Đây là một trong những tín hiệu vui đối với khối bảo hiểm phi nhân sau một thời gian gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo, tỷ lệ bồi thường này có thể sẽ tăng trong những tháng cuối năm.
Theo số liệu ước tính của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ 8 tháng đầu năm 2014 ước đạt 6.501 tỷ đồng; tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 36,8%, giảm đáng kể so với mức 42,4% của cùng kỳ năm 2013. Trong đó, 19/29 doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường. 10 doanh nghiệp còn lại có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường. Trong đó, một số doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc trên 50% là Fubon, MSIG, GIC, Cathay, XTI…
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có doanh thu chủ yếu từ bảo hiểm xe cơ giới, tỷ lệ bồi thường cũng đã giảm từ trên 70% xuống mức trên dưới 50% so với doanh thu phí – đây là tỷ lệ bồi thường có thể chấp nhận được với bảo hiểm cơ giới.
Nhìn nhận về tỷ lệ bồi thường đang dịch chuyển theo xu hướng tích cực, một chuyên gia trong ngành cho rằng, tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường phi nhân thọ 8 tháng đầu năm 2014 giảm có liên quan đến tỷ lệ bồi thường của 3 nhóm nghiệp vụ bảo hiểm chính là bảo hiểm con người, bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm tài sản thiệt hại đang giảm. 3 nghiệp vụ này chiếm khoảng 70% tổng doanh thu của toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.
Số liệu thống kê sơ bộ của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho thấy, 8 tháng đầu năm 2014, bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu, với 4.926 tỷ đồng, chiếm 28%; tiếp đến là bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại (4.105 tỷ đồng, chiếm 23%), bảo hiểm sức khỏe (3.349 tỷ đồng, chiếm 19%), bảo hiểm hàng hóa vận chuyển (1.607 tỷ đồng, chiếm 9%).
Theo vị chuyên gia trên, nhiều năm qua, nghiệp vụ bảo hiểm con người và nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới không có sự tăng trưởng hay bồi thường quá đột biến. Dù tỷ lệ bồi thường ở những phân khúc này còn cao, nhưng nhiều doanh nghiệp đã và đang có những biện pháp kiểm soát để giảm tỷ lệ bồi thường, đặc biệt đối với bảo hiểm xe cơ giới. Còn đối với bảo hiểm tài sản thiệt hại, nếu không tính trường hợp bồi thường cho các doanh nghiệp ở Bình Dương và Đồng Nai hồi tháng 5/2014 thì đến thời điểm này, bảo hiểm tài sản thiệt hại cũng có ít tổn thất hơn cùng kỳ năm ngoái.
Một chuyên gia khác cho biết, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ trong 8 tháng đầu năm là 36,8%, giảm so với mức 39,5% trong 6 tháng đầu năm là do có ít tổn thất hơn trong hai tháng 7 và 8/2014. Những doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã kiểm soát khá tốt tỷ lệ bồi thường trong 6 tháng đầu năm có thể kể đến là PTI, Samsung Vina, MIC…, với tỷ lệ bồi thường đạt chuẩn từ 15% đến trên 30%.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, tỷ lệ bồi thường trong quý IV thường có xu hướng cao hơn nên cũng chưa thể vội mừng. Ví dụ, 6 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường là 41,64%, nhưng cả năm là 43,99%. 6 tháng đầu năm nay, tổn thất từ nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu giảm mạnh từ 120,6% xuống 29,92%, xét số tuyệt đối thì số tiền bồi thường giảm gần 1.000 tỷ đồng. Số tiền bồi thường cho bảo hiểm nông nghiệp giảm từ 309 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2013 xuống còn 59 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2014, chủ yếu do nhiều doanh nghiệp ngừng cung cấp sản phẩm này. Những tháng cuối năm, số tiền bồi thường là rất khó dự báo.
Hiện tại, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm chủ lực mang tính thương hiệu của doanh nghiệp, các công ty bảo hiểm cũng đưa ra nhiều biện pháp để kiểm soát và giảm thiểu tỷ lệ bồi thường, đặc biệt là những nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao như bảo hiểm con người, bảo hiểm xe cơ giới.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo tinnhanhchungkhoan.vn)