôn phải ưu tiên thanh toán đầu tiên (kể cả khi tiến hành phá sản).

Việc đóng các loại bảo hiểm là một yêu cầu đặc biệt quan trọng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động cũng như bảo đảm cho hệ thống an sinh xã hội. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận công bằng, hợp lý, thực tế và nhân văn hơn đối với người sử dụng lao động là
doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, từ ngày 1-1-2016 đến ngày 31-12-2017, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động. Từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động. Như vậy, mức đóng bốn loại bảo hiểm của doanh nghiệp cho người lao động là rất cao và cao hơn nhiều so với mức đóng của Nhà nước.

Ngay Nhà nước, là một chủ sử dụng lao động lớn nhất, vững mạnh nhất, nhưng cũng chỉ trả lương cho người lao động là cán bộ, công chức với mức tối thiểu là 1.210.000 đồng/tháng, trong khi buộc doanh nghiệp phải trả cho người lao động với mức tối thiểu từ 2.400.000-3.500.000 đồng/tháng.

Vì vậy, điều luật trên rất dễ dẫn đến “oan sai” cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, cực chẳng đã với giải pháp tiết giảm và trì hoãn việc đóng bảo hiểm. Trong khi, nhiều trường hợp doanh nghiệp buộc phải ưu tiên trả nợ khác trước, do để chậm thì phải chịu mức lãi, mức phạt rất cao, rủi ro rất lớn… như không trả nợ vay ngân hàng, thì dẫn đến nguy cơ phá sản do không vay được vốn. Nếu hình sự hóa tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, thì hành vi trốn trả tiền lương, trả dưới mức lương tối thiểu, trả chậm lương còn đáng bị kết tội hơn.

Việc phạt tiền đối với tội này cũng dễ gây ra sự bất hợp lý trong nhiều trường hợp. Doanh nghiệp đã không có tiền, lại còn bị phạt với số tiền lớn như trên, thì lại càng không có tiền để đóng bảo hiểm cho người lao động. Và sự thiệt thòi cuối cùng lại rơi vào chính người lao động.

Mặc dù bộ luật đã quy định, chỉ khi có sự “gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ” thì mới phạm tội trốn đóng bảo hiểm, tức là nếu không đóng chỉ vì không có tiền, thì không phạm tội. Vậy, nếu “trốn” đóng 50% số tiền đang phải đóng bảo hiểm, bằng những cách hợp pháp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội như, trước kia trả lương 10 triệu, nay chỉ trả năm triệu, còn lại trả thưởng hay chuyển sang một công ty thứ hai để trả lương, thì có phạm tội không?

Vì vậy, giới doanh nhân vẫn sẽ vô cùng quan ngại khi nhìn vào thực trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự trong suốt nhiều năm qua. Đặc biệt, khi đã bí bách, không đóng được bảo hiểm, thì rất dễ rơi vào chỗ “tình ngay, lý gian” rất dễ vô tội thành có tội.

(*) Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo thesaigontimes.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.