Tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2015

Công tác quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2015 luôn là nội dung được dư luận hết sức quan tâm, Trang tin điện tử BHXH Việt Nam trân trọng đăng bài viết “Tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2015” của ông Điều Bá Được, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam:

Chi tra 011113.jpg
Chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH. Nguồn ảnh: Internet

Quỹ BHXH là nội dung quan trọng trong hệ thống BHXH của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam quỹ BHXH được hình thành độc lập với ngân sách nhà nước nó ra đời tồn tại phát triển gắn liền với mục đích bảo đảm ổn định cuộc sống cho người lao động và gia đình họ khi gặp rủi ro làm giảm hoặc mất thu nhập từ lao động mà không nhằm mục đích kinh doanh kiếm lời. Quỹ BHXH là tập hợp những đóng góp bằng tiền của các bên tham gia BHXH và các nguồn thu hợp pháp khác, hình thành một quỹ tiền tệ tập trung, được sử dụng để chi trả cho những người được BHXH và gia đình họ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do bị giảm, mất khả năng lao động, mất việc làm hoặc bị chết. Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ không bị phá sản, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan nhà nước duy nhất được giao quản lý, bảo toàn, tăng trưởng quỹ BHXH để đủ khả năng chi trả các chế độ BHXH cho người lao động và thân nhân của họ góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Về nội dung quản lý quỹ BHXH bao gồm: Quản lý thu BHXH và quản lý chi quỹ BHXH. Quản lý thu BHXH là quản lý các nguồn hình thành quỹ BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH. Quản lý chi quỹ BHXH là quản lý các nguồn chi từ quỹ theo quy định của pháp luật về BHXH để chi trả các chế độ BHXH cho người lao động là chủ yếu (khoản chi này chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các khoản chi từ quỹ BHXH). Ngoài ra, theo quy định của pháp luật về BHXH quỹ BHXH còn được sử dụng để đóng BHYT cho người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, chi phí quản lý, chi đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ theo quy định, chi phí phục vụ công tác thu, chi trả các chế độ BHXH … Công cụ quản lý vĩ mô quỹ BHXH chủ yếu và quan trọng nhất là hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH và pháp luật khác có liên quan được ban hành đầy đủ và thống nhất thực hiện trong toàn quốc.Tiếp đến là công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch, các nhiệm vụ, mục tiêu ngắn hạn và dài hạn về thu, chi quỹ BHXH, đầu tư tăng trưởng quỹ, cụ thể là nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia BHXH và thu các khoản đóng góp vào quỹ BHXH, công tác giải quyết và chi trả các chế độ BHXH cho người lao động và thân nhân của họ giúp người lao động và gia đình họ khắc phục rủi ro, ổn định đời sống bảo đảm sự ổn định và phát triển kinh tế xã hội góp phần đảm bảo an sinh xã hội bền vững đó là mục đích tối thượng của quỹ BHXH. Năm 2015 BHXH Việt Nam đã quản lý và sử dụng quỹ BHXH theo đúng quy định và đạt được kết quả như sau:

Một là, tham gia xây dựng hoàn thiện công cụ quản lý vĩ mô quỹ BHXH

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc nghiên cứu, tham gia hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật khác (36 văn bản) tham gia đóng góp ý kiến đối với các dự án Luật An toàn, vệ sinh lao động; dự án Bộ Luật hình sự sửa đổi, Bộ Luật dân sự sửa đổi nhằm từng bước hoàn thiện công cụ quản lý vĩ mô quỹ BHXH.

Ngay sau khi Luật BHXH (sửa đổi) được thông qua, BHXH Việt Nam đã có văn bản đề nghị Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng ban hành các văn bản hướng dẫn trước ngày 01/7/2015 để BHXH Việt Nam có căn cứ xây dựng các văn bản và phần mềm hỗ trợ thực hiện Luật BHXH (sửa đổi) để đảm bảo quyền lợi cho người lao động kể từ ngày 01/01/2016 trở đi. Đồng thời cử cán bộ tham gia Ban chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật BHXH (sửa đổi) bám sát nội dung dự thảo nghiên cứu chuẩn bị nội dung tham gia đóng góp ý kiến đối với các dự thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật BHXH (sửa đổi); dự thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Việc làm về nội dung bảo hiểm thất nghiệp; dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; các văn bản hướng dẫn thực hiện các chế độ BHXH theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP quy định chế độ chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ ở cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội;  dự thảo Đề án và Tờ trình Bộ Chính trị về Đề án “Một số vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và chính sách đối với cán bộ xã, phường, thị trấn”; xây dựng chính sách đặc thù về tiền lương, BHXH đối với người lao động Việt Nam làm việc trong các dự án của nhà đầu tư Việt Nam tại Lào và Campuchia; dự thảo các Hiệp định hợp tác về BHXH giữa Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam-Đức; dự thảo Chỉ thị về tăng cường thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội và nhiệm vụ cho giai đoạn 2016-2020; dự thảo báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 01/11/2012 của Chính phủ về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020;

