Tiếp tục nỗ lực cải thiện việc tiếp cận BHXH tự nguyện của người lao động

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện theo quy định của Luật BHXH 2006 được thực hiện từ 01/01/2008 nhưng đến nay số người tham gia vẫn còn ở mức rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Phóng viên Website BHXH Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Điều Bá Được, Trưởng ban, Ban Thực hiện chính sách BHXH xung quanh nội dung này.

dbDuoc 261115.jpg
Ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam


PV:
Thưa ông, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện thời gian qua còn ở mức khiêm tốn, ông có thể cho biết lý do tại sao?

Trưởng ban Điều Bá Được: BHXH tự nguyện là loại hình BHXH mới được thực hiện ở Việt Nam từ ngày 01/01/2008 theo quy định của Luật BHXH 2006. Sau 7 năm thực hiện đến  nay số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ chiếm khoảng 0,3% số đối tượng thuộc diện tham gia (số tuyệt đối khoảng trên 230 ngàn người). Nguyên nhân chủ yếu là do:

Thứ nhất, đây là chính sách mới, loại hình BHXH tự nguyện lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam nên cần phải có thời gian để người dân cân nhắc lựa chọn tham gia đây cũng là điều dể hiểu. Bên cạnh đó tư tưởng “trẻ cậy cha, già cậy con” vẫn còn mang tính phổ biến trong các tầng lớp dân cư của Việt Nam đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; người dân chưa thể lo xa cho tuổi già của mình được bởi đang phải đối diện với những khó khăn hàng ngày về cơm áo, gạo tiền. Có thể nói, đây là một thực tế đang diễn ra.

Thứ hai, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là lao động tự do, lao động nông, lâm, diêm nghiệp… ở khu vực không chính thức với thu nhập thấp và không ổn định trong khi Luật quy định thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện còn khá cao (thấp nhất bằng mức tiền lương cơ sở); nên người lao động khó có khả năng tham gia; thời gian đóng BHXH tối thiểu để dược hưởng BHXH là 20 năm là khá dài đòi hỏi sự kiên trì, tin tưởng vào chính sách nhà nước thì người dân mới tham gia;

Thứ ba, với quy định hiện hành đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 đến 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ nên nhóm có độ tuổi từ 45 tuổi trở lên đối với nam và từ 40 tuổi trở lên đối với nữ sẽ không lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện vì khi đến khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ  55 tuổi thì thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm nên chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Luật BHXH năm 2006;

Thứ tư, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện để khuyến khích người dân tham gia; hiện tại người tham gia BHXH phải đóng toàn bộ 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất (BHXH bắt buộc người lao động đóng 8%, NSDLĐ đóng 14%); phương thức đóng BHXH tự nguyện chưa linh hoạt;

Thứ năm, công tác tuyên truyền còn một số hạn chế chưa phù hợp với các nhóm đối tượng, người dân chưa hiểu về BHXH tự nguyện;

Thứ sáu, việc tiếp cận của người dân với BHXH tự nguyện còn chưa được thuận lợi.

PV: Thưa ông, Luật BHXH sửa đổi năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 đã có quy định như thế nào để thu hút người lao động tham gia BHXH tự nguyện?

Trưởng ban Điều Bá Được: Chính sách BHXH tự nguyện theo quy định của Luật BHXH năm 2014 đã kế thừa các quy định của Luật BHXH năm 2006, sửa đổi, bổ sung một số quy định chưa phù hợp nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền hưởng an sinh xã hội của mọi người dân theo quy định của Hiến pháp. Cụ thể có những quy định tiến bộ như:

Mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đến mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên mà không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc(không khống chế trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện).

Hạ mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện tính trên mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn, mức thu nhập tháng thấp nhất đã hạ xuống bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay khoảng 400.000 đồng, trong khi Luật 2006 quy định bằng mức lương cơ sở, hiện nay là 1.150.000 đồng). Ngoài ra, Luật BHXH còn giao Chính phủ căn cứ điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, khả năng của ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ để quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Với quy định về mức đóng thay đổi thì nhiều người sẽ tiếp cận được với chính sách BHXH tự nguyện, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.

Quy định phương thức đóng BHXH tự nguyện linh hoạt hơn cho người tham gia được lựa chọn đóng hàng tháng hoặc 3 tháng một lần hoặc 6 tháng một lần hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hàng tháng hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu với mức đóng cao hơn mức đóng hàng tháng.

Về chế độ được hưởng tiếp tục duy trì chế độ hưu trí và tử tuất; đồng thời có quy định quyền lợi hưởng liên thông với chính sách BHXH bắt buộc

PV: Tham gia loại hình BHXH tự nguyện chỉ được hưởng hai chế độ hưu trí và tử tuất. Điều này sẽ tạo nên sự bất bình đẳng giữa những người lao động khi tham gia BHXH. Ông có ý kiến gì về nhận định này?


Trưởng ban Điều Bá Được:
Nguyên tắc của BHXH là mức hưởng dựa trên cơ sở mức đóng BHXH và thời gian đóng BHXH, thực hiện đúng nguyên tắc này sẽ bảo đảm sự bình đẳng. Theo đó, quy định người sử dụng lao động nếu sử dụng người lao động theo hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên thì bắt buộc hằng tháng phải trích từ tổng quỹ tiền lương của mình để đóng BHXH cho người lao động phần trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc của người sử dụng đồng thời cũng phải trích từ tiền lương của người lao động phần trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc của người lao động để đóng cùng lúc vào BHXH bắt buộc gồm: quỹ ốm đau, thai sản, quỹ TNLĐ, BNN, quỹ hưu trí và tử tuất (người lao động có quan hệ lao động theo pháp luật lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì hằng tháng phải đóng BHXH bắt buộc thông qua người sử dụng lao động trích từ tiền lương trên bảng lương ghi trên hợp đồng lao động để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất) nên được hưởng 5 chế độ BHXH như quy định hiện hành. Đối với BHXH tự nguyện quy định người lao động được tự nguyện đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tương ứng sẽ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất là đúng nguyên tắc. Để được hưởng tất cả các chế độ như đối với BHXH bắt buộc thì người lao động phải đóng vào các quỹ tương ứng như nêu trên điều này hiện nay chưa có quy định, mặt khác nếu có quy định thì sẽ làm tăng mức đóng góp của người lao động dẫn đến khả năng đóng BHXH tự nguyện của người lao động sẽ càng khó khăn nên cần phải nghiên cứu để có quy định về đóng – hưởng BHXH tự nguyện sao cho phù hợp và mang tính khả thi.

PV: Thưa ông, tới đây Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ như thế nào đối với đối tượng tham gia BHXH tự nguyện?

Trưởng ban Điều Bá Được: Tại Khoản 1 Điều 87 Luật BHXH năm 2014 có quy định: “Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện.” và giao cho Chính phủ quy định chi tiết về mức hỗ trợ này.

Hiện nay, dự thảo Nghị định của Chính phủ đang trình Thủ tướng ký theo hướng: Quy định mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ (%) trên mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn, cụ thể:

Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo

Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo

Bằng 10% đối với các đối tượng còn lại

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện phù hợp.

PV: Với vai trò là cơ quan thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam có những khuyến nghị gì để cải thiện việc tiếp cận BHXH tự nguyện của người lao động?

Trưởng ban Điều Bá Được: Theo tôi, BHXH tự nguyện mặc dù đã có một số sửa đổi, bổ sung trong Luật BHXH 2014 nhưng để tăng nhanh số người tham gia BHXH tự nguyện cũng là thách thức rất lớn không chỉ đối với ngành BHXH mà với cả hệ thống chính trị. Vì vậy, cần quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị để đưa chính sách BHXH tự nguyện đi vào cuộc sống thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, cụ thể:

Thứ nhất, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và ngành BHXH từ Trung ương đến địa phương cần xác định rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ BHXH trong đó quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHXH tự nguyện để người dân hiểu, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo thấy rõ vai trò, ý nghĩa của BHXH  tự nguyện; tăng cường đối thoại trực tiếp với người dân giúp cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu được tính ưu việt, tính nhân văn, nhân đạo của chính sách này. Tài liệu tuyên truyền cần ngắn gọn, dễ hiểu phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Thứ hai, kịp thời phát hiện và biểu dương các địa phương, đơn vị, thực hiện tốt công tác phát triển đối tượng, đồng thời phê phán, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong việc gây khó khăn cho người tham gia BHXH.

Thứ ba, ngành BHXH xác định công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm, cơ bản và lâu dài cần chủ động, tăng cường công tác  phối hợp với chính quyền địa phương quản lý tốt đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH nói chung để tạo niềm tin bền vững của người dân đối với cơ quan BHXH. Ngành BHXH đang tích cực đổi mới, cải cách cả về tổ chức và hoạt động  theo hướng chuyên nghiệp; hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân được tham gia và hưởng các chế độ BHXH góp phần bảo đảm an sinh xã hội một cách bền vững./.

 

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baohiemxahoi.gov.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.