Trong tổng thể bức tranh cải cách thủ tục hành chính về thuế trong khu vực, thứ hạng về nộp thuế và bảo hiểm xã hội của Việt Nam vẫn còn cao, đòi hỏi cải cách thuế trong thời gian tới vẫn là nhiệm vụ trọng tâm.
Phó Trưởng Ban môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Minh Thảo cho biết, trên cơ sở những thay đổi về chính sách và nỗ lực của ngành Thuế trong thời gian qua, dự kiến thời gian nộp thuế sẽ đạt 119 giờ/năm theo mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra cho ngành Thuế trong năm 2016. Trong năm 2015, theo ghi nhận của Ngân hàng Thế giới trong bảng xếp hạng các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2015, nộp thuế và bảo hiểm xã hội đã giảm 102 giờ, tăng 4 bậc so với bảng xếp hạng trước đó.
Bà Nguyễn Minh Thảo cũng lưu ý, bảng xếp hạng 2015 của Ngân hàng Thế giới kết thúc vào tháng 12-2014 nên những nỗ lực của ngành Thuế trong năm 2015 sẽ được ghi nhận trong xếp hạng năm 2016 của Ngân hàng Thế giới được công bố vào tháng 10 tới đây. Mặc dù vậy, theo bà Thảo, trong tổng thể bức tranh cải cách thủ tục hành chính về thuế trong khu vực, thứ hạng về nộp thuế và bảo hiểm xã hội của Việt Nam vẫn đứng thứ 168, trong khi Thái Lan là 70 và Malaysia là 31. Do đó, cải cách thuế trong thời gian tới vẫn là nhiệm vụ trọng tâm.
Còn theo nhận xét của Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, trong năm qua, gần 100% đối tượng nộp thuế là doanh nghiệp (DN) được khảo sát đều đánh giá cao sự nỗ lực của Nhà nước và cụ thể là ngành Thuế trong thực hiện cải cách cả về hệ thống chính sách thuế và quản lý hành chính thuế, đặc biệt nỗ lực về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế như sử dụng mã số thuế thống nhất; khai, nộp thuế điện tử và hệ thống hỗ trợ kê khai. Ngành Thuế đã có những bước tiến về cải cách quy trình kê khai, nộp, quản lý thuế, cắt bỏ, giảm thiểu các bảng kê, hồ sơ biểu mẫu không cần thiết; các thông tin đã được lưu giữ tại cơ sở dữ liệu của ngành Thuế.
“Văn hóa ứng xử và phong cách phục vụ của cán bộ công chức thuế cũng đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực, văn minh, lịch sự và tiến đến cùng đồng hành với người nộp thuế – điển hình là cán bộ công chức làm việc tại Tổng cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh thành phố, cán bộ công chức tiếp xúc với các DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN lớn” – bà Nguyễn Thị Cúc cho biết.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Cúc, do một số địa phương muốn thu hút đầu tư về địa phương mình, đưa ra các ưu đãi không đúng so với các văn bản quy phạm pháp luật chính thống, có sự khác biệt quan điểm giữa Trung ương và địa phương, gây khó khăn cho DN trong việc tính toán hiệu quả đầu tư, ưu đãi thuế. Ngoài ra, các DN nhỏ và vừa chưa được tiệm cận kịp thời các nội dung sửa đổi của chính sách thuế có lợi cho DN, ví dụ như chi trực tiếp phúc lợi cho người lao động được hạch toán vào chi phí tính thuế Thu nhập DN; thuế tài sản, nhà của công nhân được hạch toán vào chi phí.
Ngoài ra, các chính sách thuế đổi mới nhanh nhưng cơ sở hạ tầng truyền thông, cơ sở dữ liệu chưa đổi mới đáp ứng kịp thời nên lỗi trong thực thi như: Phần mềm hỗ trợ kê khai, quyết toán thuế thuế Thu nhập cá nhân…
Đại diện Tổng cục Thuế, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế Hoàng Thị Lan Anh khẳng định, trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện công cuộc cải cách thủ tục hành chính thuế, trong nhóm giải pháp về thể chế, chính sách, ngành Thuế sẽ nghiên cứu, xây dựng lộ trình bỏ hình thức thuế khoán chuyển sang thuế Thu nhập DN, xây dựng Nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế cũng như xây dựng cơ sở pháp lý và hạ tầng kỹ thuật để thực hiện hóa đơn điện tử. Ngành Thuế cũng sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hệ thống cấp mã số thuế tự động cho DN, xây dựng quy trình liên thông giữa cơ quan Thuế và văn phòng đăng ký đất đai, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trong việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Trong nhóm giải pháp phối hợp với các đơn vị có liên quan, bà Hoàng Thị Lan Anh cho biết, Tổng cục Thuế sẽ thiết lập các kênh thu thập thông tin phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm tốt của quốc tế, rà soát các quy trình thủ tục tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thuế, đào tạo, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ thuế cũng như thực hiện các đánh giá độc lập từ bên ngoài đo sự hài lòng của người nộp thuế. Thực hiện những nhóm giải pháp này là để quyết liệt mục tiêu cải cách thủ tục thuế mà các nghị quyết của Chính phủ đề ra.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baohaiquan.vn)