Toạ đàm trực tuyến: Đảm bảo an toàn Quỹ BHXH, vì quyền lợi người lao động

Sáng ngày 28/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “BHXH-An toàn Quỹ vì người lao động”. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cùng lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc tham dự.
Nợ đọng BHXH, BHYT ngày càng đáng lo ngại

 

Tình hình nợ đọng BHXH, BHYT và những giải pháp tháo gỡ, đó là hai vấn đề được trao đổi nhiều trong buổi toạ đàm. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh: Tính đến hết tháng 3/2014, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN lên đến trên 11 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt có nhiều đơn vị nợ đọng trong thời gian dài. Nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp chiếm dụng tiền BHXH, thực hiện trích trừ tiền BHXH, BHYT của người lao động nhưng không nộp vào Quỹ BHXH…Con số trên 11.000 tỷ đồng cho thấy rõ tình hình nợ đọng BHXH, BHYT đang diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Trưởng ban Thu Trần Đình Liệu cung cấp con số cụ thể hơn: hiện có khoảng 500.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, nhưng thực tế có khoảng trên 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động và chỉ có 150.000 doanh nghiệp tham gia BHXH, như vậy có đến 50% doanh nghiệp không tham gia BHXH. Theo thống kê của Ngành LĐ-TB&XH, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là khoảng 16 triệu người, trong khi đó đối tượng đang tham gia BHXH là gần 11 triệu người, chiếm 68,8% số người phải tham gia. Như vậy, còn trên 05 triệu người chưa tham gia BHXH, tương ứng số thu BHXH, BHYT khoảng 56 nghìn tỷ đồng/năm.

 

Quyền lợi của người lao động cũng như tính bền vững dài hạn của Quỹ BHXH còn bị ảnh hưởng rất lớn khi nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng lao động bằng mức tiền lương tối thiểu hoặc ký hai hợp đồng với người lao động ở các mức lương khác nhau, lấy hợp đồng có số tiền lương phải trả ít hơn số thực trả để đăng ký với cơ quan BHXH. Tiền lương, tiền công bình quân của người lao động đang tham gia BHXH của khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh hiện nay khoảng 2,8 triệu đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ LĐ –TB&XH, tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp ngoài lương thực tế khoảng 3,8 triệu đồng. Như vậy, với khoản chênh lệch 1 triệu đồng thì số hàng năm Quỹ BHXH thất thu tương ứng khoảng 24 nghìn tỷ đồng/năm.

 

Thanh tra, xử phạt còn hạn chế 

 

Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT diễn ra ngày càng nhiều, tuy nhiên công tác thanh tra BHXH còn hạn chế. Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Điều Bá Được nêu thực tế: Ngành LĐ – TB&XH hiện có khoảng 500 cán bộ thanh tra; Ngành Y tế có khoảng 300 cán bộ thanh tra. Tuy nhiên số cán bộ này phải thực hiện chức năng thanh tra rất nhiều lĩnh vực; thanh tra về BHXH chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Số doanh nghiệp được tiến hành thanh tra rất ít, chiếm khoảng 0,5% số doanh nghiệp đang tham gia BHXH, BHYT.

 

Ngành BHXH hiện có khoảng 20.500 cán bộ, trong đó có khoảng 5.500 cán bộ làm công tác kiểm tra; trung bình kiểm tra doanh nghiệp 01 lần/năm. Tuy nhiên theo quy định, BHXH Việt Nam không được thực hiện chức năng thanh tra, xử phạt nên hiệu quả công tác kiểm tra không cao. Khi kiểm tra phát hiện vi phạm, phải kiến nghị cấp có thẩm quyền xử phạt, hiệu quả xử lý vi phạm không được kịp thời. Đến nay, cơ quan BHXH các cấp đã đề nghị xử phạt hành chính khoảng 6.000 đơn vị, nhưng chỉ có khoảng 900 đơn vị bị xử phạt hành chính, đạt tỷ lệ khoảng 15%.

