Chương trình Bảo hiểm y tế (BHYT) được áp dụng thanh toán tại các phòng khám và bệnh viện tư nhân là một tin vui, đặc biệt với các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Thương Thương hài lòng khi được thanh toán BHYT tại bệnh viện tư Tin vui với người bệnh Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó GĐ BHXH TP.HCM cho biết, hiện nay tại TP.HCM đã có gần 50 cơ sở gồm phòng khám và bệnh viện tư tham gia BHYT. Trong đó đặc biệt các bệnh viện tham gia thanh toán BHYT cho những bệnh hiểm nghèo cần điều trị kỹ thuật cao như Bệnh viện FV, Triều An (ung thư); Bệnh viện An Sinh, BV Thành Đô (thận), BV Tâm Đức (tim)… Để được thanh toán BHYT cho các bệnh hiểm nghèo khi đến các bệnh viện tư nhân, điều kiện cần và đủ là bệnh nhân phải đến cơ sở y tế tương đương cấp tỉnh để yêu cầu cấp giấy chuyển tuyến. Giấy chuyển tuyến phải được đánh dấu vào mục “đủ điều kiện”. Bà Nguyễn Thị Thương Thương, 60 tuổi, ngụ tại Đồng Nai, hiện đang theo điều trị tại Khoa Ung bướu của Bệnh viện FV cho biết, sau khi về hưu không lâu, bà bị ung thư máu (cách đây 4 năm) và đến điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Suốt 4 năm qua, cứ 3 tuần bà lại phải vào toa thuốc một lần. Sau 1 năm điều trị tại BV Ung bướu thì sức khỏe suy kiệt. Nguyên nhân, do quá tải nên hầu hết các bệnh nhân chỉ được điều trị bệnh còn những phản ứng phụ, những hỗ trợ sức khỏe thì không có. Tháng 2/2014, bà Thương chuyển sang khoa Ung thư Bệnh viện FV để điều trị. Cứ 3 tuần lễ bà phải thanh toán 100 triệu đồng. Sau một năm rưỡi, bà tốn hơn 1,5 tỷ đồng chưa kể các chi phí xét nghiệm. Sức khỏe được nâng lên nhưng tài chính ngày càng eo hẹp. Tình hình kéo dài, bà dự định phải quay về BV Ung bướu TP. HCM điều trị. Đến tháng 7/2015, bà được BS Võ Kim Điền, Trưởng khoa Ung bướu BV FV cho biết từ nay bà đã có thể sử dụng thẻ BHYT của mình trong điều trị ung thư tại đây. Kể từ đó, chi phí các toa thuốc của bà được giảm hẳn hơn 50%. BS. Võ Kim Điền cho biết, việc áp dụng BHYT cho bệnh nhân ung thư tại FV được thực hiện gần 1 năm nay. Từ đó đến nay đã có 868 lượt bệnh điều trị được thanh toán BHYT. Bệnh nhân được thanh toán nhiều nhất là 405 triệu đồng cho phác đồ điều trị của mình. Đối với bệnh nhân ung thư số tiền này tuy nhỏ nhưng rất đáng kể trong quá trình điều trị. BS Điền cho biết thêm, hiện bệnh viện mới chỉ ký hợp đồng với BHXH thanh toán BHYT cho bệnh nhân điều trị ngoại trú. Với các bệnh nhân chạy thận, được thanh toán BHYT tại các cơ sở tư nhân cũng là một cứu cánh. Bà Trần Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc BV An Sinh cho biết, hiện có 200 bệnh nhân bảo hiểm chạy thận nhân tạo định kỳ tại BV An Sinh. Bảo hiểm thanh toán 543.000 đồng/lần chạy thận cho đối tượng được hưởng bảo hiểm 100%. Tuy một số đối tượng chỉ hưởng 60-90% nhưng với những bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo hàng tuần, thậm chí hàng ngày, thì số tiền này không hề nhỏ. Liệu có hội chứng “người thứ ba trả tiền”? Khi các bệnh viện tư nhân tham gia vào BHYT thì dư luận cũng đang dấy lên một lo ngại là liệu có dấu hiệu lạm dụng các chi phí liên quan đến xét nghiệm và kiểm tra chẩn đoán hình ảnh? Cơ quan BHXH có biện pháp gì siết chặt để tránh sự thất thoát bảo hiểm? Ảnh minh họa Bà Lưu Thị Thanh Huyền cho biết, đây là vấn đề cơ quan BHYT luôn lo sợ về “hội chứng người thứ ba trả tiền”. Cơ quan BHXH có những chuẩn đặt ra, dựa vào quy định của cơ quan nhà nước, đặc biệt Bộ Y tế và đặc biệt sinh lý bệnh của những bệnh này để xem xét đánh giá các chỉ định cận lâm sàng. Việc này được giám sát không phải chỉ với hệ thống tư nhân mà cả hệ thống bệnh viện công lập, đều thực hiện như nhau. Một số các dịch vụ kỹ thuật cao cấp như CT và MRI thì cơ quan BHYT phải xem xét cách xét nghiệm thông thường có dấu chứng gì liên quan đến việc phải sử dụng nó không. Đồng thời, sử dụng công nghệ thông tin trong việc thẩm định, bao gồm đánh giá tỷ lệ sử dụng các dịch vụ cận lâm sàng của các đơn vị và so sánh với các bệnh viện đầu ngành. “Còn một mốc nữa chúng tôi phải xem xét là trần về phí giữa hai bên và quỹ được giao cho các cơ sở. Vì vậy đơn vị phải hết sức cân đối theo đúng quy trình kỹ thuật và phác đồ điều trị. Nếu vượt quỹ được giao mà trong đó có sự chỉ định không hợp lý phác đồ điều trị thì cơ sở phải chịu trách hiệm cho khoản chi phí vượt trội này”, bà Huyền cho hay. Liên quan vấn đề này, bà Phạm Thị Thanh Mai, GĐ Điều hành Bệnh viện FV cho biết, tại bệnh viện tất cả các ca ung thư điều được tất cả các khoa tham gia hội chẩn để có kế hoạch điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Kế hoạch này được thông tin đến tất cả các bộ phân liên quan và nhân viên phụ trách bảo hiểm, lên một gói chi phí cho các bước điều trị này và thông tin để bệnh nhân biết trước phác đồ điều trị của mình cùng với tổng chi phí để họ có thể chủ động chuẩn bị.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo nongnghiep.vn)