Tìm giải pháp khác hỗ trợ người bệnh hiểm nghèo

TT – Cuộc họp báo thường kỳ của Bảo hiểm xã hội VN chiều 26-12 đã rất nóng khi đại diện Vụ Bảo hiểm y tế và Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đến trả lời về danh mục thuốc bị Quỹ bảo hiểm y tế giảm chi từ ngày 1-1-2015.

 
Được sử dụng thuốc đặc trị với chi phí thấp là mong muốn của bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) – Ảnh: Nguyễn Khánh

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ vì sao quỹ còn kết dư trên 20.000 tỉ đồng mà lại cắt giảm quyền lợi của người bệnh, ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội VN), cho biết:

– Ðây là vấn đề nhạy cảm. Sáng 26-12 khi đọc bài báo trên Tuổi Trẻ tôi đã biết cần phải giải đáp vấn đề này trong cuộc họp báo buổi chiều. Thật ra quy trình xây dựng danh mục thuốc do Bảo hiểm y tế thanh toán được làm rất thận trọng, các thuốc được đưa vào danh mục phải đáp ứng ba yêu cầu: được lưu hành tại thị trường VN, đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng và có chi phí phù hợp.

Nguồn quỹ của chúng ta hiện nay theo luật phải đảm bảo có dự phòng tối thiểu cho chi phí khám chữa bệnh của hai quý, tối đa là chi phí khám chữa bệnh của hai năm.

Trên 20.000 tỉ đồng kết dư hiện nay chưa đủ chi phí khám chữa bệnh của hai quý do năm 2014 chi phí khám chữa bệnh cả năm là trên 45.000 tỉ đồng.

Nợ bảo hiểm chưa thu trên 11.000 tỉ đồng

Theo thông báo của Bảo hiểm xã hội VN, tính đến ngày 30-11-2014, các tổ chức, cá nhân đang nợ bảo hiểm xã hội trên 7.800 tỉ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp gần 530 tỉ đồng, nợ bảo hiểm y tế gần 2.800 tỉ đồng, tổng nợ bảo hiểm chưa thu được lên tới trên 11.000 tỉ đồng, tăng gần 460 tỉ đồng so với cùng kỳ 2013.

Năm 2014 cũng tiếp tục là năm Quỹ bảo hiểm y tế có kết dư, kết dư tạm tính của năm 2014 khoảng 2.500 tỉ đồng và tổng kết dư từ năm 2010 đến nay đã gần 25.000 tỉ đồng.

* Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động thu Quỹ bảo hiểm y tế năm vừa qua là không đạt yêu cầu, tổng nợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội lên đến trên 11.000 tỉ đồng, trong khi tình hình kinh tế xã hội lại khả quan hơn năm 2013. Trong khi đó, do lo ngại quỹ khó khăn, các ông lại đẩy phần khó về cho người dân bằng cách cắt giảm danh mục thuốc. Ông nghĩ thế nào về ý kiến này?

– Danh mục thuốc bắt đầu có hiệu lực áp dụng từ ngày 1-1-2015 có cắt giảm một số thuốc nhưng đó đều là các thuốc đã hết số đăng ký, hoặc cắt giảm thuốc dạng phối hợp có tình trạng lạm dụng.

Trong khi đó chúng tôi lại đưa vào 44 thuốc mới. Riêng nhóm thuốc ung thư, số thuốc hiện có đủ cho nhu cầu điều trị. Số thuốc bị giảm chi từ quỹ chỉ có bốn thuốc là giảm từ 100% chi phí xuống còn 30-50% chi phí. Ðây đều là các thuốc giá rất cao mà hiệu quả điều trị chưa được chứng minh rõ ràng.

Khi chúng tôi đi tham khảo thì nhiều nước cũng chưa sử dụng hoặc cũng áp dụng chi theo tỉ lệ.

Trong số bốn thuốc này có thuốc điều trị viêm gan siêu vi C phải giảm chi từ quỹ xuống còn 30% (trước đây chi 100% – PV), vì nếu chi cho đủ nhu cầu điều trị của bệnh nhân VN thì chi phí mỗi năm phải mất 90.000 tỉ đồng, mà thu quỹ cả năm 2014 vừa rồi mới được khoảng 53.000 tỉ đồng.