 

Trưởng ban Tài chính – Kế toán Nguyễn Thị Thanh Xuân nêu kinh nghiệm kinh nghiệm khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ, thanh tra, xử lý vi phạm BHXH của một số nước như Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Malaixia…Tại các quốc gia này, dù tổ chức BHXH được gọi với các tên khác nhau nhưng đều được trao quyền thu, chi, quản lý đầu tư Quỹ và thanh tra xử phạt. Tổ chức BHXH tại các nước này có quyền thanh tra tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động, nếu cố tình không khai báo, trốn đóng, chậm đóng BHXH thì bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Nếu xử lý vi phạm hành chính không hiệu quả, tổ chức BHXH có quyền yêu cầu tòa án cưỡng chế và khởi tố dân sự, hình sự đối với doanh nghiệp trốn đóng, nợ BHXH. Tổ chức BHXH có quyền yêu cầu các tổ chức liên quan tiến hành các hoạt động kiểm toán, tòa án, tịch thu và bán tài sản của doanh nghiệp hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp hoặc phải tuyên bố phá sản, để thu hồi tiền trốn, nợ tiền đóng BHXH vào quỹ BHXH.

 

Cần tăng thêm thẩm quyền cho BHXH Việt Nam 

 

Để khắc phục tình trạng trên, các ý kiến trao đổi tại buổi toạ đàm cũng như nhiều ý kiến các chuyên gia khác đều khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi nội dung Luật BHXH hiện hành, đảm bảo tính bền vững dài hạn của Quỹ BHXH, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nêu kiến nghị cần sửa Khoản 3 Điều 21 dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Theo đó nền quy định “Cơ quan BHXH có quyền thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm Pháp luật về đóng, hưởng BHXH” . Quy định như vậy sẽ khắc phục được hiệu quả hơn tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH ở Việt Nam, và cũng phù hợp kinh nghiệm quản lý, thanh tra xử lý vi phạm ở các nước. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng nêu rõ: quy định như vậy nhưng không phải chỉ mình BHXH Việt Nam thực hiện thanh tra BHXH, cần sự tham gia tích cực hơn nữa từ thanh tra nghành LĐ-TB&XH, Y tế, Tài chính…

 

Không chỉ tăng cường công tác thanh tra, xử phạt, việc phát triển mở rộng đối tượng tham gia BHXH cũng là một mục tiêu quan trọng mà Luật BHXH sửa đổi cần hướng tới. Số đối tượng tham gia tăng đồng nghĩa với việc áp lực với cơ quan tổ chức thực hiện sẽ ngày càng lớn. Trưởng ban Thực hiện chính sách Điều Bá Được nêu dẫn chứng thực tế tại một số quốc gia: chi phí cho hoạt động cơ quan BHXH tại các nước được tính trên tổng số thu hoặc trên tổng số chi cho người tham gia. Ví dụ như Indonexia chi 11,7%, Philippin chi từ 6,5 đến 11% trên tổng số thu; chi phí quản lý được tính trên tổng số chi như Áo là 4,9%; Bỉ là 6,1%; Pháp là 5,7%; Đức là 6,2%; Nhật là 3,2%; Hà Lan là 4%; Hàn Quốc là 5%; Mỹ là 6,2%; Ấn Độ là 21%; Mehico là 16%…

 

Từ những kinh nghiệm trên, các ý kiến trao đổi tại buổi Toạ đàm đều cho rằng nên sửa Khoản 2 Điều 90: Chi phí quản lý BHXH nên được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ BHXH tính trên số thực thu hàng năm để  phục vụ tuyên truyền, phát triển đối tượng, quản lý quỹ, quản lý đối tượng hưởng BHXH, CNTT, cải cách hành chính, hoạt động bộ máy. Mức cụ thể do Chính phủ quy định sau khi có ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội định kỳ 3 – 5 năm 1 lần.