Báo cáo Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính kết quả điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng theo Nghị định số 09/2015/NĐ-CP của Chính phủ;

BHXH Việt Nam đã kịp thời phát hiện những vấn đề  khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật về BHXH liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động phản ảnh, báo cáo, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu tháo gỡ như:

Báo cáo phản ánh về lương hưu thấp của giáo viên mầm non kịp thời đề xuất tháo gỡ về mức đóng-hưởng đối với người tham gia BHXH tự nguyện; tổng hợp các vướng mắc từ địa phương các nội dung liên quan đến Điều 60 Luật BHXH năm 2014 về chế độ BHXH một lần để phản ánh với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội; Báo cáo tình hình thực hiện chính sách đối với Chủ nhiệm hợp tác xã theo Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 29/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với Chủ nhiệm hợp tác xã có quy mô toàn xã trong thời kỳ bao cấp chưa được hưởng chế độ của Nhà nước; Tham gia vào dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu; Tham gia với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về Dự thảo văn bản hướng dẫn tính đóng và hưởng các chế độ BHXH từ 01/5/2013 theo quy định của Bộ Luật Lao động 2012 đối với DNNN và DNNN chuyển đổi thành các Công ty cổ phần; Tổng hợp các nội dung vướng mắc vượt quá thẩm quyền của BHXH Việt Nam ( 45 văn bản vướng mắc vướng mắc trong lĩnh vực thực hiện các chế độ BHXH ngoài ra còn các vướng mắc thuộc các lĩnh vực khác chưa thống kê đầy đủ) báo cáo và đề xuất hướng giải quyết với các Bộ, Ngành nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Những báo cáo, phản ánh, ý kiến tham gia của BHXH Việt Nam với các Bộ, Ngành, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Đảng, là cơ sở cho việc hoạch định, xây dựng chính sách, pháp luật về BHXH và giải quyết các vướng  mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

Hai là, xây dựng ban hành các văn bản hướng dẫn và quản lý quỹ BHXH thuộc thẩm quyền của BHXH Việt Nam

Năm 2015 là năm diễn ra Đại hội  Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc  đặt ra yêu cầu quyết chế độ BHXH đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm trong các cơ quan đảng, nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội, cũng như việc giải quyết chế độ BHXH đối với công chức, viên chức khi thực hiện chính sách tinh giản biên chế, chính sách đối với lao động dôi dư và một số chính sách mới ban hành. BHXH Việt Nam đã nghiên cứu xây dựng ban hành (91 văn bản) hướng dẫn thực hiện các chế độ BHXH và tăng cường công tác quản lý chống thất thoát quỹ BHXH, trong đó có các nội dung quan trọng như: Hướng dẫn việc đóng – hưởng BHXH kể từ ngày 01/5/2013 trở đi đối với người lao động trong Doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa theo Bộ Luật lao động 2012; hướng dẫn thực hiện chế độ BHXH theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; thực hiện chế độ BHXH theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội; hướng dẫn xử lý trong quá trình tổ chức triển khai thí điểm phần mềm lõi của Ngành; hướng dẫn thực hiện chế độ tai nạn lao động theo Công văn số 1592/LĐTBXH-BHXH ngày 05/5/2015 hướng dẫn giải quyết vướng mắc về TNLĐ, BNN trước năm 1995 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng đối với người đang hưởng trước ngày 01/01/2015; thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi đối với người làm công tác dự trữ quốc gia theo Thông tư số 33/2014/TT-BTC ngày 14/3/2014của Bộ Tài chính; hướng dẫn thực hiện điều chỉnh tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đã đóng BHXH theo Thông tư số 03/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; hướng dẫn giải quyết hưởng trợ cấp theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04/8/2000 và số 613/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 về việc trợ cấp hàng tháng cho những người có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động; hướng dẫn thực hiện một số nội dung về chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu;  hướng dẫn tạm thời thực hiện các chế độ BHXH theo Luật BHXH 2014 từ ngày 01/01/2016.

Chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố ngăn chặn tình trạng trục lợi chế độ thai sản gây thất thoát quỹ BHXH đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Năm 2015 được BHXH Việt Nam xác định là năm trọng tâm tiếp tục cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo Nghị quyết số 19/NQ-CP, BHXH Việt Nam đã thực hiện các giải pháp nhăm đơn giản hóa TTHC rà soát cắt giảm tối đa để tiết kiệm thời gian và chi phí  cho tổ chức và cá nhân khi thực hiện các TTHC liên quan đến BHXH kết quả đã giảm từ 115 thủ tục (tính cả những thủ tục kép được thực hiện đồng thời ở cấp tỉnh và cấp huyện) xuống còn 33 thủ tục; về số lượng hồ sơ (gồm biểu mẫu, tờ khai, đơn, công văn đề nghị) giảm 56%; về chỉ tiêu trên tờ khai, biểu mẫu giảm 82%; về quy trình thao tác thực hiện giảm 78%; cắt giảm thời gian, chi phí đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhận, trong năm 2015 giảm từ 235 giờ xuống còn 81 giờ, dự kiến  khi Luật BHXH được thực hiện từ ngày 01/01/2016 sẽ giảm từ 81 giờ xuống còn 45 giờ.

Đẩy mạnh giao dịch điện tử trong lĩnh vực tham gia BHXH, BHYT, BHTN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT nhằm giảm thời gian dành cho việc thực hiện các thủ tục liên quan đến thu, nộp BHXH, BHYT, BHTN;  BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 528/QĐ-BHXH ngày 14/4/2015 về việc ban hành Quy định về giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, Quyết định 959/QĐ-BHXH về việc ban hành quy định quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT, theo đó, đã rút ngắn từ 30 xuống 07 thủ tục và thực hiện giao dịch về đóng, cấp sổ thẻ bằng hình thức giao dịch điện tử; chuyển hình thức tiền kiểm sang hậu kiểm thủ tục tham gia. Cải cách chi trả các chế độ BHXH cắt giảm 08 thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng, giảm các chi phí xã hội không cần thiết. Hiện tại còn 04 thủ tục hành chính trong lĩnh vực chi trả các chế độ BHXH.

Ba là, kết quả thu-chi quỹ BHXH, BHTN

Tình hình thu BHXH, BHTN

Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch thu cho BHXH Việt Nam bao gồm chỉ tiêu về số người tham gia gắn với số thu. Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam đã kịp thời giao kế hoạch cho BHXH tỉnh, thành phố thực hiện tạo sự chủ động cho BHXH các địa phương; Công tác mở rộng đối tượng tham gia rất được chú trọng trong đó nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể, giao chỉ tiêu về phát triển đối tượng tới tận cấp huyện, thị xã.

Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN

Tổng số người tham gia BHXH tính đến 31/12/2015 là 12.319.866 người, tăng 674.015 người tương ứng tăng 5,79% so với năm 2014. Trong đó: BHXH bắt buộc: có 283.244 đơn vị tham gia BHXH bắt buộc tăng 7,3% so với năm 2014, tương ứng tăng 19.249 đơn vị; số người tham gia BHXH bắt buộc là 12.065.223 người tăng 5,35% so với cùng kỳ năm 2014 tương ứng tăng 612.701 người.

BHXH tự nguyện: Số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là 254.643 người tăng 31,71% tương ứng tăng 61.314 người so với cùng kỳ năm 2014.

BHTN: Số người tham gia BHTN là 10.286.401 người, tăng 1.066.648 người tương ứng tăng 11,57% so với năm 2014.

