Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn Luật BHXH

Sáng 14/3, Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, BHXH Việt Nam… về tình hình triển khai thi hành Luật BHXH. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi chủ trì buổi làm việc.

bsLoi 140316.JPG
Phó Chủ nhiệm Ủy ban VCVĐXH của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu
tại buổi làm việc

Luật BHXH (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2016. Để triển khai thi hành Luật BHXH, ngày 22/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 112/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, trong đó có giao rõ các cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH.

Theo báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, một số văn bản quy định chi tiết Luật BHXH đã ban hành như: Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/2/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện; Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27/11/2215 về cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Các văn bản khác đang trong quá trình xây dựng.

Báo cáo tại buổi làm việc, Trưởng ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) Điều Bá Được cho biết: BHXH Việt Nam là cơ quan thực hiện chính sách BHXH, BHYT, do vậy, BHXH Việt Nam xác định công tác phối hợp tham gia xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH là nhiệm vụ trọng tâm, là cơ sở để đảm bảo trong việc tổ chức thực hiện Luật BHXH được thuận lợi nhất. BHXH Việt Nam đã cử cán bộ tham gia ban soạn thảo, tổ biên tập các Nghị định nắm bắt các nội dung dự thảo, các vấn đề còn ý kiến khác nhau; tổ chức lấy ý kiến tham gia vào dự thảo các Nghị định, Thông tư; có ý kiến tham gia chính thức bằng văn bản đối với tất cả các dự thảo Nghị định. Mặt khác, cơ quan BHXH còn chủ động báo cáo Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế sớm ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền để BHXH Việt Nam có căn cứ ban hành quy định về hồ sơ, quy trình thực hiện và có thời gian xây dựng các phần mềm nghiệp vụ hỗ trợ việc xét duyệt, quản lý thực hiện các chế độ BHXH…

Đến nay, Chính phủ mới ban hành được một số Nghị định và Thông tư hướng dẫn, còn nhiều văn bản chậm ban hành. Một số Nghị định dự kiến năm 2015 phải được ban hành nhưng đến nay vẫn chưa ban hành được như: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân (Bộ Quốc phòng chủ trì); Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn về BH hưu trí bổ sung (Bộ LĐ-TB&XH chủ trì soạn thảo); Nghị định về thanh tra BHXH (Bộ LĐ-TB&XH chủ trì soạn thảo).

Bên cạnh đó, các nội dung Luật BHXH giao cho Bộ Y tế ban hành thì đến nay vẫn chưa ban hành được như: quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện, giấy xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng sức khỏe của người mẹ sau khi sinh con mà không đủ sức khỏe để chăm sóc con; trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh; giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật; quy trình giám định khả năng lao động, danh mục bệnh nguy hiểm khác liên quan đến tính mạng, danh mục chất ma túy, tiền chất ma túy, danh mục nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại đặc biệt nặng nhọc độc hại…

Đại diện cho quyền lợi của người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết: BHXH là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của hàng triệu người lao động. Ngay sau khi Luật BHXH được ban hành (tháng 11/2014), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tích cực chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung triển khai thực hiện Luật BHXH 2014 nhằm đảm bảo cho người lao động được tham gia BHXH, được hưởng đúng, đủ, kịp thời, thuận tiện các chế độ chính sách BHXH. Cùng với đó, công đoàn đã chủ động nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật BHXH như: Cử người tham gia ban soạn thảo và có ý kiến xây dựng Nghị định về BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BH thất nghiệp, BH hưu trí bổ sung, thanh tra chuyên ngành về BHXH và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH.

Trong năm 2015, trên cơ sở kiến nghị của người lao động và các cấp công đoàn, Tổng Liên đoàn đã có văn bản đề nghị với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết các trường hợp người lao động bị tai nạn nghề nghiệp trước năm 1995;… Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã phối hợp cùng BHXH Việt Nam kiểm tra việc thực hiện BHXH, BHYT tại Sơn La, Quảng Bình và Bắc Kạn; phối hợp Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (5 cơ quan) giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH trong các loại hình doanh nghiệp tại 6 tỉnh (Hà Nam, Nam Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Tháp, An Giang). Thông qua đó đã phát hiện được nhiều doanh nghiệp chây ì không đóng hoặc còn nợ hàng trăm tỉ đồng tiền BHXH và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Mặt khác, Liên đoàn Lao động các địa phương cũng phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động và việc thực hiện chính sách BHXH ở các doanh nghiệp. Chú trọng công tác thu nộp BHXH của người sửa dụng lao động và việc chi trả các chế độ BHXH cho người lao động, đặc biệt là các chế độ BHXH ngắn hạn…

Kết luận tại buổi làm việc, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định: Việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật BHXH đã được các cơ quan liên quan thực hiện tương đối tốt. Đối với những nội dung đang thực thi theo Luật BHXH cũ tuy không trái với Luật (sửa đổi) nhưng trong thực tế triển khai thực hiện chính sách của Luật BHXH đã phát sinh những vướng mắc. Nếu các Bộ chưa kịp ban hành văn bản mới phải có văn bản hướng dẫn thực hiện theo quy định cũ, song đồng thời cũng phải xây dựng văn bản mới thay thế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị, BHXH Việt Nam đang quyết liệt triển khai cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh giao dịch điện tử, trong quá trình thực hiện không được phát sinh thêm thủ tục hành chính trái quy định, gây khó khăn cho người lao động. Trong quá trình triển khai Luật BHXH, các Bộ, Ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, cùng bàn bạc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật BHXH (sửa đổi) để ban hành kịp thời, tạo thuận lợi cho người lao động và nhân dân trong việc thực hiện chính sách BHXH, đảm bảo người dân, người lao động tiếp cận được với các chính sách an sinh xã hội./.

 

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baohiemxahoi.gov.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.