 

Quy định chi phí quản lý BHXH như vậy sẽ vừa đảm bảo tính chặt chẽ, ổn định vừa có sự linh hoạt, có sự giám sát chặt chẽ của các bộ, ngành, Chính phủ và các cơ quan chuyên môn của Quốc hội; tạo điều kiện cho Ngành BHXH chủ động về nguồn kinh phí hoạt động trong thực hiện nhiệm vụ thu, chi và quản lý Quỹ BHXH.

 

Quyền lợi BHXH sẽ được đảm bảo tích cực hơn

 

Những điểm mới tích cực của dự thảo Luật BHXH sửa đổi (vừa được trình Quốc hội xem xét trong phiên họp chiều ngày 26/5, kỳ họp thứ 07 Quốc hội khoá XIII) cũng là nội dung được trao đổi, phân tích làm rõ tại buổi đối thoại.

 

Đa số ý kiến đều cho rằng dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã khắc phục được những điểm hạn chế còn tồn tại trong Luật BHXH hiện hành. Những vấn đề liên quan đến mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, chế tài xử phạt, mực lãi suất chậm đóng, hoạt động đầu tư tăng trưởng Quỹ BHXH…đều đã được xây dựng theo hướng đảm bảo cân đối Quỹ dài hạn. Quyền lợi BHXH của người lao động cũng sẽ được đảm bảo tích cực hơn. Một số nội dung sửa đổi liên quan đến quyền lợi người lao động như:

 

Bổ sung quyền được hưởng BHYT trong thời gian hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi (Điểm b Khoản 5 Điều 17) và nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày (Điểm d Khoản 5 Điều 17); được người sử dụng lao động và tổ chức BHXH định kỳ định kỳ cung cấp thông tin về quá trình đóng BHXH (Khoản 7 Điều 17).

 

 Bổ sung quy định về sử dụng quỹ theo hướng bổ sung mục chi chi phí giám định y khoa đối với trường hợp do tổ chức BHXH giới thiệu đi giám định mức suy giảm khả năng lao động (Khoản 4 Điều 84).

 

Về chế độ thai sản: Bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 7 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật (Điểm đ Khoản 1 Điều 30, Khoản 2 Điều 33). Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ thai sản trong trường hợp lao động nữ có thời gian đóng BHXH dài nhưng vì lý do thai không bình thường phải nghỉ việc nên không đủ điều kiện đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con (Khoản 3 Điều 30).Bổ sung quy định trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn khả năng chăm sóc con có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo thẩm quyền thì người cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi (Khoản 4 Điều 33)…

 

Về chế độ hưu trí: Tăng mức trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần lên mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (Khoản 2 Điều 59).

 

Về chế độ tử tuất:  Bổ sung đối tượng giải quyết chế độ tử tuất đối với người đang bị dừng hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng do phải chấp hành hình phạt tù mà bị chết trong tù (Điểm d Khoản 1 Điều 65, Điểm đ Khoản 1 Điều 66). Sửa đổi theo hướng để thân nhân người lao động được quyền lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hằng tháng hoặc một lần, trừ trường hợp thân nhân là con dưới 6 tuổi, thân nhân là con hoặc vợ hoặc chồng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên (Khoản 3 Điều 68). Bổ sung quy định trường hợp người lao động không có thân nhân quy định tại Khoản 5 Điều 3 của Luật này thì trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định của Pháp luật về thừa kế (Khoản 4 Điều 68)…

 

Về điều chỉnh tiền lương cho người hưởng lương hưu: Sửa đổi quy định điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH theo hướng: Người tham gia từ trước ngày Luật có hiệu lực thì việc vẫn thực hiện như quy định hiện hành; người bắt đầu tham gia từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ (áp dụng chung cho mọi người lao động tham gia BHXH) để đảm bảo công bằng giữa các nhóm đối tượng (Khoản 1 Điều 62)…./.

 
Minh Đức
Bảo Hiểm Bảo Việt
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.