Kết quả thu tiền đóng BHXH, BHTN

Tính đến hết 31/12/2015 số tiền thu BHXH ước là 155.863,6 tỷ đồng tăng hơn 6 lần so với năm 2007, tương ứng với số tăng gần 132.094,9 tỷ đồng. Trong đó:  Số thu BHXH bắt buộc năm 2015 là 145.053,6 tỷ đồng (không bao gồm tiền phạt lãi chậm đóng) tăng 10,74% so với cùng kỳ năm 2014, tương ứng với số thu tăng 14.063,2 tỷ đồng. Thu BHXH tự nguyện năm 2015 là 827,6 tỷ đồng tăng 11,43% so với cùng kỳ năm 2014, tương ứng với số thu tăng 84,89 tỷ đồng; Thu BHTN năm 2015 là 9.982,4 tỷ đồng, giảm 16,78% so với cùng kỳ năm 2014, tương ứng với số thu giảm 2.013,2 tỷ đồng (do theo Luật việc làm từ năm 2015 Ngân sách nhà nước không hỗ trợ 1% vào quỹ BHTN)

Tình hình giải quyết và chi trả chế độ BHXH

Kết quả giải quyết hưởng mới các chế độ BHXH

Năm 2015, ước giải quyết 157.906 người hưởng chế độ hưu trí, tử  tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) hàng tháng, tăng 10,44% so với năm 2014 (trong đó hưởng lương hưu là 129.761 người, tăng 11,87% so với năm 2014; 25.728 người hưởng trợ cấp tuất và 2.417 người hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN); giải quyết 756.074 người hưởng các chế độ BHXH một lần (trong đó hưởng BHXH một lần là 629.131 người, tăng 3,85% so với năm 2014); giải quyết cho 7.528.520 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, tăng 16,43% so với năm 2014.

Tình hình chi trả các chế độ BHXH

Chi từ nguồn Ngân sách nhà nước đảm bảo: Tổng số đối tượng hưởng chế độ BHXH do nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo tính đến thời điểm 31/12/2015 là 1.374.806 người với số chi ước gần 45 nghìn tỷ đồng; Chi từ nguồn quỹ BHXH bắt buộc: Năm 2015, số chi ước thực hiện 100,891 nghìn tỷ đồng tăng 16,19% so với năm 2014, tương ứng với số chi tăng 14,060 nghìn tỷ đồng; Chi từ quỹ BHXH tự nguyện: Năm 2015, tổng số chi ước thực hiện là 310 tỷ đồng tăng 89,02% so với năm 2014 với tổng số người hưởng là 15.197 người; Chi từ quỹ BHTN: Năm 2015, ước chi thực hiện là 4.800 tỷ đồng giảm 0,41% so với năm 2014 tương ứng với 20 tỷ đồng. Trong đó, chi trợ cấp thất nghiệp hàng tháng với số tiền ước 4.506 tỷ đồng, chi hỗ trợ học nghề ước gần 69 tỷ đồng, trích đóng BHYT ước 225 tỷ đồng.  
Một số hạn chế và nguyên nhân

Lương hưu của một số nhóm đối tượng còn thấp hơn mức tiền lương cơ sở, một số chính sách ban hành sau hoặc bổ sung sửa đổi thường mở rộng hơn quyền lợi dẫn đến có sự so sánh giữa người hưởng trước và người hưởng sau   trong khi chính sách BHXH trải qua nhiều thời kỳ hết sức phức tạp nên khối lượng đơn thư phát sinh nhiều; Đối với trường hợp chủ doanh nghiệp chiếm dụng tiền đóng BHXH không nộp cho cơ quan BHXH, doanh nghiệp nợ BHXH mà chủ bỏ trốn hiện nay chưa có hướng dẫn giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động; Số người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng qua thẻ ATM chiếm tỷ trọng thấp so với số người hưởng do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân và do hệ thống ngân hàng chưa phát triển phổ biến các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong phạm vi cả nước; Luật Việc làm có hiệu lực thi hành từ 01/01/2015 nhưng đến ngày 31/7/2015 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mới ban hành Thông tư số 28/2015/TT-LĐTBXH hướng dẫn về BHTN, do đó cơ quan BHXH Việt Nam bị động trong việc hướng dẫn thực hiện, lúng túng trong công tác thu, phát triển đối tượng, giải quyết chi trả trợ cấp cho người lao động tại thời điểm giao thời giữa hai giai đoạn chính sách cũ và mới; Nhận thức của người lao động về chính sách BHTN còn hạn chế, người lao động chỉ quan tâm đến hưởng trợ cấp thất nghiệp, số người tham gia các khóa học nghề chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều địa phương không có đối tượng học nghề; chưa thực hiện nghiêm túc việc khai báo khi có việc làm mới dẫn đến vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp vừa tham gia đóng BHTN; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe; Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐTB-XH giải quyết chính sách cho người lao động do chưa đầy đủ cơ sở dữ liệu về đối tượng tham gia, đối tượng đang hưởng lương hưu nên còn để sai sót; chưa có phần mềm liên thông chia sẻ thông tin giữa hai cơ quan thực hiện.  Việc giao hai cơ quan thực hiện BHTN nếu không có sự phối hợp tốt sẽ gây khó khăn cho người lao động. Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra chuyên sâu về thực hiện chính sách BHTN còn ít; việc thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp do người lao động hưởng sai quy định trước khi có Luật Việc làm chưa có quy định rõ ràng nên việc thu hồi còn chậm; Doanh nghiệp chậm đóng và nợ đọng BHXH, BHTN nên không chốt được sổ BHXH gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của NLĐ, ảnh hưởng đến công tác thực hiện chính sách BHXH, BHTN; Tình trạng lạm dụng trục lợi gây thất thoát quỹ BHXH, BHTN còn diễn ra chưa kiểm soát được một cách có hiệu quả như vừa đi làm vừa hưởng BHTN hoặc quay trở lại chính doanh nghiệp cũ để làm việc hoặc nâng cao mức đóng góp trước khi nghỉ việc để được hưởng mức trợ cấp thất nghiệp cao hơn. Gần đây xuất hiện tình trạng gần đến tuổi nghỉ hưu nhưng xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau đó hưởng lương hưu; Phần mềm quản lý thu, quản lý chi của BHXH các tỉnh thành phố chưa liên thông, nên việc kiểm tra, đối chiếu dữ liệu thu, chi, giải quyết hưởng BHTN rất khó khăn, mất nhiều thời gian xác minh. Chưa kết nối dữ liệu giữa cơ quan BHXH với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, hiện tại việc tiếp nhận dữ liệu chủ yếu qua bưu điện, email điện tử, fax hoặc bàn giao trực tiếp. Việc quản lý lao động chưa chặt chẽ, doanh nghiệp không khai báo biến động lao động hoặc người lao động khai báo không trung thực, chưa kịp thời.

