Sáng ngày 26/02, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) tổ chức Lễ công bố ấn phẩm tiếng Việt Hướng dẫn toàn cầu các bước thiết thực để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống đuối nước của WHO.
Phát biểu khai mạc Lễ Công bố Ấn phẩm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, tình hình tử vong do đuối nước ở trẻ em đã giảm so với giai đoạn trước, tuy nhiên vẫn ở mức cao và vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em. Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2015 – 2018 vẫn có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao, do đó ảnh hưởng đến quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền sống còn của trẻ. Nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về việc chăm sóc, giám sát, trông giữ của cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn hạn chế; trẻ em chưa biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước, nhất là ở vùng có nhiều sông nước; tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Nhiều địa phương còn thiếu cơ sở vật chất và giáo viên dạy bơi đặc biệt là các vùng nghèo, vùng miền núi khó khăn.
Thứ trưởng cho biết, việc công bố Hướng dẫn toàn cầu về phòng, chống đuối nước tại Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng khi Việt Nam đang nỗ lực triển khai các hoạt động đảm bảo các quyền sống còn của trẻ em, các quy định của luật pháp, chính sách liên quan đến phòng, chống đuối nước trẻ em.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, Hướng dẫn toàn cầu thực hiện phòng, chống đuối nước là cơ sở quan trọng hỗ trợ Việt Nam và các đối tác khác tại Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai hiệu quả phòng, chống đuối nước, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; góp phần đảm bảo cho trẻ em có một môi trường sống an toàn, đảm bảo các quyền của trẻ em.
Ông Kidong Park – Trưởng Đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam nhấn mạnh, đuối nước hoàn toàn có thể bị ngăn chặn và Hướng dẫn toàn cầu thực hiện phòng, chống đuối nước sẽ cung cấp các biện pháp hiệu quả mang tính khả thi tại nhiều cấp, từ việc xây dựng các quy định pháp luật liên quan cho đến chăm sóc, giám sát trẻ em hằng ngày. Công tác phòng, chống đuối nước là trách nhiệm của tất cả mọi người và cơ chế đa ngành đóng vai trò rất quan trọng.
Ấn phẩm Hướng dẫn toàn cầu thực hiện phòng, chống đuối nước được WHO xuất bản đề ra 10 chiến lược và biện pháp can thiệp đã được kiểm chứng trong thực tế nhằm hỗ trợ cho nỗ lực giảm thiểu các tai nạn do đuối nước gây ra – đây là một trong các vấn đề y tế cộng đồng chúng ta có thể ngăn chặn được nhưng chưa được quan tâm đúng mức. 06 can thiệp phòng, chống đuối nước trẻ em bao gồm: Tạo môi trường an toàn, tránh xa nguồn nước cho trẻ mầm non; làm rào chắn để kiểm soát trẻ tiếp cận nguồn nước; Dạy cho trẻ em tuổi tiểu học trở lên biết bơi và biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; Xây dựng khả năng chống chịu rủi ro, quản lý rủi ro và các hiểm họa khác ở cấp độ địa phương và quốc gia; Đào tạo người dân kỹ năng cứu hộ và sơ cứu; Xây dựng và thực thi các quy đinh định về an toaonf giao thông đường thủy như tàu, thuyền, phà. 04 Chiến lược hỗ trợ can thiệp gồm: Khuyến khích phối hợp đa ngành; Tăng cường nhận thức của nhân dân về phòng chống đuối nước thông qua truyền thông có chiến lược; Thiết lập kế hoạch an toàn đường thủy quốc gia; Nghiên cứu phòng chống đuối nước trẻ em thông qua thu thập dữ liệu và nghiên cứu bài bản.
Bản hướng dẫn cũng đề cao tầm quan trọng của việc nâng cao ý thức cộng đồng để trợ giúp cho các sáng kiến phòng, chống đuối nước./.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn