Sáng ngày 26/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Doãn Mậu Diệp đã chủ trì phiên họp lần thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia để bàn về mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2019.
Phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia (Hội đồng) gồm đại diện ba bên: Cơ quan Nhà nước – Bộ LĐ-TB&XH; đại diện người lao động – Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; đại diện chủ sử dụng lao động – Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Trước đó, tại phiên đàm phán lần đầu tiên (diễn ra hôm 9/7), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2019 là 8% (từ 220.000-330.000 đồng/tháng). Trong khi đó, VCCI đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2019, mà giữ mức lương tối thiểu như hiện tại. Phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia lần thứ nhất đã khép lại với khoảng cách giữa hai bên là 8%.
Cùng trong diễn biến này, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng đã đưa ra đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2019 là 5,3% để các bên tham khảo.
Theo đó, trong phiên đàm phán thứ hai, kịch bản đàm phán sẽ giằng co và thực chất hơn. Đại diện ba bên phải đưa ra các phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 để thương lượng, trên cơ sở thảo luận làm rõ các số liệu, căn cứ để xác định mức sống tối thiểu nhằm đối thoại tìm ra phương án chung. Bởi việc điều chỉnh này sẽ tác động trực tiếp đến khoảng 10 triệu lao động trong khu vực có quan hệ lao động đang tham gia BHXH.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng trong phiên họp lần thứ hai của Hội đồng, đại diện các bên đều chưa tìm được tiếng nói chung, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn giữ nguyên quan điểm tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 phải ở mức 8%. VCCI- đại diện giới chủ sử dụng lao động cũng đồng ý sẽ tăng lương nhưng chỉ tăng ở mức rất thấp là 2%./.
Theo baohiemxahoi.gov.vn