Đánh giá chung về tình hình quản lý thu, chi quỹ BHXH để thực hiện các chế độ BHXH đối với người lao động năm 2015 như sau:

Các kết quả đạt được như sau:Công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN, BHYT đã đạt được những kết quả nhất định, đối tượng tham gia và số tiền thu vào quỹ BHXH năm sau đều cao hơn năm trước; quỹ BHXH được quản lý tập trung,minh bach,  bảo toàn tăng trưởng theo đúng quy định đảm bảo khả năng chi trả các chế độ BHXH cho người lao động và thân nhân cảu họ góp phần bảo đảm an sinh xã hội;  Công tác chi trả  lương  hưu, trợ cấp BHXH đầy đủ, kịp thời, an toàn cho gần 3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng và chi trả cho trên 8 triệu lượt người hưởng các khoản trợ cấp một lần. Phương thức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua hệ thống bưu điện đến hết năm 2015 đã thực hiện tại 63/63 tỉnh, thành phố tại 10.632 xã, phường trên tổng số 11.016 xã, phường (chiếm 96%).Việc giải quyết các chế độ BHXH, cho người lao động và thân nhân của họ được thực hiện kịp thời, đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách; Công tác cải cách thủ tục hành chính luôn được coi trọng và thực hiện thường xuyên, liên tục, góp phần giảm thiểu thời gian và kinh phí thực hiện thủ tục BHXH, BHTN, BHYT cho doanh nghiệp và người dân. Mô hình cơ cấu tổ chức và chức năng của BHXH Việt Nam được kiện toàn phù hợp với cơ chế quản lý hoạt động BHXH, giúp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện cho việc cải cách, đơn giản hóa TTHC nhằm phát triển nhanh đối tượng và phục vụ tốt hơn đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHTN; Công tác phối hợp chỉ đạo, điều hành hoạt động chung của BHXH Việt Nam đã được đổi mới kịp thời, sát thực tế, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và thực hiện triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. BHXH nhiều tỉnh, thành phố đã tích cực tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND tỉnh và phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cơ quan có liên quan tại địa phương; Nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về ý nghĩa của chính sách BHXH, BHTN, BHYT cũng như quyền lợi và trách nhiệm trong việc tham gia BHXH, BHTN, BHYT có những bước chuyển biến cơ bản.

Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, còn có một số hạn chế như sau: Số người tham gia BHXH bắt buộc tuy tăng đều qua các năm nhưng còn thấp so với thực tế phải tham gia; số người tham gia BHXH tự nguyện thấp hơn nhiều so với tiềm năng; Tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHTN, BHYT còn xảy ra phổ biến ở hầu hết các tỉnh và chưa được giải quyết triệt để làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Công tác tuyên truyền về BHXH, BHTN còn hạn chế chưa phù hợp với các từng nhóm đối tượng; Công tác kiểm tra, hậu kiểm tra còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu quản lý quỹ BHXH; Tỷ trọng người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng qua thẻ ATM vẫn còn thấp do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân và do hệ thống ngân hàng chưa tuyên truyền phổ biến, chưa phát triển mạnh các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong phạm vi cả nước. Việc giao cho hai cơ quan cùng tổ chức thực hiện BHTN nếu không có sự phối hợp tốt sẽ gây khó khăn cho người lao động; Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại BHXH Việt Nam đang được đẩy mạnh song phần mềm quản lý hiện nay còn phân tán chưa kết nối được dữ liệu giữa Trung ương với tỉnh để tổng hợp số liệu phục vụ công tác chuyên môn, quản lý, báo cáo các Bộ, Ngành, phục vụ tổng hợp quyết toán Ngành.

Một số quy định của pháp luật có liên quan đến việc thực hiện BHXH nhưng chưa có hướng dẫn kịp thời gây khó khăn trong tổ chức thực hiện, đến nay Luật BHXH (sửa đổi) đã có hiệu lực thi hành nhưng văn bản hướng dẫn chưa ban hành đầy đủ dẫn đến cơ quan BHXH chưa có căn cứ để hướng dẫn cũng như xây dựng các phần mềm hỗ trợ thực hiện nên phải ban hành văn bản tạm thời để giải quyết kịp thời chế độ BHXH cho người lao động; Tình trạng lạm dụng để trục lợi gây thất thoát quỹ ốm đau, thai sản; quỹ BHTN còn có diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi và chưa được kiểm soát một cách hiệu quả; Công tác CCHC, chuyển đổi tác phong phục vụ, chất lượng dịch vụ công đã tạo thuận lợi đối với tổ chức, cá nhân khi tiếp cận với BHXH nhưng vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn.

Để tăng cường công tác quản lý quỹ BHXH trong thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đầu tư xây dựng các phần mềm nghiệp vụ và phát triển cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin. Cụ thể:

Trong năm 2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung hoàn thiện phần mềm quản lý hoạt động nghiệp vụ của ngành để đưa vào sử dụng thí điểm và tiến tới triển khai tại tất cả các tỉnh, thành phố;

Cấp mã số định danh cho tất cả người tham gia và thụ hưởng;

Triển khai ứng dụng chữ ký số và triển khai giao dịch điện tử để đáp ứng yêu cầu cải cách TTHC, đơn vị sử dụng lao động, người lao động và người dân có thể tra cứu thông tin tham gia BHXH, BHYT trực tuyến;

Đa dạng hóa các hình thức giao dịch hồ sơ tham gia bằng giấy, điện tử, qua mạng; nhận và trả kết quả trực tiếp tại doanh nghiệp, qua hệ thống bưu điện, qua đó giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp;

Phối hợp với Tổng cục Thuế trong việc trao đổi thông tin, mã số thuế và thống nhất việc doanh nghiệp dùng chữ kỹ số chung để giao dịch;

Chuẩn bị các điều kiện để sử dụng chung một mã số doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh. Giải pháp về công tác cải cách hành chính tin học hóa, hiện đại hóa trong quản lý: Các quy trình nghiệp vụ và quản lý đối tượng được tiêu chuẩn hóa và tích hợp trong hệ thống CNTT thống nhất của BHXH Việt Nam;

Mỗi công dân tham gia BHXH, BHYT được cấp một số định danh và thống nhất với số định danh công dân do Nhà nước quy định để phục vụ và quản lý quá trình thu, giải quyết chính sách, chi trả các chế độ BHXH, BHTN;

Hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin (mạng máy tính, máy chủ, máy trạm, an ninh mạng) đảm bảo cung cấp dịch vụ CNTT thông suốt và an toàn cho nội bộ ngành và tổ chức, cá nhân;

Nâng cao tính an ninh, bảo mật và khả năng liên kết của dữ liệu BHXH; đảm bảo tính chính xác và toàn vẹn dữ liệu BHXH;

Cung cấp dịch vụ công BHXH điện tử tới doanh nghiệp và người dân./.

 

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo baohiemxahoi.gov.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.