* Ðúng là có thể thay đổi phác đồ với một số bệnh nhân đang điều trị thuốc chi phí cao, nhưng có nhiều bệnh nhân phác đồ đang áp dụng là phác đồ cuối. Nên ứng xử với các trường hợp này như thế nào?

– Bà Tống Thị Song Hương (vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế): Ðúng là có những trường hợp phác đồ thuốc giá cao đang áp dụng là phác đồ cuối cùng. Những trường hợp này chúng tôi rất áy náy, đang tìm những biện pháp để có thể hỗ trợ những bệnh nhân này, ví dụ như tìm nguồn quỹ để hỗ trợ họ như Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo chẳng hạn.

* Ông BẠCH QUỐC KHÁNH (phó viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu T.Ư):

Bảo hiểm không đủ sức chi trả một mình

Tại bệnh viện chúng tôi đang có hàng trăm bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị nhắm đích điều trị bạch cầu mãn dòng tủy. Ðây là loại thuốc có hiệu quả thật sự, có đến 70-80% bệnh nhân có lại cuộc sống tốt, nếu không được ghép tủy bệnh nhân vẫn có thể sống thêm 10-15 năm, trong khi nếu điều trị bằng các biện pháp trước đây và nếu không ghép tủy bệnh nhân chỉ có thể sống thêm ba năm.

Các thuốc mới sử dụng điều trị ung thư khác hiệu quả chỉ đạt khoảng 30-40%, không phải là biện pháp đầu tiên khi lựa chọn điều trị mà có thể là lựa chọn số 2 chẳng hạn.

Giá thuốc điều trị nhắm đích lại quá đắt, nên nếu để một mình bảo hiểm chi trả tiền thuốc này thì không đủ sức. Về lâu dài nên có mô hình phối hợp y tế – bảo hiểm – hãng thuốc như với loại thuốc nhắm đích đang sử dụng tại bệnh viện chúng tôi.

Với chính sách này đã có khoảng 90% bệnh nhân có chỉ định sử dụng thuốc này được tham gia chương trình cung cấp thuốc miễn phí (hãng dược áp dụng trên toàn cầu cho bệnh nhân có bảo hiểm), hoặc phối hợp chi trả cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế (chương trình dành riêng cho VN).

Còn việc có nên siết chặt chẩn đoán với các thuốc đắt tiền hay không thì quả thật đây không phải là thuốc bổ, nó có thể có tác dụng phụ kèm theo nên không ai dám lạm dụng các thuốc này.

* Bà TỐNG THỊ SONG HƯƠNG (vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế):

Sẽ mở rộng phối hợp để có thuốc miễn phí

Hiện đang có một loại thuốc điều trị bạch cầu mãn dòng tủy và u mô đệm đường tiêu hóa bằng liệu pháp nhắm đích được Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội VN và hãng dược phối hợp cung cấp thuốc cho bệnh nhân, theo hướng Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội đàm phán với hãng dược, Bộ Y tế ban hành chính sách để Bảo hiểm chi trả 40% tiền thuốc, hãng dược chi trả 60% còn lại bằng thuốc.

Nhờ sự “bắt tay” này đã có 1.500 người bệnh được cung cấp loại thuốc trị giá tới 450-500 triệu đồng/năm để chữa bệnh, và hiệu quả rõ rệt nhất là hầu hết bệnh nhân đều đã sống thêm được trên năm năm, đều đi làm hoặc sinh hoạt được như bình thường. Trong khi liệu pháp điều trị cũ thì bệnh nhân chỉ sống thêm tối đa 3-5 năm mà chất lượng sống kém hơn.

Tới 31-12, chương trình phối hợp kể trên sẽ kết thúc giai đoạn một, hiện Bộ Y tế và cơ quan Bảo hiểm đang nhanh chóng để có thể gia hạn chính sách này thêm năm năm nữa. Bên cạnh đó sẽ thêm một hãng dược có thể tham gia một dự án tương tự nhằm cung cấp thuốc cho người bệnh. Tuy nhiên không phải tất cả các hãng dược đều chấp nhận chính sách này.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo tuoitre.vn)

 

 

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.